VOA: Thưa giáo sư, trước hết chúng tôi xin chúc mừng ông đã trở thành người Việt Nam đầu tiên trong số 60 nhà văn nhà báo trên thế giới được Viện Báo Chí Quốc Tế trao tặng danh hiệu “Anh Hùng Tự Do Báo Chí Thế Giới” nhân kỷ niệm 60 năm ngày tổ chức này được thành lập để tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận. Xin giáo sư cho thính giả của đài VOA được biết so với những năm cuối thập niên 1980, khi ông sáng lập tờ “Diễn Ðàn Tự Do” để rồi bị bắt bớ và cầm tù nhiều năm, tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay có những thay đổi nào đáng chú ý không?
GS Đoàn Viết Hoạt: Nhà nước Cộng Sản tại Việt Nam tôi thấy chưa thay đổi chính sách đối với báo chí, kể cả truyền thông điện tử. Nhưng theo tôi thì chính sách lỗi thời này đã bị tình hình thực tế vượt qua rồi. Xã hội đã thay đổi! Người dân, nhất là giới trẻ, đã có nhiều phương tiện hơn, như mạng thông tin điện tử toàn cầu, để tự mình tìm đến những thông tin và phát biểu những ý kiến của mình. Và Việt Nam thì ngày càng phải hội nhập hơn vào cộng đồng quốc tế và khu vực. Cánh cửa tự do cho người dân không thể khép lại được nữa, dù chế độ vẫn muốn hạn chế hoặc đóng hẳn lại trong một vài lãnh vực “nhậy cảm”.
Theo tôi, hiện nay có một tình trạng cộng tồn giữa hai thực thể ngày càng khác nhau là đảng Cộng Sản và người dân, thể hiện qua chính những câu nói hàng ngày như: “đảng cứ nói, dân cứ làm; dân đi trước nhà nước theo sau”…Nhà nước và đảng Cộng Sản hiện đang đứng trước một thách đố mới là phải nới lỏng hơn nữa, nhưng nới lỏng đến đâu và nhanh hay chậm. Và những người hoạt động, hiện rất trẻ, trẻ hơn các thế hệ họat động trước đây rất nhiều, cũng rất là nhậy bén trong việc vận dụng tình hình mới này, và trong hoàn cảnh xã hội ngày càng thuận lợi hơn, với các phương tiện truyền thông điện tử toàn cầu và nhanh hơn rất nhiều so với lúc chúng tôi hoạt động.
VOA: Là một người không ngừng tranh đấu cho dân chủ nhân quyền và theo dõi sát tình hình chính trị trong nước, chắc ông cũng biết là báo chí “lề trái” ở Việt Nam hồi gần đây đã nhiều lần đề cập tới một phong trào có tên là “6 Chữ Vàng: HS-TS-VN”. Xin ông cho biết nhận xét và cảm nghĩ của ông về phong trào này.
GS Đoàn Viết Hoạt: Ngay trước khi có phong trào này thì đã có chiến dịch rải truyền đơn, như chúng ta biết là “Lời Kêu Gọi Ngàn Năm Thăng Long”,do một tổ chức mới là Ủy Ban Phối Hợp Hành Động Vì Dân Chủ, đã thực hiện thành công trong dịp Tết âm lịch vừa qua. Đây có lẽ là lần đầu tiên một số tổ chức chính trị phối hợp thành công việc rải truyền đơn đồng loạt và bất ngờ trong 8 tỉnh và thành phố từ nam đến bắc. Hoạt động này cũng được phổ biến rộng rãi ngay sau đó qua các phương tiện truyền thông điện tử quốc tế và Việt Nam hải ngoại, với nhiều hình ảnh và cả nội dung Lời Kêu Gọi. Nhờ vậy việc này được đông đảo thanh niên trong nước nhanh chóng biết đến, và họ đã tìm cách tạo ra phong trào “Sáu Chữ Vàng” từ nhiều tháng nay trên mọi miển đất nước như chúng ta thấy. Sáu Chữ Vàng, vừa dễ viết, vừa tránh gây chú ý của an ninh, tạo tò mò tìm hiểu cho những người thấy được.
Sáu Chữ Vàng cũng để đối lại với “16 chữ vàng” của Trung Quốc áp đặt cho nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Và khi ý nghĩa của nó được phổ biến rộng rãi đi thì sáng kiến này nhanh chóng tạo hứng khởi cho nhi ều bạn trẻ để họ tìm cách tự động thực hiện ở khắp nơi. Việc thực hiện thành công chiến dịch rải truyền đơn “Lời kêu Gọi Ngàn Năm Thăng Long” và phong trào Sáu Chữ Vàng này cho thấy những người hoạt động ở trong nước đã chọn đúng được khẩu hiệu và động lực đấu tranh, đồng thời ngày càng có nhiều sáng kiến và kinh nghiệm hoạt động hữu hiệu, tránh được “tầm ngắm” của an ninh nữa. Nếu những tổ chức và người hoạt động tiếp tục biết hoàn thiện phương pháp để hạn chế thiệt hại đến mức tối thiểu và đồng thời phát huy sáng kiến mới để nâng cao và mở rộng hơn nữa ảnh hưởng và hiệu quả hoạt động, chắc chắn phong trào sẽ có triển vọng phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.
VOA: Với tư cách là một người tham gia tích cực trong những nỗ lực dân chủ hóa Việt Nam, ông nhận định như thế nào về sự cải thiện trong quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian qua, và đặc biệt là sự kiện Hoa Kỳ đã chính thức can dự vào vụ tranh chấp Biển Ðông?
GS Đoàn Viết Hoạt: Tôi cho rằng đáng lẽ Hoa kỳ phải can dự vào khu vực Đông Nam Á nói chung và vào vùng biển Đông Nam Á nói riêng đã từ lâu rồi. Nhưng Hoa kỳ phải giải quyết vụ Hồi giáo cực đoan như chúng ta biết, và đã bị lôi cuốn vào vụ này quá lâu, nhất là ở Iraq. Kết quả là tạo thời gian cho Trung quốc phát triển thế lực và ảnh hưởng ra toàn thế giới, nhất là ở Phi Châu và Đông Nam Á. Chính quyền Obama thấy rõ điều này và đang điều chỉnh lại chính sách, chuyển từ vùng Trung đông, Iraq, sang vùng Nam Á, Afghanistan, và theo tôi, để chuẩn bị cho tình hình tại Á Châu nói chung và đặc biệt với Trung quốc nói riêng. Việc Mỹ chuyển chú ý đến vùng Đông Nam Á là điều cần thiết và kịp thời trước sự bành trướng của Trung quốc. Việc này cũng có lợi cho Việt Nam nói chung và cho phong trào dân chủ nói riêng.
VOA: Xin giáo sư giải thích thêm lý do tại sao việc này có lợi cho Việt Nam và cho phong trào dân chủ Việt Nam.
GS Đoàn Viết Hoạt: Dù Hoa Kỳ luôn vì quyền lợi của mình, như mọi quốc gia đều như thế, và chúng ta không thể hoàn toàn trông cậy vào họ, nhưng tình hình thế giới và Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng không thể không liên quan đến Hoa Kỳ. Không có Hoa Kỳ nhiều vấn đề của thế giới không giải quyết được. Vùng Đông Nam Á và biển Đông Nam Á lại càng như thế. Chỉ có sự hiện diện của Hoa Kỳ trong vùng này mới có thể cầm chân được Trung quốc. Và Hoa Kỳ là một nước dân chủ hàng đầu, tất nhiên không thể không tác động tới sự chuyển hóa dân chủ tại Việt Nam. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh là Hoa Kỳ không thể làm thay cho chúng ta được. Những người dân chủ trong và ngoài nước, nhất là trong nước, phải chủ động và tích cực đòi hỏi dân chủ. Việt Nam sẽ không có dân chủ nếu dân chúng không muốn và không đòi dân chủ. Và trong trường hợp đó Hoa Kỳ cũng không thể làm ngơ trước sự đàn áp của Hà Nội, và trước sự đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người Việt Nam yêu nước và yêu dân chủ. Con đường chuyển hóa dân chủ đang mở rộng trước mắt chúng ta. Chúng ta đang có địa lợi và nhân hòa. Theo tôi, thiên thời sẽ đến nếu chúng ta biết khai thác đúng mức địa lợi và nhân hòa, tích cực hoạt động và hoạt động có hiệu quả.
VOA: Xin chân thành cám ơn Giáo sư Ðoàn Viết Hoạt đã dành thời giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này.