Một phi thuyền mới dự trù đưa các phi hành gia Hoa Kỳ trở lại mặt trăng và xa hơn nữa đã trở về sau chuyến bay thử nghiệm, hạ cánh xuống Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển Baja California.
Phi thuyền không người lái đã bay 2 vòng quỹ đạo mặt đất ở độ cao gấp hơn 14 lần so với Trạm Không gian Quốc tế. Sau chuyến bay kéo dài 4 tiếng rưỡi đồng hồ, phi thuyền Orion đã trở lại bầu khí quyển trái đất với tốc độ 32 ngàn kilomet / giờ, hạ cánh chậm lại vào lúc cuối bằng 3 chiếc dù sọc trắng và đỏ. NASA gọi thời tiết trong là “điều kiện toàn hảo cho việc đón Orion trở về.”
Phi thuyền Orion ban đầu dự tính cất cánh hôm Thứ năm từ dàn phóng ở Mũi Canaveral trong bang Florida, nhưng một số vấn đề khác nhau đã gây trì hoãn cho việc phóng. Trong số các vấn đề này có một đầu ‘van’ bị trục trặc, tốc độ gió và một chiếc thuyền đi lạc vào vùng giới hạn ngoài khơi.
Cơ quan Không gian Hoa Kỳ NASA nói phi vụ đầu tiên có người lái trên phi thuyền Orion sẽ không diễn ra trước năm 2021. Một khi hoạt động đầy đủ, Orion sẽ chở từ 4 đến 6 phi hành gia trong các phi vụ vào sâu trong không gian lên mặt trăng, một hành tinh nào đó và cuối cùng là Hoả tinh.
Cơ quan không gian cũng đang khai triển một hoả tiễn mới, có tên là Hệ thống Phóng lên Không gian sẽ mang theo phi thuyền Orion.
Kể từ sau chuyến bay cuối cùng của phi thuyền con thoi vào năm 2011, các phi hành gia Hoa Kỳ đã được chuyên chở lên Trạm Không gian Quốc tế trên phi thuyền Soyuz của Nga. NASA đã dành các hợp đồng cho 2 công ty tư nhân là Boeing và Space X, bắt đầu đưa các phi hành gia đi lại đến tiền đồn trong quỹ đạo bắt đầu vào năm 2017.