Quan chức hải quan Pháp hôm 11/6 cho biết đã chặn đứng việc vận chuyển 136 kg ngà voi từ Cộng hòa Dân chủ Congo trên đường tới Việt Nam.
Đây là lần ngăn chặn vụ vận chuyển ngà voi lậu lớn nhất ở Pháp trong gần một thập kỷ. Hồi tháng 12 năm 2006, giới hữu trách nước này cũng đã phát hiện 600 kg “vàng trắng”
Hơn một chục ngà voi được cưa thành 37 miếng nhỏ, và được giấu trong các thùng phía dưới các đĩa nhôm nhằm tránh bị máy soi phát hiện.
Đồ thủ công mỹ nghệ chế biến từ ngà voi vẫn là những mặt hàng “ăn khách” ở các quốc gia châu Á như Việt Nam, Thái Lan, và Trung Quốc.
Giá ngà voi đã tăng nhanh chóng mặt trong những năm gần đây, lên mức khoảng hơn 1.500 đôla Mỹ một kg (khoảng 30 triệu đồng).
Các nhà hoạt động cho rằng việc mua bán lậu ngà voi đã đẩy đàn voi hoang ở châu Phi tới cảnh tuyệt chủng.
Điểm mặt
Ngoài việc nhiều gia đình người Việt sử dụng ngà voi để trang trí trong nhà, Việt Nam thời gian qua đã bị nhắc tên nhiều trên truyền thông quốc tế vì tình trạng mua bán sừng tên giác và các loại động vật hoang dã khác để làm thuốc.
Các nhân vật tranh đấu bảo vệ môi trường đề nghị áp dụng các biện pháp chế tài thương mại đối với Việt Nam vì Hà Nội đã không hành động để chống lại nạn mua bán sừng tê giác.
Báo cáo của các tổ chức bảo vệ môi trường nói rằng có “các bằng chứng cho thấy Việt Nam và các nhân viên ngoại giao Việt Nam nằm ở trung tâm của một hoạt động mua bán sừng tê giác bất hợp pháp qui mô lớn, góp phần gây ra vụ khủng hoảng săn bắt tê giác trái phép lớn nhất trong vòng hơn 30 năm.”
Tuy nhiên, các giới chức Việt Nam đã phủ nhận tố cáo cho rằng Việt Nam là động lực thúc đẩy các hoạt động mua bán sừng tê giác trái phép.
Theo AFP, VOA