Hơn 800 người dự kiến sẽ tham dự cuộc hội thảo hai ngày trong tuần này tại Geneve về chủ đề Ngăn ngừa Nạn Cực đoan Bạo động. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon sẽ là một trong các diễn giả tại cuộc họp do Liên Hiệp Quốc và chính phủ Thuỵ Sĩ đồng tổ chức.
Cuộc hội thảo này sẽ đánh dấu lần đầu tiên kể từ biến cố 11 tháng 9 năm 2001 cộng đồng quốc tế tập trung nỗ lực vào công tác phòng ngừa để đối phó với nạn khủng bố. Từ trước tới nay, cách ứng phó của quốc tế đối với khủng bố phần lớn là thông qua các biện pháp quân sự, an ninh và chấp hành luật pháp.
Ông Jehangir Khan, giám đốc Trung tâm Chống Khủng bố của Liên Hiệp Quốc, cho biết tất cả những biện pháp đó là cần thiết để ứng phó với những mối đe dọa của Nhà nước Hồi giáo, Boko Haram và những nhóm khủng bố khác.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng những biện pháp phòng ngừa để làm cho chủ nghĩa cực đoan bạo động không thể bám rễ và lan truyền cũng rất quan trọng. Ông cho biết những khuyến nghị được đề ra trong kế hoạch hành động 4 điểm của ông Ban Ki Moon bao gồm việc bác bỏ tất cả các hình thức kỳ thị, bài xích Hồi giáo và bài ngoại trong khi thực thi kế hoạch.
"Trong kế hoạch hành động này ông tổng thư ký đã nói rất rõ là chủ nghĩa cực đoan bạo động không có tôn giáo, không có sắc tộc, không có văn hoá – nó là cái ác toàn cầu. Ngoài ra, một trong các mục đích của cuộc hội thảo này là để nói rõ là cộng đồng quốc tế chống lại mọi loại chủ nghĩa cực đoan trong thế giới ngày nay."
Ông Khan cho biết kế hoạch hành động này đặc biệt chú trọng tới giới trẻ. Ông nói có 1,8 tỉ thanh thiếu niên trên thế giới và đó là những người dễ bị các nhóm khủng bố chiêu dụ. Ông cho biết khối người này đang bị các nhóm khủng bố trực tiếp nhắm tới và một số người đã bị cực đoan hoá.
"Họ là một tài sản rất tích cực, nhưng đồng thời, họ cũng rất dễ bị tổn thương. Chúng tôi thấy có những người trẻ, thậm chí là trẻ em, bị chiêu dụ và trở thành những kẻ nổ bom tự sát. Và liên hệ với giới trẻ là điều mà tôi gọi là bom xăng loại mới. Đây là bom xăng loại mới."
Ông Khan cho biết điện thoại di động và nhiều phương tiện truyền thông xã hội đang được các phần tử cực đoan bạo động sử dụng để khích động thanh thiếu niên thực hiện những hành vi khủng bố hay chà đạp nhân quyền.
Ông nói kế hoạch hành động của Tổng thư ký Ban Ki Moon bao gồm những đề nghị về cách thức động viên giới trẻ và sử dụng truyền thông xã hội một cách tích cực để chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo động.