Khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính phát biểu tại một buổi lễ trao giải thưởng báo chí quốc gia vào tháng 6, ông kêu gọi xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp trong khi tiếp tục đóng vai trò là “vũ khí tư tưởng sắc bén” để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản.
Hơn một tháng trước đó, các cơ quan truyền thông nhà nước hàng đầu của Việt Nam thể hiện rõ vai trò tuyên truyền ấy khi phát tán những đoạn video được quay ở nơi riêng tư tại bữa ăn tối mà Tổng thống Mỹ Joe Biden khoản đãi lãnh đạo các nước ASEAN tại Nhà Trắng, một hành động mà các cựu quan chức ngoại giao cao cấp và giới chức lễ tân của Mỹ nói là vi phạm lễ tân ngoại giao và phép lịch sự thông thường.
Những đoạn video này chiếu cảnh ông Biden và ông Chính trò chuyện vui vẻ tại bàn ăn trong Phòng Quốc Yến của Nhà Trắng, tạo ấn tượng về một mối quan hệ nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo. Nhưng lọt vào khung hình còn là những khoảnh khắc các nhà lãnh đạo khác từ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á đang ăn uống, điều mà vốn dĩ giới truyền thông không được Nhà Trắng cho phép ghi hình.
Có phần chắc thành viên trong phái đoàn Việt Nam tham dự bữa ăn tối hôm 12 tháng 5 đã quay video và sau đó cung cấp cho các cơ quan truyền thông nhà nước để tường trình về sự kiện này.
Vụ việc không chỉ khơi ra những câu hỏi về tính chuyên nghiệp của các cơ quan truyền thông này trong việc cố ý làm trái những quy định vốn đã được Nhà Trắng xác định rõ từ trước về phạm vi tiếp cận của báo chí đối với sự kiện này, mà còn cho thấy mức độ kiểm soát của nhà nước Việt Nam đối với những gì mà truyền thông nước này được ‘bật đèn xanh’ cho đăng tải.
Nói cách khác, những hình ảnh về chuyến thăm được mô tả là “thành công tốt đẹp” của ông Chính là điều mà Hà Nội muốn người dân nhìn thấy, và thông điệp đó đã được lan tỏa rộng rãi trên các cơ quan truyền thông hàng đầu của nhà nước Việt Nam.
Văn phòng Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và các cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam không hồi đáp email của VOA hỏi về việc quay và công bố những đoạn video vừa kể.
Không có tự do báo chí
Có hơn 800 cơ quan báo chí ở Việt Nam, theo thống kê chính thức của chính phủ, nhưng Đảng Cộng sản, các cơ quan chính phủ và quân đội nắm quyền sở hữu hoặc kiểm soát gần như toàn bộ. Các cơ quan truyền thông độc lập gần như không tồn tại trong nước.
Phóng viên Không biên giới (RSF), một tổ chức chuyên vận động cho quyền tự do thông tin có trụ sở ở Paris, đánh giá Việt Nam là một trong các nước có tự do báo chí kém nhất trên thế giới, xếp ở vị trí 174/180 trên bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2021 của tổ chức này.
Daniel Bastard, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nhận xét rằng phát tán các video quay ở Nhà Trắng, truyền thông nhà nước Việt Nam đã tuân theo chỉ đạo từ ban tuyên giáo của Đảng Cộng sản để phục vụ cho mục đích tuyên truyền.
“Các nhà báo ở Việt Nam đang cố gắng làm tốt công việc của mình, kể cả những người làm việc cho truyền thông nhà nước, nhưng họ buộc phải tuân theo đường lối của ban tuyên giáo,” ông nói. “Điều này càng đáng buồn hơn vì rõ ràng nó mâu thuẫn với hiến pháp hiện hành của Việt Nam và các nguyên tắc ban đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Các cựu phóng viên từng làm việc cho các cơ quan báo chí nhà nước hàng đầu của Việt Nam cho VOA biết về vai trò “vô cùng lớn” của ban tuyên giáo trong việc định hướng đưa tin bài gần như hàng ngày, với những chỉ đạo được phổ biến cặn kẽ tới từng cấp quản lý trong nội bộ các cơ quan này. Sự kiểm soát chặt chẽ được thực hiện từ nội dung đến hình thức, khắp các mảng từ chính trị cho tới thể thao.
“Trang nhất luôn luôn là tin ‘cúng cụ.’ Bốn người ‘tứ trụ’ hôm đó đi đâu làm gì thì phải có tin cho cả bốn người đấy. Nhiều khi lên trang phải cân, ảnh phải bằng nhau và gần như số chữ trong bài cũng phải bằng nhau,” một cựu phóng viên từng làm việc cho một tờ báo lớn do nhà nước quản lý nói, sử dụng một thuật ngữ nhắc đến bốn nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch quốc hội.
“Nói thật, không bao giờ có tin gì xấu về tứ trụ cả. Tin xấu chắc chắn bị gạt, không bao giờ có thể được đăng. Ngày xưa những tin [về các chuyến đi nước ngoài của các nhà lãnh đạo] chúng tôi thường lấy từ Thông tấn xã. Họ đăng là ông này nói cái này cái kia, bắt tay nhau, xong rồi cam kết thế này thế kia, chứ không có việc đi đến đó để moi tin xem có những tin gì bên lề hay là những tin gì tiêu cực về các ông bà ấy. Bản thân những người đi viết bài thì những cái đấy họ phải tự gạt đi ngay từ đầu rồi.”
Một cựu phóng viên khác từng giữ vai trò lãnh đạo tại một cơ quan báo chí Việt Nam trong những năm 2000 cho biết các tin tức về các chuyến thăm nước ngoài của các nhà lãnh đạo thường được xem là “phức tạp” và các cơ quan báo chí trong nước thường đợi tin chính thức từ Thông tấn xã Việt Nam do nhà nước quản lý để tránh những sai sót.
“Thông tấn xã Việt Nam khi phát tin chính thức thì chắc chắn là họ có hội ý với cả bên ngoại giao lẫn bên công an Việt Nam trong một số trường hợp, thậm chí họ còn xin ý kiến của những bộ phận cao hơn trong hệ thống cầm quyền là của Đảng,” người này cho biết. “Sự tham gia của phóng viên Việt Nam trong những chuyến đi chính thức thường chỉ là những chuyện ngoài lề. Còn những nội dung chính thức thì sẽ phải theo sản phẩm đã được làm sẵn.”
“Trong một số trường hợp nhạy cảm người ta sẽ không bảo là Thông tấn xã hoặc Bộ Ngoại giao. Các tờ báo mặc nhiên dùng hình ảnh, dùng video clip giống như là tài sản riêng của họ. Nhưng mà có thể nhận ra cái chuyện ‘sắm đồng phục buộc phải khoác’ qua cái việc là tất cả các thứ rất là giống nhau mặc dù nó không có nguồn.”
Vấn đề về tính chuyên nghiệp
Những đoạn video clip quay bên trong Nhà Trắng được sử dụng trong tường trình của hàng loạt cơ quan thông tấn hàng đầu của Việt Nam bao gồm Báo Điện tử Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Công an Nhân dân, và website tin tức Zing News.
Có sự giống nhau gần như hoàn toàn về góc quay và chất lượng hình ảnh, một chỉ dấu cho thấy video có phần chắc đến từ cùng một nguồn cung cấp.
VOA xem qua các chương trình thời sự cùng các video clip riêng lẻ và nhận thấy có bảy đoạn video riêng biệt được sử dụng lặp đi lặp lại. Chúng được quay vào các thời điểm khác nhau của bữa ăn từ lúc các nhà lãnh đạo bước chân vào Phòng Quốc Yến và ổn định chỗ ngồi cho tới khi các đĩa thức ăn đã được dọn khỏi bàn vào cuối bữa.
Bốn trong số bảy đoạn video này tập trung vào ông Biden và ông Chính đang trò chuyện với nhau trong khi các nhà lãnh đạo khác đang dùng bữa.
Các nhà báo và các chuyên gia về báo chí ở Mỹ mà VOA tham vấn cho biết việc các cơ quan truyền thông đăng tải những nội dung hay hình ảnh từ một sự kiện vốn dĩ không cho báo chí tiếp cận không phải là điều bất thường. Tuy nhiên, họ nhìn thấy những vấn đề về tính chuyên nghiệp báo chí trong cách thức mà những đoạn video clip này được cho phép đăng tải.
Christina Bellantoni, giáo sư giảng dạy về tập quán chuyên nghiệp thuộc Trung tâm Truyền thông của Trường Báo chí Annenberg Đại học Nam California, nói dường như đã có sự vi phạm quy định về sự tiếp cận của báo chí do Nhà Trắng đặt ra cho các cơ quan truyền thông tường trình về bữa ăn tối hôm đó.
“Nó có quá nguy hiểm không? Không, dường như vấn đề có vẻ là thiếu lịch sự.”
“Nếu một phóng viên đến gặp tôi đề nghị viết bài về chuyện có một cuộc gặp gỡ và hai nhà lãnh đạo ăn uống và nói rằng họ sẽ gặp lại nhau trong tương lai và họ trò chuyện rất vui vẻ, tôi không chắc là tôi có cho đăng câu chuyện đó hay không,” bà Bellantoni, người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm phóng viên và biên tập viên tại các cơ quan báo chí ở Mỹ, nói.
“Nguồn lực thì hữu hạn nhưng có rất nhiều chuyện quan trọng hơn cần tường trình. Và về cơ bản, bạn nên tường trình những chuyện thật sự cần tìm tòi đưa tin, và soi sáng ở những nơi không có ánh sáng.”
Stacey Woelfel, giám đốc Trung tâm Jonathan B. Murray về Báo chí Kí sự thuộc Trường Báo chí Đại học Missouri, cho biết các cơ quan báo chí ở Mỹ có toàn quyền quyết định về việc đăng tải hoặc không đăng tải tư liệu do một bên thứ ba cung cấp. Các biên tập viên sẽ xem xét nội dung tư liệu này xem có đáng đưa tin hay không, có chân thật không và liệu đăng tải tư liệu này có phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của tòa soạn hay không, ông nói.
“Dường như không có sự minh bạch trong cách thức mà truyền thông nhà nước Việt Nam thu thập hoặc đăng tải nội dung của họ. Thông thường, truyền thông Mỹ sẽ nói rõ họ lấy được video như thế nào và từ đâu nếu không phải do chính họ làm ra,” ông nhận định. “Ngoại lệ sẽ là nếu video đến từ một nguồn bí mật (mà cơ quan báo chí không nêu tên), nhưng cơ quan báo chí này sẽ cho biết là video hoặc thông tin đến từ một nguồn ẩn danh.”
Chuyên gia này nói nếu như cơ quan báo chí đó nhận lệnh đăng tải video từ chính phủ thì “họ không còn là một cơ quan báo chí nữa theo định nghĩa thông thường và đạo đức báo chí không thực sự áp dụng” trong trường hợp này.
“Tôi nghĩ gọi đó là một cơ quan tuyên truyền sẽ là thỏa đáng,” ông Woelfel nói.
Diễn đàn