Đường dẫn truy cập

Phim tài liệu India’s Daughter ra mắt ở NY, Ấn Độ tiếp tục phản đối


Các sinh viên Ấn Độ tham gia cuộc biểu tình ở Mumbai, Ấn Độ, được tổ chức để nâng cao sự hiểu biết về vấn đề bạo hành đối với phụ nữ vì giới tính
Các sinh viên Ấn Độ tham gia cuộc biểu tình ở Mumbai, Ấn Độ, được tổ chức để nâng cao sự hiểu biết về vấn đề bạo hành đối với phụ nữ vì giới tính

Bộ phim India’s Daughter (tạm dịch Người con gái Ấn Độ), nói về vụ cưỡng hiếp và sát hại tàn bạo cô Jyoti Singh 23 tuổi ở New Delhi năm 2012, đã chiếu ra mắt ở New York. Ấn Độ cấm chiếu bộ phim tài liệu trình bày chi tiết câu chuyện 5 người đàn ông và một thiếu niên đã cưỡng hiếp một sinh viên y khoa ra sao, sau khi cô rời rạp chiếu phim cùng với người bạn trai. Hàng triệu người đã xem cuốn phim trên mạng và phim đang được phát hình trên khắp thế giới. Thông tín viên Henry Ridgwell tường thuật.

Bộ phim xoay quanh cuộc phỏng vấn Mukesh Singh, một trong những người đàn ông đang bị giam về tội cưỡng hiếp tập thể và giết người.

Khi được hỏi về vụ cưỡng hiếp, Mukesh Singh nói với những người phỏng vấn rằng ‘có lửa mới có khói không thể trách một bên. Một cô gái đứng đắn không lang thang ngoài đường vào lúc 9 giờ tôi’

Anh ta nói tiếp rằng nếu nạn nhân không kháng cự, họ có lẽ đã thả cô sau khi ‘cưỡng hiếp’ và chỉ đánh thanh niên đi cùng với cô.

Cuốn phim tài liệu gây ra sự phản kháng dữ dội trên khắp Ấn Độ. Chính phủ cấm chiếu bộ phim, gán cho nó như một “âm mưu bôi nhọ Ấn Độ.”

Hôm Chủ nhật những người trong bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ biểu tình ủng hộ lệnh cấm.

Meenu Maheshwari, một phụ nữ trong đoàn biểu tình hỏi, “Làm thế nào lại được phép quay cuốn phim tài liệu về vụ cưỡng hiếp tập thể ở New Delhi? Chúng tôi phản đối điều đó.”

Phim India’s Daughter ra mắt ở New York vào tối Thứ hai. Trong số các ngôi sao điện ảnh bày tỏ sự ủng hộ có nữ diễn viên Freida Pinto. Cô nói:

“Không có một nước nào vào năm 2015 lại được tự do hành động bạo hành tình dục với phụ nữ vì vậy đây là lý do rất quan trọng để tôi tranh đấu.”

Đạo diễn người Anh Leslee Udwin nói rằng thái độ của những tội phạm cưỡng hiếp trong cuốn phim tài liệu xuyên suốt trong xã hội Ấn Độ. Ông nói:

“Tôi nhận thức và hiểu cách anh ta nghĩ về phụ nữ, và đó là điều thật cực kỳ kinh khủng. Không phải những gì anh ta làm, mà là điều anh ta nghĩ dẫn anh ta đến chỗ hành động như vậy. Và không chỉ có anh ta nghĩ điều đó. Đó là vấn đề xã hội.”

Những người chỉ trích nói rằng cuốn phim tạo diễn đàn cho những kẻ sát nhân. Ông Amitabh Kumar thuộc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội ở Delhi nói rằng nó không làm được gì nhiều để thúc đẩy cuộc tranh luận:

“Chúng ta đi về đâu? Có phải chỉ đến tình huống ‘tin đổ máu đưa lên hàng đầu’ và quảng cáo điều đó?’

Vụ cưỡng hiếp này đã khơi lên các vụ biểu tình trên khắp Ấn Độ vào năm 2012. Kể từ đó, Ấn Độ siết chặt các luật lệ về cưỡng hiếp, tuy nhiên, bà Chritina Zampas của Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định rằng thực tế, chẳng có mấy thay đổi. Bà nói:

“Điều quan trọng là Ấn Độ thông qua các luật lệ hiệu quả, thực thi các luật đó, đào tạo cảnh sát với sự hiểu biết giới tính, để phụ nữ, khi họ báo cáo một vụ cưỡng hiếp được xử sự một cách cảm thông và nhận được sự quan tâm mà họ cần có. Và các phụ nữ đó thực sự tham gia vào tiến trình phát triển luật.”

Các nhà đạo diễn nói rằng phát hành bộ phim là bước đầu trong chiến dịch toàn cầu chống lại tinh thần bất bình đẳng giới tính và bạo hành tình dục đối với phái nữ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG