Đường dẫn truy cập

Philippines nghiên cứu đề xuất chia sẻ căn cứ quân sự với Mỹ


Tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard tại Vịnh Subic.
Tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard tại Vịnh Subic.
Giữa lúc Philippines tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự vào thời điểm căng thẳng gia tăng với Trung Quốc vì những vụ tranh chấp lãnh thổ, giới hữu trách đang đặt một nền tảng cho một thỏa thuận chia sẻ căn cứ quân sự với Hoa Kỳ. Từ Manila, Thông tín viên Simone Oredain gởi về bài tường thuật sau đây.

Đại sứ Philippines tại Hoa Kỳ Jose Cuisia nói các giới chức đang nghiên cứu lại các hiệp định an ninh sẵn có giữa Manila và Washington để có một ý kiến tốt hơn về việc quan hệ đối tác chia sẻ căn cứ có thể tiến hành như thế nào.

Đại sứ Cuisia nói Philippines đang nghiên cứu Hiệp định về các lực lượng Viếng thăm, là hiệp định mà từ năm 2002 đã cho phép một đơn vị khoảng 500 binh sĩ của Mỹ luân phiên trú đóng tại khu vực xáo trộn trên đảo Mindanao, là nơi nhóm Abu Sayyaf có liên hệ với al-Qaida đang hoạt động.

“Tôi xin nhấn mạnh là bất cứ việc gì chúng tôi thỏa thuận cũng phải có lợi cho Philippines vì nếu không có lợi cho chúng tôi, chúng tôi sẽ không đồng ý. Thỏa thuận phải có lợi cho cả hai bên.”

Đại sứ Cuisia nói bất cứ việc dùng chung những căn cứ nào cũng sẽ phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp Philippines.

Hoa Kỳ có những căn cứ tại Philippines trong gần 100 năm cho đến khi những sự chống đối trong nước buộc căn cứ quân sự cuối cùng của Mỹ phải đóng cửa vào năm 1992.

Theo kế hoạch hiện nay, sẽ có thêm nhiều binh sĩ Mỹ lui tới các căn cứ của Philippines và các thiết bị quân sự Mỹ sẽ được bố trí để sẵn sàng được sử dụng tại những căn cứ như vậy. Một số trang thiết bị sẽ được chọn ra từ các khí tài được đưa khỏi Afghanistan cũng như Iraq.

Đại sứ Cuisia nói đề nghị sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực của Philippines nhằm thành lập một lực lượng “phòng vệ có thể tin cậy được ở mức tối thiểu” và giúp củng cố an ninh biển và nắm vững tình hình trên biển.

Philippines đang tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền của vùng lãnh thổ giàu tài nguyên thiên nhiên tại Biển Ðông. Gần đây nhất, những vụ tranh chấp chủ quyền về bãi cạn Scarborough và bãi cạn Second Thomas đã gây nên những căng thẳng mới. Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền toàn phần vùng biển này, trong khi Philippines , Malaysia và Brunei đòi chủ quyền một phần mà thôi.

Tuy nhiên, đại sứ Cuisia nhấn mạnh là có sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ không có nghĩa là giải quyết được những mối đe dọa của bất cứ quốc gia cá biệt nào.

Ông Carl Baker, giám đốc chương trình của Diễn đàn Thái Bình Dương của trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Washington nói kế hoạch chia sẻ căn cứ sẽ giống như chương trình Lực lượng Đặc nhiệm Chung tại Mindanao.

“Tôi nghĩ đây là mô hình mà hai nước đang theo đuổi. Nhờ đó hai bên có thể đưa binh sĩ đến những căn cứ này trên căn bản thường xuyên nhưng không gọi đó là “căn cứ thường trực.”

Ông Baker nói bằng cách tiếp nhận lực lượng Mỹ, Philippines muốn chứng tỏ cho thế giới là Hoa Kỳ chuẩn bị thi hành những cam kết của Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa hai quốc gia. Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn giữ vị thế trung lập đối với vụ tranh chấp lãnh thổ tại Biển Ðông cũng như tại các nơi khác. Ông Baker nói các giới chức Hoa Kỳ muốn tiếp cận các căn cứ dùng cho lực lượng không và hải quân tại Đông Nam Á.

Đại sứ Cuisia nói đề nghị vẫn còn đang trong tình trạng “thảo luận không chính thức” và nhiều bộ khác nhau đang chờ Tổng thống Benigno Aquino cho phép để tham gia những cuộc thảo luận chính thức. Tổng thống Aquino đã cho thấy là ông tán thành kế hoạch này và đại sứ Cuisia xác nhận Philippines muốn có một hiệp định được ký kết trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Aquino chấm dứt vào năm 2016.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG