Các giới chức ở Philippines cho hay tin tức nói rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo đang tuyển mộ người trong nước chưa được xác nhận. Nhưng giới hữu trách vẫn đề cao cảnh giác vì những mối lo ngại rằng một số thành phần trong dân chúng đang lâm nguy vì bị đặt dưới ảnh hưởng của nhóm khủng bố. Thông tín viên VOA Simone Orendain tường trình từ Manila.
Một giới chức thuộc Hội đồng Chống Khủng bố Philippines nói có nhiều yếu tố làm cho nước này đặc biệt dễ bị tác động vì sự lôi kéo của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Trợ lý Bộ trưởng Oscar Valenzuela nói bảo đảm an toàn các điểm xuất nhập ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh phía nam hẻo lánh hơn đề ra một thách thức cho chính quyền đã quá nhiều việc, trong khi mạng truyền thông xã hội đã là một công cụ mạnh để tuyên truyền thánh chiến trong giới trẻ. Thêm nữa, có khoảng 2 triệu người mang quốc tịch Philippin làm việc ở nước ngoài trong tư cách công nhân hợp đồng gần vùng có xung đột. Ông nói:
“Chúng ta có rất nhiều người Philippin ở Trung Đông và dĩ nhiên chúng ta coi họ như một trong những khối người bị phơi bày.”
Ông Valenzuela nói các công nhân có thể bị khuyến dụ trước sự giàu có của nhóm Nhà nước Hồi giáo một phần nhờ vào các nhà máy lọc dầu mà bọn họ đã chiếm được ở Iraq và Syria.
Mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo là thành lập một quốc gia Hồi giáo theo cách diễn dịch đạo Hồi một cách cực đoan. Tin tức của giới truyền thông ước chừng số thành viên của nhóm này là từ 30 cho đến 80 ngàn người, kể cả một số không rõ người Tây phương.
Một nhóm nhỏ các giới chức địa phương tại các tỉnh thành nam bộ Philippines nói các chiến binh Nhà nước Hồi giáo đang làm công tác tuyển mộ trong các khu vực của họ. Tuy nhiên, cả các chuyên gia phân tích lẫn các giới chức quân sự đều nói các tin tức đó chưa được kiểm chứng và họ không có sự xác nhận về sự hiện diện của nhóm này ở trong nước.
Tướng Joselito Kakilala nói các giới chức an ninh đang đề cao cảnh giác về các hoạt động có thể là về tuyển mộ. Ông đã đọc một bài phát biểu nhân danh người đứng đầu Quân lực Philippines tại một diễn đàn tại Manila về vấn đề cực đoan hoá. Ông nhận định:
“Nếu không được giải quyết một cách có hệ thống, phong trào vừa kể có thể cực đoan hoá các nhóm quá khích trong nước và có thể gây khó khăn cho các nỗ lực phối hợp của chính phủ Philippines nhằm thiết lập hoà bình và thịnh vượng lâu dài ở Mindanao.”
Hòn đảo Mindanao miền nam Philippines là nơi sinh cư của khối đa số người Hồi giáo trong nước. Vào mùa xuân, nhóm nổi dậy Hồi giáo lớn nhất là Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro, tức MILF, đã thiết lập hoà bình vĩnh viễn với chính phủ để chấm dứt 4 thập niên xung đột.
Nhưng một số nhóm nhỏ hơn đã có lúc theo chủ thuyết ly khai không ủng hộ thoả thuận. Những nhóm này tạo ra điểm yếu chính trong nước về sự thâm nhập của nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Ông Mohagher Iqbal là trưởng đoàn thương thuyết của MILF. Ông nói họ không quan tâm đến việc giao tiếp với nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ngoài ra, ông nghĩ bất kỳ việc tuyển mộ nào của Nhà nước Hồi giáo ở Philippin sẽ là điều không thực tiễn. Ông nói:
“Ngay cả về mặt hậu cần, rất khó mà gửi người đi Syria và Baghdad. Tốt hơn là họ dùng số tiền ấy để mua đạn dược thay vì chi tiêu vào việc gửi người đi Syria và Baghdad.”
Hồi tháng 7, nhóm Abu Sayyaf đã đăng một video cam kết trung thành với phong trào Nhà nước Hồi giáo. Nhóm này thuộc một nhóm nổi loạn Hồi giáo lớn hơn. Nhóm khởi đầu vào thập niên 1990, dưới sự tài trợ của al-Qaida, nhưng trong khoảng 1 chục nắm vừa rồi đã biến thành một băng đảng bắt cóc đòi tiền chuộc khét tiếng về những vụ chặt đầu và đánh bom.
Abu Sayyaf loan báo sẽ chặt đầu một người Đức bị bắt trong tháng này nếu Đức tiếp tục ủng hộ chiến dịch oanh kích của Hoa Kỳ.
Sự can dự của Đức giới hạn vào việc gửi vũ khí và thiết bị quân sự cho chính phủ của người Kurd.
Nhóm Chiến binh Tự do Hồi giáo Bangsamoro tách ra khỏi MILF, tháng trước cho hay đã cam kết trung thành với nhóm Nhà nước Hồi giáo.
Chuyên gia phân tích của Viện Nghiên cứu Hoà bình, Bạo lực và Khủng bố của Philippines, ông Rommel Banlaoi nói có 3 cách mà các phần tử cực đoan có thể liên kết với các chiến binh tự xưng là Nhà nước Hồi giáo: liên hệ hay thông tin liên lạc trực tiếp, khích lệ mà không tiếp xúc trực tiếp hoặc lợi dụng tiếng tăm. Ông nói:
"Ta không nên phủ nhận sự hiện diện của ISIS ở Philippines. Sự hiện diện của họ sống động qua 3 thể loại mà tôi đã đề cập.”
Ông Banlaoi lý giải rằng một nhóm nhỏ chưa đầy 2 chục người gọi là Khilafa Islamiyah Mindanao đề ra khả năng mạnh nhất là có thiện cảm với các chiến binh Nhà nước Hồi giáo. Khilafa được cho là đã công bố ý định thành lập một nhà nước Hồi giáo ở miền nam Philippin cách đây 2 năm.
Trong khi giới hữu trách điều tra tin tức về sự hiện diện của IS, giới chức của Hội đồng Chống Khủng bố Oscar Valenzuela nói Cục Di trú đã siết chặt các thủ tục đi và đến. Người đứng đầu cục di trú nói Philippine đã hấp dẫn những người bị truy nã, và trong những tháng gần đây, chính phủ đã bắt giữ và trục xuất 1 người Canada và một người Úc vì bị cáo buộc thuyết giảng chủ nghĩa thánh chiến cực đoan.