Đường dẫn truy cập

Phan Kim Khánh: Khi ở tù tôi luôn lên tiếng, tranh đấu cho các vấn đề liên quan tới đời sống của tù nhân


Ảnh chụp ông Phan Kim Khánh khi được trở về sau 6 năm trong cầm tù đăng trên trang Facebook cá nhân vào ngày 21/3. Photo: Facebook Phan Kim Khánh.
Ảnh chụp ông Phan Kim Khánh khi được trở về sau 6 năm trong cầm tù đăng trên trang Facebook cá nhân vào ngày 21/3. Photo: Facebook Phan Kim Khánh.

Nhà hoạt động nhân quyền Phan Kim Khánh, 30 tuổi, vừa mãn 6 năm tù vì bị cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999. Ông cho VOA biết rằng ông còn nhiều “suy tư vì cuộc sống, vì những gì ở phía trước với tôi sẽ phải đối diện”, và luôn tự hào về nỗ lực tranh đấu cho tù nhân lương tâm Việt Nam.

Ông được ra tù hôm 21/3, sau khi bị Toà án Nhân dân tỉnh Thái Nguyên kết án vào năm 2017 và thụ án tại trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam.

“Từ giờ tôi sẽ ở gần gia đình, anh em,” ông Khánh viết cho VOA. “Nhưng cũng nhiều suy tư, vì cuộc sống, vì những gì ở phía trước với tôi sẽ phải đối diện”.

Dù mãn hạn tù nhưng ông Khánh còn phải đối mặt với 4 năm quản chế, theo đó chính quyền địa phương sẽ thường xuyên giám sát việc đi lại và các hoạt động thường ngày của ông.

Theo thông tin trên trang Freedom Now, ông Khánh là một blogger có các bài viết ủng hộ cho nền dân chủ và tự do báo chí tại Việt Nam.

Trước khi bị bắt, ông Khánh là một sinh viên và nhân viên tại một công ty phần mềm. Trong thời gian rảnh rỗi, ông đã quản lý các trang web và tài khoản truyền thông xã hội có những câu chuyện về tham nhũng, chính trị, nền kinh tế, môi trường và các vấn đề khác. Các bài viết của ông được cho là ủng hộ dân chủ, phi chính trị hóa quân sự, bầu cử tự do và tự do báo chí.

Ngoài ra, ông Khánh còn là một cựu thành viên của hội Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (Young Southeast Asian Leaders Initiative), một tổ chức được chính phủ Hoa Kỳ hậu thuẫn nhằm tăng cường phát triển lãnh đạo và kết nối ở Đông Nam Á thông qua trao đổi giáo dục và văn hóa Hoa Kỳ và trao đổi khu vực. Ông nói thời gian ông tham gia tổ chức này là “những ngày rất bổ ích và nhiều kỷ niệm”.

Ông Khánh là một trong hơn chục sinh viên của tỉnh Thái Nguyên cùng sinh viên một số trường miền Bắc như Học viện Ngoại giao và Đại học Quốc gia Hà Nội được tổ chức cho tham gia chương trình huấn luyện tại Quảng Ninh về các vấn đề về môi trường, phát triển bền vững, và một số nội dung thiết thực khác.

HRW ‘đánh động’ về nhân quyền Việt Nam trước APEC
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:30 0:00

Truyền thông nhà nước dẫn cáo trạng cho rằng từ cuối năm 2015, ông Khánh đã lập và quản trị hai blog lấy tên là “Báo Tham nhũng” và “Tuần Việt Nam”, cùng với ba trang trên Facebook lấy tên là “Báo Tham Nhũng”, “Tuần Báo Việt Nam” và “Dân chủ TV”, hai kênh trên YouTube lấy tên là “Việt Báo TV” và “Việt Nam online” theo đó cáo buộc ông đăng những thông tin “có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước”.

Vào ngày 21/3/2017, Cơ quan An ninh Điều tra Cảnh sát tỉnh Thái Nguyên đã bắt giữ ông Khánh tại nơi làm việc và trao một lệnh thông báo về việc bắt giam. Ngày hôm sau, ông chính thức bị buộc tội vi phạm Điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999 “Tuyên truyền chống nhà nước”.

Tại một phiên toà diễn ra vào ngày 25/10/2017, ông Khánh thừa nhận đã điều hành các blog, nhưng nói rằng mục đích chính của anh là “chống tham nhũng”, và ông không biết rằng việc tố cáo về tham nhũng đã cấu thành một tội ác.

Khi diễn ra phiên xử, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông Phan Kim Khánh. Ông Brady Adams, Giám đốc Châu Á của HRW, tuyên bố : “Tội ác duy nhất mà Phan Kim Khánh phạm phải là bày tỏ quan điểm chính trị không được nhà cầm quyền chấp nhận”.

Sau khi bị tuyên án sáu năm tù, ông Khánh gửi thư khiếu nại vì cho rằng lãnh đạo Trại giam “đã ngược đãi”, “dọa” sẽ biệt giam ông nếu ông kháng cáo. Ông cho rằng sức khỏe của ông đã xấu đi nặng nề kể từ khi bị kết án, và do sự ngược đãi mà ông phải đối mặt trong tù.

Trong thời gian thụ án, ông Khánh chia sẻ rằng đó là khoảng thời gian “khó khăn và bất trắc”, nhưng ông vẫn cố gắng để vượt qua một cách tốt nhất.

“Đi tù tôi được trải nghiệm, được trưởng thành hơn trong tư duy tranh đấu của mình. Đó là cái được rất lớn. Ngoài lúc lao động tôi còn dành thời gian để đọc sách. Dù vất vả, nhưng mình luôn tâm niệm khó khăn thử thách bản thân mình tốt hơn,” ông Khánh viết.

“Trong quá trình tại trại giam tôi luôn lên tiếng, tranh đấu cho các vấn đề liên quan tới đời sống của tù nhân. Ngày quốc tế nhân quyền hằng năm tôi và nhiều anh em khác trong trại tuyệt thực ngắn ngày để cầu nguyện cho Nhân Quyền Việt Nam. Tôi có một vài hoạt động như đấu tranh để liên lạc bằng máy điện thoại di động, tuyệt thực yêu cầu trại giam cấp giấy bút học tập, ghi chép, yêu cầu được dùng kinh thánh hằng ngày…”, ông Khánh nhớ lại.

VOA đã liên lạc qua điện thoại với Trại giam Nam Hà, Bộ Công an Việt Nam để xin ý kiến về trường hợp giam cầm của ông Khánh, nhưng không có ai nhấc máy trả lời.

Vào tháng 5/2020, Nhóm Công tác Liên Hợp Quốc về Bắt giữ Tùy tiện xác định rằng việc giam giữ ông Phan Kim Khánh là “tùy tiện và vi phạm luật pháp quốc tế”.

Khi cánh cổng Trại giam mở và ông được trở về địa phương đoàn tụ với gia đình, trong khi đó chính quyền địa phương tại nơi ông sinh sống đã đến gặp và nói sẽ “hỗ trợ” ông, và nói thêm rằng “sẽ không có sự phân biệt, đối xử khác, gây khó khăn này kia”.

Tuy nhiên, ông chia sẻ rằng “mọi thứ sẽ không thể như bình thường được”, đồng thời nói rằng ông luôn nhận thức rõ ràng là “bản thân ông bị oan”.

Khi được hỏi về những dự định sắp tới của mình, ông Khánh chia sẻ rằng sẽ dành thời gian để bổ túc lại kiến thức tiếng Anh, và có thể sẽ phấn đấu hoành thành bậc đại học trong 4 năm quản chế.

“Tới giờ phút này, được trở về an toàn trong vòng tay yêu thương của gia đình bè bạn, tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn trân thành tới bố mẹ, em gái, em rể. Tôi rất may mắn khi bố mẹ và các em hiểu và luôn động viên, toàn thể anh em trong gia đình, bạn bè gần xa cũng đã luôn đồng hành chia sẻ với tôi và gia đình,” ông Khánh chia sẻ. “Cũng qua đây tôi xin gửi lời cảm ơn tới các các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao của các chính phủ dân chủ, các cơ quan truyền thông trong quá trình từ khi tôi bị bắt tới giờ đã luôn quan tâm, lên tiếng ủng hộ và đưa tin về các vụ việc của tôi”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG