Đường dẫn truy cập

Philippines phát triển hệ thống dự báo thời tiết mới


Dự án Đánh giá Nguy hại Toàn quốc (NOAH) là một hệ thống dựa trên công nghệ nhằm mục đích xác định khi nào và ở đâu thì thiên tai sẽ diễn ra
Dự án Đánh giá Nguy hại Toàn quốc (NOAH) là một hệ thống dựa trên công nghệ nhằm mục đích xác định khi nào và ở đâu thì thiên tai sẽ diễn ra
Những trận mưa tầm tã gây lụt lớn ở phía bắc Philippines hồi tháng trước là phép thử cho hệ thống theo dõi thời tiết mới ở đất nước này. Dự án Đánh giá Nguy hại Toàn quốc (NOAH) là một hệ thống dựa trên công nghệ nhằm mục đích xác định khi nào và ở đâu thì thiên tai sẽ diễn ra. Từ Manila, thông tín viên VOA Simone Orendain tìm hiểu kỹ hơn về dự án mà vốn vẫn còn xa lạ với công chúng.

Nhà địa chất Carlos Primo David người Philippine cho biết cụm từ “weather whether” là câu nói đùa phổ biến dành cho công việc dự báo thời tiết ở Philippines.

Ông David nói: “Cụm từ này có nghĩa là liệu một hiện tượng thời tiết có xảy ra hay không. Nếu trời mưa thì nó mưa thôi, đơn giản là vậy. Nhưng chúng tôi không tin rằng mình không thể dự đoán được khi nào thì sẽ mưa.”

Ông David cùng những nhà vật lý học trong tổ của ông thuộc nhóm các nhà khoa học và khí tượng học đang làm việc trong dự án NOAH của chính phủ. Ý tưởng của dự án là thay đổi thái độ “lúc nào tới thì biết” trong lĩnh vực dự báo thời tiết ở quốc đảo vốn thường bị mưa lớn gây lũ lụt chết người, động đất, sóng thần và núi lửa phun trào.

Cuối năm 2011, hơn 1200 người đã thiệt mạng ở miền nam Philippines vì những trận lũ lớn do một cơn bão nhiệt đới gây ra. Điều này đã khiến Tổng thống Benigno Aquino chỉ thị Bộ Khoa học và Công nghệ nước này tìm cách dự báo thiên tai chính xác hơn cũng như có biện pháp ứng phó hợp nhất. Dự án NOAH ra đời với sự giúp sức của các nhà khoa học, vốn đã bắt đầu nghiên cứu ở từng lĩnh vực tương ứng.

Ông Mahar Lagmay, giám đốc điều hành dự án NOAH, nói kỹ thuật khảo sát địa hình cả nước với độ phân giải cao là điều thiết yếu trong dự án trị giá 40 triệu đô la này.

Ông Lagmay: “Để có thể lập được bản đồ nguy cơ thì cần phải có kỹ thuật khảo sát địa hình có độ phân giải rất cao. Để thực hiện được mô phỏng lũ cần phải đo vẽ địa hình với độ phân giải cao.”

Vị giáo sư ngành địa chất học tại Đại học Philippines này cho biết từ những bản đồ nguy cơ trên, những bản đồ khu vực có tỉ lệ nhỏ hơn sẽ được vẽ ra. Chúng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp ứng phó các thảm họa tự nhiên.

Ông Lagmay cho biết: “Bằng cách thu nhỏ tỉ lệ bạn đồ xuống quy mô địa phương và cộng đồng, người ta có thể đánh giá vấn đề một cách rõ ràng hơn vì nhìn thấy được nhà mình và nhà hàng xóm, thấy được cầu bắc qua sông, đặc biệt là khi đánh giá nguy cơ lũ lụt.”

Dự án NOAH có thể truy cập được trên Internet và mọi phần của dự án dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2014. Những phần này bao gồm một mạng lưới thông tin về lũ lụt, những cảnh báo về khả năng sạt lở đất và bão quét cùng những thứ khác. Hiện tại ai cũng có thể xem được dự báo thời tiết tại trang web của NOAH bằng cách nhập địa điểm vào và lựa chọn dự báo lượng mưa bằng cách dựa vào hình dạng đám mây hoặc chiều cao dòng khí lưu, cùng nhiều những yếu tố kết hợp khác.

Nhóm của nhà địa chất học Carlos Primo David tại Đại học Philippines ở Manila đang nghiên cứu dự báo lũ. Nhưng trước tiên họ đang tinh chỉnh hệ thống dự báo mưa để giúp xác định nơi mà lũ lụt sẽ xảy ra. Ông David nói nhóm của ông dựa vào vệ tinh, radar Doppler và hàng trăm đồng hồ đo mưa ở khắp nơi trên đất nước.

Ông David cho biết: “Dự báo của chúng tôi rất cụ thể. Chẳng hạn 95% khả năng trời mưa ở Makati - cụ thể đến từng khu vực như vậy, hay 20% khả năng mưa ở Laguna, khả năng khá thấp. Vậy là tôi có dữ liệu để sử dụng và đánh giá [tình hình lũ lụt].”

Ông David nói dữ liệu cũng dự đoán được cường độ của trận mưa trong vòng một giờ.

Trong những đợt mưa tầm tã hồi tháng Tám, khu vực thủ đô Manila bị lụt cao tới mái nhà. Cơ quan dự báo thời tiết của nhà nước sử dụng thông tin về lượng mưa của dự án NOAH và phát đi những cảnh báo tự động trên trang mạng xã hội Twitter. Một hệ thống cảnh báo với mã màu tương ứng cũng được triển khai và được các phát thanh viên thông báo trên radio và truyền hình.

Ông Lagmay nói dự án đã vượt qua được phép thử đầu tiên của mình bởi vì chính phủ đã sử dụng dữ liệu tiến hành sơ tán.

Ông Lagmay nói: “Dự án tương đối thành công bởi vì điều mà chúng tôi muốn tránh là tổn thất lớn về nhân mạng.”

Ông Mahar Lagmay, giám đốc điều hành dự án NOAH, nói thách thức hiện tại của chính phủ là làm sao để người dân từ bỏ lối suy nghĩ “tới đâu hay tới đó” trước những hiện tượng thời tiết bất ngờ mà thay vào đó phải tích cực chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG