Các quan chức Pháp vẫn kiên quyết sẽ không chấp nhận việc hồi hương các phần tử thánh chiến người Pháp sau khi chúng bị bắt trên các chiến trường ở Syria và Iraq để truy tố ở Pháp.
Sau gần một tuần thảo luận căng thẳng giữa các chính phủ phương Tây về số phận của các chiến binh nước ngoài bị giam giữ ở vùng Levant (đông Địa Trung Hải), Hoa Kỳ đề nghị các nước có công dân là những phần tử này hãy nhận trách nhiệm về chúng, song đề nghị này vẫn bị các chính phủ Pháp và Anh từ chối.
Một quan chức cao cấp của Pháp nói với VOA: "Chúng tôi chưa có tiến bộ gì về một thỏa thuận tổng thể về vấn đề này”.
Ông nói rằng Paris lo ngại các chiến binh bị hồi hương sẽ cố sử dụng các tòa án cho mục đích tuyên truyền bằng cách chế giễu nền công lý của Pháp và chất vấn về tính vô tư của tòa án, cũng như lo ngại rằng một khi ở trong tù, chúng sẽ tìm cách cực đoan hóa các tù nhân khác. Các quan chức Pháp nói các vấn đề pháp lý cũng rất phức tạp để truy tố những kẻ khủng bố là người Pháp về các vụ khủng bố thực hiện ở nước ngoài.
Nhà ngoại giao Pháp, người từng tham gia các cuộc thảo luận cấp cao về vấn đề này với các đối tác Mỹ và châu Âu, cho biết: "Việc truy tố sẽ rất khó khăn vì gần như không thể thu thập chứng cứ trên các chiến trường”.
Có ước tính cho thấy số lượng công dân Pháp thuộc vào hàng đông nhất trong số các chiến binh nước ngoài tham gia nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo và các phe thánh chiến khác ở vùng Levant. Người ta cho rằng hơn 300 phần tử thánh chiến Pháp đã tử trận ở Syria hoặc Iraq, ước tính có khoảng 500 đến 600 kẻ bị mất tích hoặc bị bắt giữ, chủ yếu nằm trong tay người Kurd ở Syria.
Giữa tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã bàn đến vấn đề phải làm gì với "hàng trăm" kẻ thánh chiến đang bị cầm giữ ở miền bắc Syria.
Ông Mattis nói sau cuộc gặp với 13 đối tác quốc tế ở Rome: "Điểm mấu chốt là chúng ta không muốn [những kẻ thánh chiến] quay trở lại đường phố Ankara, Tunis, Paris hay Brussels. Đó là một vấn đề quốc tế, nó cần phải được giải quyết bởi tất cả các bên tham gia".
Cả Pháp lẫn Anh vẫn không dao động trước lời đề nghị của ông Mattis rằng các quốc gia có công dân phải nhận trách nhiệm về những kẻ thánh chiến bị bắt.