Đường dẫn truy cập

Ông Lực không đơn độc


Địa điểm xảy ra hiện tượng thấm dột từ nền đường cao tốc xuyên qua cầu chui. Ảnh: Quảng Đà. (Hình: Trích xuất từ Zing)
Địa điểm xảy ra hiện tượng thấm dột từ nền đường cao tốc xuyên qua cầu chui. Ảnh: Quảng Đà. (Hình: Trích xuất từ Zing)

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi lại sinh chuyện. Lần này là một cây cầu và một hầm chui ở đoạn chạy ngang tỉnh Quảng Ngãi bị ngấm.

Tổng Công ty Đầu tư - Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa chính thức xác định, lỗi mới nhất cũng thuộc về nhà thầu. Cầu thấm và đọng nước dưới chân cầu là vì hệ thống thoát nước không đạt yêu cầu về kỹ thuật. Hầm chui bị ngấm cũng với lý do tương tự.

VEC nói thêm rằng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát đốc thúc nhà thầu (Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô, Trung Quốc) sửa chữa ngay nhưng mười ngày qua, dù Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát đã gửi văn bản nhắc nhở hai lần, nhà thầu vẫn chưa làm gì cả (1).

Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô của Trung Quốc không xa lạ với công chúng và báo giới Việt Nam.

Doanh nghiệp Trung Quốc này đảm nhận việc thực hiện gói thầu A3 (đoạn cao tốc dài 10,6 cây số chạy qua Bình Sơn, Quảng Ngãi) trong Dự án Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (dài 140 cây số). Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô trở thành nổi tiếng là nhờ sự dũng cảm và bền chí của ông Phạm Tấn Lực.

Ông Lực - dân Bình Sơn, Quảng Ngãi – vốn là phụ hồ. Khi Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô trở thành nhà thầu thực hiện gói thầu A3, ông Lực xin vào làm bảo vệ cho công trình của nhà thầu này. Tuy công trình có Ban Quản lý Dự án, có Tư vấn giám sát nhưng cả hai cơ quan với rất nhiều chuyên gia ấy không phát giác Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô sử dụng đất không đạt chuẩn (đất sét lẫn đá vôi, bùn) để đắp nền cao tốc.

Chỉ là bảo vệ ông Lực cũng biết loại đất ấy không thể dùng làm nền đường – kể cả đường đất trong xã. Tư vấn giám sát im lặng, Ban Quản lý Dự án làm ngơ, ông Lực ra Đà Nẵng, tố cáo với chủ đầu tư (VEC). Thậm chí, ông Lực nhờ người dịch thư sang tiếng Anh, tiếng Hoa gửi cho nhà thầu. Không có bất kỳ hồi đáp nào. Thật ra nói vậy chưa chính xác lắm. Loại hồi đáp duy nhất, dồn dập được chuyển tới ông Lực là: Liệu hồn, không ngưng sẽ bị giết!

Không may cho các bên liên quan là ông Lực thuộc loại… chịu chơi. Thay vì rụt cổ, ông Lực chuyển thông tin, bằng chứng cho cả những cơ quan hữu trách cấp cao lẫn báo giới và trở thành kênh chuyển thông tin, bằng chứng của nhiều người Việt khác đang làm mướn cho Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô về đủ loại sai phạm của nhà thầu Trung Quốc này đi các nơi. Trước chuyện lùm xùm ngoài dự kiến, VEC buộc phải làm gì đó và cuối cùng, Giám đốc thi công của Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô bị buộc thôi việc. Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô bị buộc phải bóc 300.000 khối đất không đạt chuẩn ra khỏi gói thầu A3. Đáng nói là VEC… nghiêm minh tới vậy mà ông Lực vẫn chưa chịu thôi vì bãi chứa đất không đạt chuẩn của gói thầu A3 chẳng có khối đất nào cả! (2)

Bây giờ, gói thầu A3 đã được nghiệm thu. Không trước thì sau, Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô cũng sẽ sửa cây cầu và hầm chui thuộc gói thầu này bị ngấm nước, chân cầu bị đọng nước. Đó là nghĩa vụ bảo hành nhưng nghĩa vụ này chỉ có hai năm. Sau đó đoạn cao tốc từng thuộc gói thầu A3 sẽ được chuyển sang VEC.

***

Khi hệ thống công quyền không đủ nguồn lực tài chính để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, họ thường tổ chức đấu thầu, lựa chọn những nhà đầu tư tốt nhất về kinh nghiệm, năng lực (cả quản trị, thi công lẫn vốn liếng) để những nhà đầu tư này thực hiện các công trình giao thông. Sau đó nhà đầu tư được tổ chức thu phí để thu hồi cả vốn lẫn lãi trong một khoảng thời gian hợp lý rồi giao lại công trình cho hệ thống công quyền và công trình ấy trở thành một thứ phúc lợi công cộng. Thiên hạ gọi kiểu phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức này là BOT.

Việt Nam đã và đang phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hình thức BOT nhưng với một… phiên bản khác và có thể xem VEC là điển hình của phiên bản độc đáo này.

VEC là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông – Vận tải. Vốn để VEC đầu tư vào các công trình giao thông rồi thu phí không phải là vốn tự có. Một phần vốn của VEC là do ngân sách cung cấp, phần khác do chính phủ nhận viện trợ (WB) rồi giao cho VEC, đi vay với lãi suất ưu đãi rồi cho VEC vay lại (ODA), hoặc bảo lãnh để VEC vay trực tiếp (ADB, phát hành trái phiếu trong và ngoài Việt Nam), nếu VEC không thể trả thì chính phủ phải trả thay.

Nhìn một cách tổng quát, chính phủ giao “đầu heo” cho VEC nấu “cháo”. Có điều “đầu heo” đó không phải của chính phủ mà của dân. Dân vừa phải trả tiền cho “đầu heo”, vừa phải trả thêm tiền “cháo”. Thay vì phải dùng thuế phát triển hạ tầng giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thì chính phủ lập ra VEC, giao tiền, hỗ trợ VEC gom tiền từ nhiều nguồn, phát triển hạ tầng giao thông để… thu phí. Các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT không những không hỗ trợ mà còn trở thành gánh nặng cho cả kinh tế lẫn xã hội (3).

VEC hiện là chủ những cao tốc đình đám nhất Việt Nam: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Bến Lức - Long Thành sắp hoàn tất... và cũng là những cao tốc được bàn luận rôm rả nhất Việt Nam. Chẳng hạn cao tốc Nội Bài – Lào Cai bị nứt ngay sau khi khánh thánh, rồi bị lún. Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thì đã không đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật mà vốn đầu tư còn tăng 2,5 lần (từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng)… Mới đây, tới lượt cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (vốn đầu tư tăng từ 28.000 tỉ lên 34.500 tỉ): Một tháng sau khi khánh thành, một phần mặt cao tốc đoạn chạy qua Quảng Nam bị vỡ, VEC giải thích là do… mưa nhiều. Bộ Giao thông – Vận tải đỡ thêm khi bảo rằng, đó là chuyện nhỏ vì diện tích bị vỡ… mặt chỉ chừng 70 mét vuông.

Tuy nhiên họa vô đơn chí, sự kiện cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị vỡ mặt chưa lắng xuống thì báo giới bu vào phanh phui, VEC đã làm ngơ để nhà thầu POSCO Engineering & Construction tham dự vào dự án này như một trung gian. Thắng thầu xong, POSCO Engineering & Construction bán lại “100% hạng mục cho cả chục nhà thầu phụ mà VEC không thèm nói gì cả (4).

Những lá đơn tố cáo của dân chúng các địa phương nơi cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chạy qua, những lá đơn tố cáo của các đối tác cung ứng vật liệu về kiểu làm ăn gian dối của nhà thầu phụ, về các dấu hiệu bao che, thông đồng của Tư vấn giám sát, của Ban Quản lý Dự án, của VEC trước giờ, nay được bày ra, hâm lại làm người ta thắc mắc: Bộ Giao thông – Vận tải và đủ thứ ngành, ở đủ thứ cấp của hệ thống Việt Nam bị gì mà không nghe, không thấy, không lên tiếng và chẳng làm gì cả?

Mặt cao tốc vỡ, cầu và hầm chui bị ngấm nước, POSCO Engineering & Construction bán thầu… và có thêm bao nhiêu scandal nữa liên quan tới cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thì VEC cũng sẽ sớm được cho phép thu phí trở lại trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Báo giới Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2016, nợ nần của VEC đã lên tới 1,5 tỉ Mỹ kim! VEC không trả được nợ thì chính phủ gánh, sức nặng của gánh ấy sẽ chuyển qua cho nhân dân chia sẻ. Làm sao có thể không chia sẻ, chẳng lẽ để quốc gia vỡ nợ rồi chết… chùm?

***

Ông Lực, người làm mướn cho Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô, nhà thầu gói A3 của cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, từng giải thích với báo giới rằng, sở dĩ ông lặn lội khắp nơi, thu thập thông tin, chứng cứ, chuyển cho chỗ này, thúc giục chỗ kia hành động, suốt bốn năm ròng rã vì xét cho cùng, chi phí làm cao tốc là tiền của nhân dân, giữ cho cao tốc có chất lượng là giữ cho con cháu. Đó cũng là lý do ông Lực không đơn độc, nhiều người làm mướn cho Tập đoàn Công trình giao thông Giang Tô bí mật xếp hàng sau lưng ông, hỗ trợ ông.

Tuần rồi, khi được hỏi về những việc ông Lực đã làm, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, bảo với phóng viên tờ Dân Trí rằng, một số phản ánh, kiến nghị của ông Lực đã được xem xét, kiểm tra và có phản hồi. Còn đúng hay không thì phải phân định. Về mặt hiện tượng có thể là… đúng nhưng chỉ đưa ra hiện tượng mà không đưa ra được… giải pháp thì thông tin không được… toàn diện. Nói cách khác, ngoài việc phải quan sát, theo dõi, phản ánh đúng hiện tượng, dân chúng như ông Lực còn có trách nhiệm đề ra giải pháp khả thi. Có như thế may ra giới hữu trách mới để mắt tới, thiếu một trong hai là chưa toàn diện.

Nghe ông Thành phân biện, một số người buột miệng rủa: Chẳng lẽ trách nhiệm của giới hữu trách chỉ khoanh gọn trong phạm vi… ăn và… hưởng. Rủa có thể không sai nhưng rõ ràng ông Thành nói đúng! Thực tế là như thế. Cứ nhìn quanh sẽ thấy vô số ví dụ minh họa.

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/cau-ham-cao-toc-da-nang-quang-ngai-tham-nuoc-20181021191356322.htm

(2) https://dantri.com.vn/xa-hoi/lao-nong-4-nam-kien-tri-to-nha-thau-cao-toc-da-nang-quang-ngai-thi-cong-gian-doi-20181019195756932.htm

(3) https://news.zing.vn/khoan-no-1-5-ty-usd-cua-chu-dau-tu-cao-toc-34500-ty-dong-post884847.html

(4) https://laodong.vn/xa-hoi/hu-hong-tren-cao-toc-34000-ty-co-ca-khoi-lan-lua-nen-mat-niem-tin-636366.ldo

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG