Trả lời báo chí bên lề cuộc họp Quốc hội vào ngày 13/6, Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng nói “phí chia tay” mà ông đề xuất một ngày trước đó là không nhiều, chỉ bằng “một bữa ăn sáng thôi”, nhưng nó giúp cơ quan chức năng có thêm nguồn lực để bảo vệ công dân và hỗ trợ thêm cho cán bộ “ân cần, tươi cười” phục vụ người dân khi xuất cảnh.
Trước đó, tại phiên thảo luận ở Quốc hội về luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam ngày 12/6, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng của Hà Nội đã đề xuất ý tưởng thu ‘phí chia tay’ từ 3-5 USD đối với mỗi công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài.
Theo ông Hưng, “phí chia tay” này sẽ được trích một phần cho kinh phí bảo hộ, hỗ trợ công dân Việt Nam gặp khó khăn khi ra nước ngoài, một phần khác để cơ quan xuất nhập cảnh đầu tư nâng cấp máy móc, và một phần nữa dành cho việc quảng bá, phát triển du lịch.
Ông Hưng cũng viện dẫn trường hợp của Nhật Bản và nói rằng nước này năm ngoái đã áp dụng khoản “phí chia tay” hay “phí du lịch” khoảng 1.000 yên/người (khoảng 9,2 USD) và dự kiến sẽ thu về khoảng 400 triệu USD mỗi năm để hoàn thiện công việc xuất nhập cảnh và thực hiện các chính sách khác.
Công dân Việt Nam ra nước ngoài có trách nhiệm đóng góp một khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD mỗi người khi xuất cảnh.Đại biểu QH Nguyễn Quốc Hưng-nguyên Tổng cục phó Tổng cục du lịch Việt Nam
Tuy nhiên, đề xuất của ông Hưng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ công luận và trên mạng xã hội. Nhiều độc giả của VOA cho rằng bộ máy công quyền của Việt Nam đang nghĩ đủ mọi cách để “moi tiền” hay “vặt lông” người dân, trong khi một số người khác cho rằng Việt Nam đang cố áp dụng mọi loại phí của các nước trên thế giới nhưng lại bỏ đi quyền lợi mà công dân các nước khác có.
Giải thích cho đề xuất của mình, Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng ngày 13/6 nói với báo chí rằng hiện nay có nhiều nước áp dụng việc “huy động nguồn lực xã hội hóa” để quảng bá, xúc tiến du lịch, và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
“Nguồn lực của Việt Nam mình rất ít. Một năm nhà nước chỉ dành được khoảng 2 triệu USD cho chương trình, quỹ xúc tiến du lịch quốc gia”, Vietnamnet dẫn lời ông Hưng nói.
Chính vì vậy, theo đại biểu của Hà Nội, đóng góp của công dân sẽ giúp cho vấn đề bảo hộ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài như trường hợp của các ngư dân hay công dân vi phạm ở nước ngoài…
"Một bữa ăn sáng thôi, chúng ta gọi là đóng góp chung tay, chung sức xây dựng, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người văn hóa Việt Nam được tốt hơn và để cho giữ gìn môi trường du lịch, văn hóa của Việt Nam thuận lợi hơn rất nhiều", ông Hưng nói với báo giới.
Ngoài ra, đại biểu này cho rằng “phí chia tay” có thể giúp cho cơ quan xuất nhập cảnh cải thiện kỹ thuật, tạo thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh và giúp cho cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh ân cần, tươi cười, vui vẻ hơn đối với công dân.
Thống kê của Việt Nam cho hay số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài ngày càng tăng, với gần 9,6 triệu lượt vào năm ngoái, theo Thanh Niên.