Tại hộp đêm La Bamba, phụ nữ Philippines trình diễn vũ điệu trên sân khấu chính trong lúc những khách đàn ông Mỹ ngồi chật chung quanh. Rất nhiều trong số này không phải là du khách mà là những người đã nghỉ hưu. Họ sống ở đây, trong thành phố Angeles này, cách thủ đô Manila 2 giờ lái xe về phía bắc và được những người Mỹ biết đến như một nơi giải trí phục vụ cho căn cứ không quân Clark của Hoa Kỳ trước đây.
Ngày nay 400 bar rượu và nhà hàng ăn tại Angeles phục vụ cho khoảng 2.000 người nước ngoài đã nghỉ hưu sinh sống ở đây hay thị trấn duyên hải Subic gần đó.
Hơn 13.300 trăm người nước ngoài đã đến sống thường xuyên tại Philippines. Nhiều người trong số này lúc đầu chỉ là khách du lịch muốn đi tắm biển vùng nhiệt đới ở những khu nghỉ dưỡng với giá hạ mà dân địa phương lại nói tiếng Anh.
Ông Arch Turner, một quản lý sòng bài 67 tuổi đã nghỉ hưu từ Hoa Kỳ đến, đã quyết định chọn sống ở Angeles hai năm trước sau một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ông nói:
”Giờ đây tôi được hưởng một cuộc sống phẩm chất cao hơn là ở xứ tôi nhiều, đáng đồng tiền bát gạo mà lại được trọng vọng nữa. Tôi có một hồ bơi thật lớn ở trước nhà, sau nhà là sân tennis, trên tầng lầu hai là một phòng khách thật rộng đủ chỗ cho 30 người, và tôi ngồi đấy uống cà phê.“
Những người đồng hội đồng thuyền với ông Turner trong thành phố này có khoảng 3.000 người Trung Quốc, một số đến đây để tránh né chính sách chỉ có 1 con của Bắc Kinh. Có khoảng chừng 2.400 người Nam Triều Tiên nghỉ hưu, còn người Mỹ chỉ có chừng 1.000.
Các giới chức Philippines nói họ không tính toán được số thu nhập những người nước ngoài nghỉ hưu đến sống tại đây mang về cho nền kinh tế địa phương là bao nhiêu, vì những doanh nghiệp chủ chốt, như những khách sạn dành cho khách ở lâu, không nộp biên nhận. Nhưng họ cho biết thị trường nhà đất khấm khá hơn nhờ những người như ông Turner. Những ngoại kiều sống bằng tiền hưu được biết chi ít nhất 30 đô la một ngày cho việc đi ăn nhà hàng không thôi, đôi khi hơn 40 đô la một ngày nếu như họ uống rượu nữa.
Mức chi tiêu như thế mang lợi về rất nhiều cho Angeles, giúp cho thành phố gồm 350.000 người lẽ ra chỉ là một cộng đồng nông nghiệp trở thành một nơi với những nhà hàng ăn được coi là niềm hãnh diện cho tòa thị chính.
Thị trưởng Edgardo Pamintuan nói ông rất biết ơn những người về hưu dọn đến đây cư ngụ. Ông nói:
”Kinh tế của thành phố được thức đẩy nhờ nguồn lợi từ các khách sạn, các tiệm ăn, quán rượu được những người Mỹ lai vãng thường xuyên, những người đến đây cư trú trong tuổi nghỉ hưu của họ, và đấy thực sự là một lực đẩy mạnh cho nền kinh tế của chúng tôi.”
Những người nghỉ hưu còn phải bỏ ít nhất 10.000 đôla tiền đặt cọc vào ngân hàng hay một tài sản ở địa phương để đủ điều kiện được cấp giấy nhập cảnh.
Tính cho tới nay những người được cấp giấy thường trú tại đây đã đem lợi cho địa phương đến 365 triệu đô la. Một nửa được đem đầu tư vào các khu chung cư, các cổ phần xây các câu lạc bộ giải trí và các chứng khoán của các công ty.
Đây là một động lực thúc đẩy kinh tế cho một nước nghèo với 103 triệu dân, nơi mà 27% dân số sống dưới ngưỡng nghèo khó của quốc gia. Những cộng đồng dành riêng cho người nước ngoài khá giả về hưu như Cebu, Davao và Manila đặc biệt đã thu lợi từ những khoản tiền do giới người này chi ra. Lại có một số người về hưu tại cộng đồng này còn tiến vào thương trường, có khi còn mở nông trại hay tiệm tạp hóa nữa.
Nhưng gần nửa số 25.000 người nước ngoài được cấp giấy nhập cảnh dành cho người về hưu đến đây sinh sống từ năm 1985 đã từ trần hoặc đã rời khỏi nơi đây. Một số thì uống rượu như hũ chìm vì rượu quá rẻ nên ngã bệnh. Những người khác thì không đủ tiền trả y phí cho những chứng bệnh nặng và giấy tờ bệnh viện hoặc bác sỹ khai báo để đòi tiền với hãng bảo hiểm sức khỏe có thể gặp rắc rối tại Philippines.
Tuy nhiên các kiều dân ở đây cảnh báo về tội ác hình sự và khuyến nghị mọi người bình tĩnh ngay cả giữa lúc tranh cãi nóng nảy.
Mặc dù có những căng thẳng như vậy, ông Carlo Zialcita, chánh sự vụ văn phòng chính phủ đặc trách người hồi hưu tại Angeles cho biết ông tiếp tục chiêu dụ người hồi hưu đến đây cư trú, phân phát các tờ quảng cáo và nói chuyện với du khách trong khu vực giải trí của Angeles.
Ông nói người nước ngoài thuê mướn dân địa phương giúp việc nhà, tạo thêm công ăn việc làm cho thành phố. Ông giải thích thêm:
”Hãy tưởng tượng chỉ 100 người đến đây sinh sống nghỉ hưu, và mỗi người như vậy thuê mướn 2 hay 3 người, điều đó giúp tăng số nhân dụng cho Philippines. Tuy vậy tôi vẫn chưa biết chắc, chúng tôi cần phải có phương cách tiếp thị ráo riết bởi vì có rất nhiều người không biết rằng có văn phòng đặc trách cư trú tại Angeles.”
Thái Lan và Indonesia là hai trong số những nước khác cũng cấp visa cư trú cho người nước ngoài về hưu. Nhưng Philippines tự coi là đi bước trước vì sở chuyên cấp giấy nhập cảnh cho người về hưu đã sáp nhập với bộ du lịch từ năm 2006, để làm nổi rõ yếu tố du lịch.
Năm ngoái, với 3,9 triệu du khách đến đây, tăng 11% so với năm 2010, giới thẩm quyền cho hay có phần chắc con số người nước ngoài hồi hưu đến đây cư trú thường trực sẽ gia tăng.
Tại Philippines, các giới chức đang muốn chiêu dụ du khách nước ngoài đến đây du lịch trở thành các cư dân thường trú qua một chương trình độc đáo cấp thị thực nhập cảnh cho người đã nghỉ hưu, trẻ nhất là 35 tuổi. Kế hoạch này cung ứng cho người nước ngoài một mức sống cao nhưng hợp túi tiền của họ và đem về thêm những nguồn lợi kinh tế thêm cho quốc gia nghèo khó này. Thông tín viên Ralph Jennings từ thành phố Angeles tường trình về những nỗ lực khác thường để thu hút những nhà đầu tư dài hạn cả đời này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
VOA có ứng dụng mới
Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.
Tải ứng dụng VOA trên App Store và Google Play!