Một vụ đối đầu căng thẳng trên biển vì tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines đã làm nhiều người chú ý tới một hiệp ước mà Washington và Manila đã ký kết cách nay hơn 60 năm. Theo tường thuật của thông tín viên Steve Herman của đài VOA, nhiều nhà phân tích cho rằng những suy tính chính trị hiện thời có thể sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực thi hiệp ước này.
Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Phi đang được mang ra nghiên cứu ở Washington và Manila bởi các nhà ngoại giao và chính khách, trong đó có nhiều người chưa chào đời khi văn kiện này được ký kết vào năm 1951.
Các giới chức đang tìm cách xác định xem phải chăng Hoa Kỳ có bổn phận trợ giúp Manila trong trường hợp xảy ra một vụ xung đột quân sự giữa Philippines và Trung Quốc tại một vùng biển hẻo lánh nằm cách Vịnh Subic chừng 200 kilo mét về hướng tây.
Trong hơn một tháng nay các chiếc tàu của Philippines và Trung Quốc đã được bố trí xung quanh bãi cạn Scarborough sau khi các tàu hải giám Trung Quốc ngăn không cho một chiếc tàu hải quân Philippines bắt giữ các ngư phủ Trung Quốc.
Cả Philippines lẫn Trung Quốc đều tuyên bố có chủ quyền đối với vùng biển này.
Hiệp ước giữa Manila và Washington không đề cập một cách cụ thể tới biển Nam Trung Hoa -- là vùng biển Trung Quốc gọi là Nam hải, Việt Nam gọi là Biển Đông và Philippines gọi là Biển Tây Philippines.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Philippines đang luân lưu những văn thư mà họ nhận được từ các giới chức Hoa Kỳ năm 1979 và 1999 như những bằng chứng cho thấy hiệp ước này bao gồm những khu vực ở Biển Nam Trung Hoa mà Philippines tuyên bố có chủ quyền. Những khu vực này bao gồm đảo Scarborough và một số đảo nhỏ ở Trường Sa -- quần đảo đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng Washington “sẽ tuân thủ các nghĩa vụ trong hiệp ước với Philippines.” Tuy nhiên, bà Clinton không chịu cho biết Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao trong trường hợp mà bà gọi là “những sự việc giả định”, như một vụ tấn công của Trung Quốc nhắm vào các lực lượng Philippines ở quần đảo Trường Sa.
Ông Denny Roy, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Đông Tây ở Hawaii, than phiền rằng hiện nay có một sự chú ý quá độ vào ngôn từ của hiệp ước và những tuyên bố trong những năm trước đây liên quan tới hiệp ước này. Ông nói thêm như sau.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta nên có một cái nhìn bao quát hơn về những hành động phù hợp nhất với lợi ích của nước Mỹ trong những tình huống có thể xảy ra mà chúng ta có thể dự đoán. Và chắc chắn là việc Hoa Kỳ và Trung Quốc giao chiến với nhau vì những nơi được gọi là “đảo” ở Trường Sa sẽ là một việc điên khùng. Cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc không nước nào để cho họ vì những tờ giấy mà phải lâm vào một tình huống điên khùng như vậy."
Ông Roy nói rằng Philippines, là nước có một hạm đội hải quân cũ kỹ với khoảng vài chục chiến hạm cỡ nhỏ và không có một phản lực cơ chiến đấu nào, sẽ bị lực lượng hùng hậu của Trung Quốc đè bẹp nếu đôi bên xảy ra chiến tranh. Do đó, ông cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ ở Manila cứ nhất định nói là Hoa Kỳ có bổn phận giúp đỡ Philippines trong trường hợp xảy ra một vụ xung đột như vậy. Ông nói:
"Đương nhiên, Philippines muốn có một sự diễn giải mạnh mẽ nhất đối với Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Phi. Điều đó có nghĩa là ràng buộc Hoa Kỳ càng nhiều càng tốt. Nhưng chúng ta nên biết là tất cả các bên ai nấy cũng có mục tiêu riêng của mình và mục tiêu của Philippines là củng cố đòi hỏi chủ quyền của mình vào lúc này, khi họ có cơ hội. Mục tiêu này sẽ khó đạt được trong tương lai, khi sức mạnh mà Trung Quốc có thể phát huy ở khu vực này sẽ mạnh mẽ hơn."
Đối với người Philippines, yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ quân sự là một việc gây ra những cảm xúc lẫn lộn.
Quốc gia Đông Nam Á này là một cựu thuộc địa của Mỹ và các lực lượng Mỹ đã giải phóng Philippines khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai. Nhưng tình cảm bài Mỹ gia tăng trong thời hậu chiến đã khiến Thượng viện Philippines vào năm 1991 bỏ phiếu để đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước này. Mặc dù vậy, hiệp ước quốc phòng 1951 của thời Chiến tranh Lạnh đã không bị hủy bỏ.
Bà Carolina Hernandez, giáo sư danh dự của Đại học Philippines, cho biết một số người Philippines từng tranh đấu trong những thập niên trước đây để đòi quân đội Mỹ rút đi bây giờ đã thay đổi lập trường. Bà nói:
"Ngay cả những người thuộc các tổ chức tả khuynh cũng nhận ra rằng Philippines không đủ sức để chống cự Trung Quốc. Và do đó, vì quyền lợi của Mỹ ở Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Tây Philippines, và quyền lợi của Philippines trùng hợp với nhau vào thời điểm này nên nhiều người trông đợi là Hoa Kỳ sẽ ra tay để bảo vệ quyền lợi chung của cả hai nước."
Bà Hernandez là người sáng lập và là người đứng đầu Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển ở Manila. Bà nói rằng nhiều người Philippines lo ngại là những mối quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh sẽ đè bẹp những lợi ích chiến lược của Mỹ ở Philippines, những lợi ích đã có từ năm 1898. Bà nói:
"Có những người vẫn nghĩ rằng Hoa Kỳ không đáng tin cậy. Họ không nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ gây rủi ro cho mối quan hệ dễ vỡ với Trung Quốc để bảo vệ những quyền lợi hải dương của Philippines. Họ cho rằng Hoa Kỳ sẽ không ra tay giúp đỡ Philippines vì quan hệ song phương Mỹ-Trung có một vai trò vô cùng quan trọng trong cục diện mới của quyền lực, không chỉ ở trong khu vực này mà là trên toàn thế giới."
Ông John Bolton, cựu Phó Ngoại trưởng Mỹ, nói rằng đó là những nhận định sai lầm. Ông nói:
"Philippines có quyền khẳng định những đòi hỏi chủ quyền chính đáng đối với những gì mà họ nghĩ là lãnh thổ của mình, dựa trên các yếu tố địa dư, lịch sử và các hiệp ước, vân vân … Và tôi nghĩ rằng có một sự đồng thuận là thật ra Trung Quốc mới chính là nước có những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ rất không chính đáng."
Ông Bolton cho rằng Washington nên khuyến khích các nước Đông Nam Á giải quyết những mối tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa họ với nhau, ngõ hầu các nước này có thể có một lập trường thống nhất để cùng với Hoa Kỳ chứng tỏ rằng những mưu toan của Trung Quốc nhằm kiểm soát các vùng biển quốc tế là không thể chấp nhận.
Ông Bolton, người cũng từng giữ chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, tiên đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục “dọ dẫm và thúc đẩy” những đòi hỏi về chủ quyền biển đảo cho tới khi nào họ gặp phải một sự kháng cự quyết liệt. Ông nói tiếp:
"Tôi e rằng họ sẽ tìm cách làm như vậy và sẽ lợi dụng tình hình hiện nay là Hoa Kỳ phải chú tâm vào cuộc bầu cử sắp tới. Họ nhận thấy có khả năng là ông Obama có lẽ sẽ bị thất cử cho nên họ sẽ tận lực thúc đẩy trong lúc có một vị tổng thống yếu ở Tòa Bạch Ốc. Đó chính là lý do khiến tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn các nước ASEAN cần phải ra sức để đoàn kết với nhau trong vấn đề này."
Một số các nhà phân tích cho rằng nếu Bắc Kinh xem chính quyền hiện nay của Mỹ là một chính quyền có thể có xu hướng nhường nhịn thì đó là một nhận định sai lầm.
Họ nói rằng Washington chắc chắn sẽ tính tới chuyện phái Đệ thất hạm đội chiếm lại Scarborough nếu các lực lượng mạnh hơn của Trung Quốc đoạt bãi cạn này từ tay hải quân Philippines.
Trong khi đó, cũng có nhiều nhà quan sát dự đoán: trong ngắn hạn, tất cả các bên sẽ tìm kiếm một cách thức để làm giảm bớt căng thẳng mà không bên nào bị mất thể diện.
Nhưng cho dù căng thẳng có giảm đi nữa thì những vụ tranh chấp chủ quyền rộng lớn hơn vẫn chưa thể giải quyết được, trong lúc Trung Quốc tiếp tục khẳng định đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông, một khu vực chiến lược và có nhiều tài nguyên thiên nhiên, và Hoa Kỳ đang chứng tỏ quyết tâm giữ vững vị thế của một cường quốc Thái bình dương.