Đường dẫn truy cập

Phó tổng thanh tra cảnh báo về thất thoát tài sản nhà nước


Phó Tổng thanh tra cảnh báo thất thoát tài sản nhà nước
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:48 0:00

Phó Tổng thanh tra cảnh báo thất thoát tài sản nhà nước

Trong một hội nghị mới đây, một quan chức hàng đầu ngành thanh tra Việt Nam cảnh báo về mức độ tài sản nhà nước bị thất thoát lớn.

Kiểm điểm lại công tác thanh tra trong nửa đầu năm nay, hôm 10/7, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh nói thất thoát tài sản nổi bật là trong lĩnh vực đất đai và thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước.

Ông Hạnh chỉ ra rằng chỉ mới thanh tra về quản lý đất đai tại “một vài địa phương” đã phát hiện những sai phạm, mà qua đó ông đánh giá rằng: “Tài sản nhà nước bị thất thoát kinh khủng”.

Những dữ liệu được báo chí đăng tải cho hay trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành thanh tra đã phát hiện các vi phạm với tổng số tiền lên đến hơn 29.500 tỷ đồng và gần 5.000 hectare đất.

Phía thanh tra đề nghị nhà chức trách xử lý hình sự 49 vụ và 113 đối tượng liên quan đến các sai phạm kể trên.

Bên cạnh đó, trong cùng khoảng thời gian, ngành thanh tra cho biết đã phát hiện 47 vụ và 66 đối tượng có hành vi tham nhũng hay liên quan đến tham nhũng.

Tuy nhiên, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh nói ngành của ông “chưa có quyền năng để làm tốt” những vấn đề liên quan đến tham nhũng.

Ông được báo chí dẫn lời nói rằng: “Khi phát hiện ra những dấu hiệu bất minh, thấy có tham nhũng nhưng không ai cho làm vì không có quyết định thì không làm được”.

Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói với VOA rằng thực trạng này ở Việt Nam là do đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo cao nhất trên thực tế, mọi hoạt động thanh tra, điều tra các quan chức phải đi qua các ủy ban phù hợp của đảng. Ông nói:

“Chẳng hạn như những lãnh đạo ở tỉnh, muốn kiểm tra người đó, nếu thuộc diện quản lý của thường vụ tỉnh ủy, thường vụ tỉnh ủy phải ‘gật đầu’, thì mới điều tra được. Còn những người thuộc diện quản lý của Ban Bí thư Bộ Chính trị, phải báo cáo sự việc lên, trên đó người ta đồng ý thì mới điều tra, kiểm tra được. Cái việc chưa được thống nhất hệ thống chính trị, cái cơ chế, thể chế nó ràng buộc với nhau, nó ngăn cản, trói tay, nó hạn chế”.

Tại hội nghị ngành thanh tra vừa qua, Phó Tổng Thanh tra Hạnh nhấn mạnh rằng muốn làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng ngay từ đầu “cần phải công khai minh bạch các mặt kinh tế - xã hội ở địa phương cho người dân nắm được”.

Theo lời ông thì thực tế là hiện nay có những nơi “còn dấu giếm, không bao giờ công khai cho dân biết để kiểm tra thì sao tốt được”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG