Đường dẫn truy cập

Phó Thủ tướng Trung Quốc sắp tới Mỹ đàm phán thương mại


Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 4/4/2019.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng vào ngày 4/4/2019.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Hoa Kỳ trong tuần này để đàm phán thương mại, Bắc Kinh cho biết hôm 7/5. Động thái này được cho là làm giảm nhẹ căng thẳng vừa đột ngột tăng lên sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dọa sẽ đánh thuế hàng Trung Quốc, theo Reuters.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã quay lưng lại với các cam kết đáng kể được đưa ra trong nhiều tháng đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại gay go giữa hai nước.

Lo ngại đã khiến ông Trump hôm 5/5 nói rằng ông sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% trên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ đôla của Trung Quốc ngay vào cuối tuần này, và sẽ “sớm” đánh thuế vào lượng hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc.

Những dòng tin trên Twitter của ông Trump đã đột ngột chấm dứt thời gian 5 tháng “ngừng chiến” của cuộc tranh chấp thương mại gây tốn kém hàng tỷ đô là cho cả hai nước và làm gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.

Những lo ngại liên quan đến cuộc đàm phán cũng đã đẩy giá cổ phiếu và giá dầu trên toàn cầu sụt giảm vào ngày 6/5, và tạo ra suy đoán rằng Trung Quốc có thể sẽ hủy chuyến thăm đã được hoạch định của ông Lưu.

Bộ Thương mại Trung Quốc xác nhận rằng ông Lưu, người dẫn đầu các cuộc đàm phán bên phía Bắc Kinh, sẽ đến Hoa Kỳ vào thứ Năm và thứ Sáu. Bộ này không đưa ra chi tiết hay tiết lộ các chủ đề dự kiến sẽ thảo luận.

Phản ứng về triển vọng áp thuế mới đã được đưa ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 7/5 nói trong một cuộc họp báo rằng sự tôn trọng lẫn nhau chính là cơ sở để đạt được thỏa thuận thương mại.

“Áp đặt thêm thuế quan không thể giải quyết bất kỳ vấn đề nào”, Reuters dẫn lời ông Cảnh Sảng nói.

“Các cuộc đàm phán, về bản chất, là một quá trình thảo luận. Hai bên khác biệt nhau là điều bình thường. Trung Quốc không trốn tránh vấn đề và chân thành trong việc tiếp tục đàm phán”, người phát ngôn Trung Quốc nói.

“Chúng tôi hy vọng phía Hoa Kỳ có thể cố gắng hết sức với Trung Quốc để thỏa hiệp với nhau, và trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, giải quyết các mối quan tâm hợp lý của nhau và cố gắng đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi”, ông Cảnh Sảng nói thêm.

Thái độ sẵn sàng tiếp tục đàm phán của Bắc Kinh khi đối mặt với những tuyên bố trên trang Twitter của ông Trump, cho thấy họ sẽ giữ bình tĩnh và “tập trung vào các cuộc đàm phán thay vì tham gia vào cuộc chiến công khai”, tờ báo nhà nước Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc nói.

Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, người ủng hộ cho việc phải thay đổi cơ cấu mạnh mẽ ở Trung Quốc, hôm 6/5 nói rằng Bắc Kinh đã bội ước với các cam kết trước đó, vốn sẽ làm thay đổi đáng kể hiệp ước.

“Trong suốt tuần qua, chúng ta đã chứng kiến... một sự xói mòn trong các cam kết của Trung Quốc”, Reuters dẫn lời ông Lighthizer nói với các phóng viên. “Điều đó, theo quan điểm của chúng tôi, là không thể chấp nhận được”.

“Chúng ta không phá vỡ các cuộc đàm phán vào thời điểm này. Nhưng lúc này, đến ngày thứ Sáu, sẽ phải áp thuế”.

Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, người được coi là ít “diều hâu” đối với Trung Quốc, cho biết việc quay đầu đã trở nên rõ ràng với “những thông tin mới” vào cuối tuần qua.

Ông từ chối cung cấp thông tin cụ thể và cho biết phía Hoa Kỳ ban đầu hy vọng sẽ kết thúc thỏa thuận trong tuần này, dù là với kết quả như thế nào.

“Họ đã cố gắng quay trở lại với ngôn ngữ đã đàm phán trước đây, ngôn ngữ rất rõ ràng, có tiềm năng thay đổi đáng kể thỏa thuận”, theo ông Mnuchin.

“Toàn bộ đội ngũ kinh tế... hoàn toàn thống nhất và đề nghị tổng thống tiếp tục áp thuế nếu chúng tôi không thể kết thúc thỏa thuận vào cuối tuần”.

Trung Quốc nhiều lần nói rằng họ sẽ thực hiện các thay đổi để mở cửa nền kinh tế theo khung thời gian riêng của họ, không đáp ứng theo các tranh chấp thương mại.

Nhưng gần đây, họ đã thông qua các luật mới, bao gồm Luật Đầu tư nước ngoài và sửa đổi các luật khác, một số động thái được xem là nỗ lực giải quyết những lo ngại của các nhà đầu tư Mỹ và nước ngoài khác, bao gồm cả các nhà đầu tư từ những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc là Liên minh châu Âu.

Hoa Kỳ hiện áp thuế 25% trên 50 tỷ đôla hàng hóa công nghệ và máy móc của Trung Quốc, và 10% thuế quan đối với 200 tỷ đôla sản phẩm khác.

Đàm phán nhằm bỏ thuế quan của Hoa Kỳ là một trong những điểm vướng mắc còn lại. Trung Quốc muốn bỏ thuế quan. Các quan chức Hoa Kỳ muốn giữ một số, nếu không phải là tất cả các mức thuế, như một phần của bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào nhằm đảm bảo là Trung Quốc tuân thủ các cam kết của mình.

VOA Express

XS
SM
MD
LG