Đường dẫn truy cập

Philippines yêu cầu TQ giải thích sự cố mới nhất tại Biển Đông


Cờ Trung Quốc và ăng ten đĩa vệ tinh trên một cấu trúc do Trung Quốc xây trên một đảo trong quần đảo Trường Sa
Cờ Trung Quốc và ăng ten đĩa vệ tinh trên một cấu trúc do Trung Quốc xây trên một đảo trong quần đảo Trường Sa

Chính phủ Philippine cho hay họ đã chuyển tới đại sứ quán Trung Quốc “những quan ngại sâu xa” của họ về những tin tức nói rằng một số tàu Trung Quốc đã đưa lên bờ các vật liệu xây cất, và dựng các chốt quân sự trên những vỉa đá mà Manila nhận chủ quyền trong Biển Nam Trung Quốc. Các giới chức Phi nói rằng họ vẫn đang tìm cách xác định liệu các tàu liên hệ có xuất phát từ Trung Quốc hay không.

Bộ Ngoại giao Philippine đang đặt câu hỏi với giới chức cấp cao nhất ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, xem liệu các tàu Trung Quốc có mặt trong khu vực quanh vùng Amy Douglas Bank hay không.

Bộ Ngoại giao Philippine nói rằng các cơ quan quốc phòng và quân sự của họ đã nhận được tin rằng một tàu hải giám và 2 tàu khác đang dựng những trụ sắt, vật liệu xây dựng và nhiều phao trên hòn đảo trong vùng mà Manila nói nằm sâu trong đặc khu kinh tế của Philippine.

Phát ngôn viên quân sự của Philippine, Phó Đề Đốc Mike Rodriguez, nói rằng các ngư dân Phi trông thấy những cái phao ấy hồi tuần trước, và đã giao những vật ấy cho hải quân Philippine.

Phó đề đốc Rodriguez nói: “Chúng tôi chưa xác định được nguồn gốc của các dấu mốc liên hệ, nhưng trên đó có viết tiếng Trung Hoa. Tuy vậy, trong bối cảnh bất cứ món gì hiện nay cũng do Trung Quốc sản xuất, thì các phao ấy có thể của bất cứ ai.”

Đây là lần thứ nhì chính quyền Philippine yêu cầu Trung Quốc giải thích về một sự kiện xảy ra trong vùng Biển Đông.

Hồi tháng Ba, nước này đã đệ đơn khiếu nại rằng một tàu thăm dò của họ đã bị các tàu tuần tra Trung Quốc quấy nhiễu tại khu Reed Bank, thuộc lãnh hải của Philippine.

Biển Nam Trung Hoa bao gồm một nhóm quần đảo tiếng Anh là Spratlys, tức Trường Sa mà Trung Quốc, Philippine, Brunei, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan vẫn nhận chủ quyền toàn phần hoặc từng phần.

Quần đảo này được tin là có chứa nhiều trữ lượng khí đốt thiên nhiên, và nằm cách địa điểm nơi xảy ra các sự kiện liên quan tới Philippine vào khoảng 170km về hướng Tây-Bắc.

Các nước hội viên ASEAN đã ký một bộ quy tắc không có tính ràng buộc pháp lý hồi năm 2002, theo đó các bên sẽ tìm cách giải quyết các cuộc tranh chấp trong vùng biển Đông một cách êm thắm. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đồng ý việc thực thi các quy tắc này.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Philippine Ed Malaya nói sự cố mới nhất cho thấy nhu cầu phải có những quy tắc hướng dẫn rõ ràng.

Ông nói: “Chúng tôi muốn thấy có tiến bộ cụ thể hướng tới một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý hơn về cách ứng xử của các bên trong khu vực này của chúng ta.”

Không tiếp xúc được với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc để xin bình luận về vấn đề này.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Philippine. Cả hai đồng ý rằng giải pháp tốt nhất cho cuộc tranh chấp tại Biển Đông là một giải pháp ôn hòa.

Đây là vụ xích mích ngoại giao thứ nhì, nội trong vòng một tuần liên quan tới những tuyên bố chủ quyền chồng chéo trên các vỉa đá và các hòn đảo trong vùng Biển Nam Trung Quốc. Tuần trước, Việt Nam than phiền rằng các tàu hải quân Trung Quốc đã cắt dây cáp của một tàu dò tìm dầu khí Việt Nam, và buộc chiếc tàu này phải ra khỏi các vùng biển ở ngoài khơi duyên hải Đông-Nam của Việt Nam.

Việt Nam nói sự cố này xảy ra tại một địa điểm nằm cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 600 km về phía nam, và cách bờ biển Việt Nam có 120 km, hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tại một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua, Phát ngôn viên Khương Du nói rằng chiếc tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam đang hoạt động bất hợp pháp trong khu vực thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, và hành động của Trung Quốc là “hoàn toàn hợp lý”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG