Một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, một nhà cựu lập pháp Philippines và 4 cựu linh mục Công giáo nằm trong số 600 người bị cáo buộc là du kích Cộng sản mà Philippines đang muốn quy là “khủng bố”, Reuters trích dẫn một đơn kiện của chính phủ lên tòa án hôm 8/3.
Tháng trước, Bộ Tư pháp Philippines nói họ muốn tòa án tại Manila tuyên bố Đảng Cộng sản Philippines (CPP) và cánh vũ trang của đảng này -- Quân đội Nhân dân Mới (NPA), là các tổ chức “khủng bố”, nhưng không chỉ ra bất cứ cá nhân nào.
Đơn kiện, mà Reuters có được bản sao, cho thấy Tổng thống Rodrigo Duterte đang theo đuổi lời đe dọa phá bỏ phong trào mà ông coi là “hai mang”.
Trong vài tuần lễ sau khi nhậm chức vào tháng 7 năm 2016, ông Duterte đã phóng thích một số lãnh đạo cộng sản và đưa những người cánh tả vào nội các của ông, thể hiện cam kết trong việc tìm kiếm giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột đã kéo dài 5 thập niên.
Tuy nhiên, tổng thống Philippines đã từ bỏ quá trình này vào tháng 11, sau khi xảy ra những vụ mà ông gọi là tấn công tái diễn của NPA trong quá trình đàm phán.
Đơn kiện nói phiến quân “sử dụng các hành động khủng bố” để gieo rắc sợ hãi và hoảng loạn nhằm lật đổ chính phủ.
Hầu như mỗi ngày, ông Duterte đều bày tỏ sự tức giận đối với những người theo chủ nghĩa cộng sản Mao Trạch Đông và coi họ như một mối đe dọa cho an ninh cũng giống như các nhóm chiến binh Hồi giáo ở Philippines cam kết trung thành với Nhà nước Hồi giáo.
Bằng cách tuyên bố các nhóm và cá nhân này là “khủng bố”, chính phủ có thể giám sát họ chặt chẽ hơn, theo dõi về tài chính và hạn chế họ tiếp cận các nguồn lực và các biện pháp khác.
Đơn kiện bao gồm 18 lãnh đạo cao nhất của đảng Cộng sản, thành viên của ủy ban trung ương, trong đó có người sáng lập Jose Maria Sison và người thương thuyết hòa bình Luis Jalandoni. Cả hai đều ở Hà Lan trong ba thập niên qua.
Hơn 40.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nổi dậy của những người theo chủ nghĩ Mao. Các cuộc đàm phán nhằm kết thúc cuộc nổi dậy rơi vào tình trạng lúc có lúc không kể từ khi Na Uy làm trung gian vào năm 1986.