Đường dẫn truy cập

Phát hiện tình trạng nô lệ mới trong ngành đánh cá Indonesia


Cựu ngư dân bị nô lệ hóa người Myanmar Kaung Htet Wai, trái, và Lin Lin ngồi trong một căn lều nhỏ ở Yangon, Myanmar.
Cựu ngư dân bị nô lệ hóa người Myanmar Kaung Htet Wai, trái, và Lin Lin ngồi trong một căn lều nhỏ ở Yangon, Myanmar.

Thật khó hình dung trong thế kỷ này lại xảy ra chuyện nô lệ mắc kẹt trên các tàu đánh cá bị quất bằng roi cá đuối độc hại, bị ném những tảng nước đá vào người và bị bắn.

Ông Hlaing Min, 30 tuổi, một nô lệ trốn thoát khỏi Benjina, một trạm cân cá tại quần đảo Aru, phía đông Indonesia nói “Người tiêu thụ ở Mỹ và châu Âu ăn những con cá này nên nhớ đến chúng tôi. Chắc hẳn đã một núi xương dưới biển, nhiều đến nỗi có thể chất thành đảo.”

Vào năm 2015, có hơn 1.300 ngư dân thuộc các nước Myanmar, Campuchia, Thái Lan và Lào được cứu khỏi Benjina và Ambon, sau khi một cuộc điều tra của Thông tấn xã AP tiết lộ những điều kiện tàn bạo trên nhiều tàu nước ngoài hoạt động tại vùng biển Indonesia.

Những hình ảnh đặc biệt về những người đàn ông bị nhốt trong chuồng là thực tế kinh hoàng của nạn nô lệ thế kỷ 21.

Một phúc trình về nạn buôn người trong ngành đánh cá Indonesia được tiết lộ ngày 25/1 cho biết “Những người này bị buôn bán từ nước họ, hầu hết bị lường gạt, bị cưỡng bách làm việc trên 20 giờ một ngày trên một con tàu giữa biển, ít có hy vọng trốn thoát.”

Một số người bị giữ trên biển hàng năm trời.

Sau khi được cứu thoát, những ngư dân này được Tổ chức Di dân Quốc tế phỏng vấn.

Các ngư dân thuật lại tình cảnh họ phải làm việc quá giờ, 78% trong số 285 nạn nhân được phỏng vấn cho biết họ làm việc từ 16 đến 24 giờ một ngày trong những điều kiện tồi tàn, thức ăn bằng cháo cá, bị đối xử tàn bạo về thể chất lẫn tâm lý và ngay cả bị sát hại.

Các nhân chứng cho biết là yêu cầu được rời khỏi tàu có thể là một bản án tử hình đối với một số nạn nhân.

Những người này có thể bị xiềng trên boong tàu giữa ban ngày hay bị nhốt trong những hầm lạnh.

Phúc trình cho thấy những trường hợp tại Benjina và Ambon nêu bật tình trạng thiếu kiểm soát thích ứng trong ngành đánh cá và thiếu theo dõi điều kiện làm việc trên các tàu đánh cá cũng như các nhà máy chế biến.

Hải sản đánh bắt được do áp dụng hình thức nô lệ mới được đưa tới chuỗi cung cấp toàn cầu mà mấy ai biết được bao nhiêu mạng người đã phải đánh đổi cho sản lượng đó, phúc trình nêu rõ.

Vào năm 2015, chính phủ Australia cấp 2,17 triệu đô la cho IOM để hỗ trợ cho việc chăm sóc hàng ngày, hồi hương và giúp tái hội nhập những cựu ngư dân bị nô lệ hóa thuộc các nước Myanmar, Campuchia, và Lào, là những người bị kẹt trên những đảo thuộc tỉnh Maluku của Indonesia.

Phúc trình của IOM cũng kêu gọi tăng cường công tác kiểm soát, giám sát hoạt động của tàu bè trên hải phận Indonesia, tăng cường huấn luyện về phòng chống buôn người, tiến hành kiểm tra độc lập các hải cảng, tàu bè trên biển, và các trung tâm tại các cảng mà ngư dân có thể tìm tới để được bảo vệ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG