Đường dẫn truy cập

Đòn thù đầu năm từ nhà cầm quyền Việt Nam


Các nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn tại phiên tòa ngày 5/1/2021 tại Tp. Hồ Chí Minh. Photo Tiền Phong
Các nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, Phạm Chí Dũng và Lê Hữu Minh Tuấn tại phiên tòa ngày 5/1/2021 tại Tp. Hồ Chí Minh. Photo Tiền Phong

Hoàng Hoành Sơn


37 năm tù và 09 năm quản chế, đấy là bản án mà nhà nước độc tài cộng sản Việt Nam đã dành cho các nhà hoạt động vì nhân quyền tự do lập hội và tự do ngôn luận: Phạm Chí Dũng 15 năm tù giam, 3 năm quản chế; Nguyễn Tường Thụy 11 năm tù giam, 3 năm quản chế; Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm tù giam, 3 năm quản chế.

Nó là một bản tuyên án bất công phi lý và hoàn toàn vắng bóng nhân quyền. Nó là trận đòn thù đầu năm 2021, tựa như trận đòn thù nhắm vào bà con Đồng Tâm đầu năm 2020 (ngày 09/01/2020) đã thảm sát cụ già Lê Đình Kình ngay trên giường ngủ trong nhà cụ, ở thôn Hoành.

Có thể thấy các tòa án do cộng sản Việt Nam thiết lập luôn dành những khung hình phạt nặng nề và khắc nghiệt nhất cho người dân nào dám lên tiếng trước bất công, mất đất mất biển đảo biên giới, đấu tranh vì những đảng viên yếu kém, bất tài tham nhũng và chà đạp nhân quyền.

Theo tình hình này, ta có thể hình dung thời gian sắp tới, các nhà hoạt động như Phạm Đoan Trang, Trương Châu Hữu Danh và các dân oan Dương Nội, Đồng Tâm lại tiếp tục lãnh lấy những đòn thù tương tự như thế.

ĐcsVN đã lợi dụng khoảng thời gian dịch bệnh Covid-19 và bầu cử Hoa Kỳ để mạnh tay bắt bớ các nhà hoạt động dân chủ, các dân oan bị cướp đất cũng như những ai lên tiếng cho công lý và nhân quyền. Và thế là danh sách các tù nhân lương tâm tại VN lại tiếp tục dày thêm lên, lột tả những đàn áp bất công phi lý người dân phải gánh chịu.

Tội danh tòa án cộng sản gán cho các anh chính là: “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, đối với Phạm Chí Dũng và hai anh em đồng hội, theo khoản 2 Điều 117 bộ luật Hình sự năm 2015 (1).

Tội danh đi kèm theo bản án khắc nghiệt dành cho 3 công dân vô tội ấy chính là kết quả của một quốc gia cộng sản độc tài. ĐcsVN và Nhà nước VN bị gọi là độc tài bởi vì họ "không chấp nhận bất kỳ xu hướng đối lập nào" và hủy diệt mọi quyền công dân và tự do chính trị. Dưới chế độ độc tài này, mọi quyền tự do in ấn, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội… đều bị tận diệt và kiểm soát chặt chẽ.

ĐcsVN đã dùng bạo lực hủy diệt mọi đảng phái và các tổ chức dân sự khác, nhằm "đồng hóa" mọi tổ chức dân sự thành tổ chức chịu sự chi phối của đảng. Nếu không nghe theo sẽ có các bản án nặng nề đảng ban cho, như trường hợp các anh Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn hôm nay.

Một quốc gia mà trong đó mức độ tập trung và thâu tóm phương tiện sản xuất vào tay bọn cường hào địa chủ đảng viên kiểu mới càng tồn tại lâu bao nhiêu, tiềm lực kinh tế của gia đình đảng viên càng hùng hậu bao nhiêu, thì khả năng hủy diệt những tư tưởng tự do và triệt tiêu quyền tự do chính trị, quyền tự do công dân, loại trừ nhân quyền và dân quyền ngày càng dễ xảy ra bấy nhiêu, rồi từ đó dẫn đến thể chế độc tài đàn áp người dân ngày một nặng tay hơn.

Hiện nay, đcsVN không chỉ độc đoán về chính trị mà độc đoán cả trong kinh tế, nhân quyền và mọi lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Và như chúng ta đã biết, độc đoán trong chính trị chỉ có độc một hình thái duy nhất: chuyên chính độc tài. Xu hướng độc tài hóa ở VN mạnh đến mức từng người dân trở thành tù nhân hoặc là con tin ngay trong chính ngôi nhà của mình và trong chính đất nước mình đang là công dân.

Bởi vì đcsVN ngày càng trở nên tàn bạo hơn, tinh vi hơn do hệ tư tưởng phản động, phản khoa học và luôn lấy mục đích biện minh cho phương tiện của nó, có thể lôi cuốn hàng triệu đảng viên đi theo đảng vì lợi lộc, danh vọng, cả cơ hội nắm lấy quyền lực, biến họ thành những công cụ cho những mục đích tội lỗi; không thể hiểu được hệ thống chính trị mị dân, ngu dân, vô lương tâm, vô nhân đạo đã biến 90 triệu công dân tự do vào con đường lạc hậu, phục tùng mù quáng một thiểu số đảng viên, luôn đe dọa hủy diệt tiền đồ dân tộc.

Như thế đã rõ, như Pau Riterbus đã định nghĩa: "Nhà nước độc tài là nhà nước, mà với sự giúp đỡ của nó, một đảng hoặc một hệ tư tưởng được nâng lên thành tổng thể, thành xu hướng đặc biệt trong xây dựng chính trị của đời sống dân tộc. Nhà nước độc tài là sự phá vỡ mang tính nguyên tắc khái niệm tương đối, trong đó bao hàm một vấn đề là bất cứ một đảng phái nào cũng chỉ chứa đựng một sự thật tương đối".

Và con đường của đcsVN cuối cùng dẫn cả dân tộc đến trại cải tạo khổng lồ ngay trên chính quê hương đất nước mình. Mỗi công dân vừa là con nợ, vừa là con tin, vừa là tù nhân ở trong đó.

ĐcsVN đã thiết lập cơ chế độc đảng bằng cách dùng bạo lực hủy diệt mọi đảng phái và tổ chức chính trị khác, như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Xã Hội Đảng, Đại Việt Duy Tân từ khi mới thành lập, và thiết lập sự thống soái toàn diện của đảng mình ở miền Bắc. Sau khi đã thiết lập được cơ chế độc đảng trên khắp VN sau biến cố năm 1975, đcsVN mới có thể xây dựng thành công nhà nước độc tài toàn trị tại VN cho đến nay

Dần dần từng bước, đcsVN cho đồng hóa toàn bộ đời sống xã hội trong các hội liên hiệp phụ nữ, ủy ban mặt trận tổ quốc, công giáo và dân tộc; đoàn thanh niên cộng sản… để tất cả các hiệp hội nhân dân biến thành cánh tay nối dài của đảng. Chúng len lỏi vào mọi ngóc ngách sống của người dân và kiểm soát họ trong vòng kiềm tỏa của các đảng viên mẫn cán.

Bước tiếp theo là nhồi sọ tư duy người dân cả nước trong việc tôn thờ lãnh tụ dân tộc. Đặc biệt là các em thiếu nhi. Các cấp học đường đều nằm trong tay của Bộ Giáo Dục. Đảng muốn dạy gì, tuyên truyền cái gì cứ thế cả nước răm rắp nghe theo. Dẫu cho nó là tin giả, tin có định hướng, tin tức đã được xào nấu theo ý đảng. Vậy nên mới có những thuật ngữ báo chí về “nước lạ”, “tàu lạ”, “tự diễn biến”…

Và bước cuối cùng chính là trại cải tạo, không chỉ là nơi giam giữ những kẻ phạm tội, mà trại cải tạo còn là một vũ khí bịt miệng các tù nhân lương tâm, các nhà hoạt động dân chủ và người dân cả nước.

Trong các phiên tòa ở VN, điều dễ nhận ra nhất chính là các bản án dành cho người dân, cho các người bất đồng chính kiến thường phải chịu mức án rất nặng, thường từ 10 năm trở lên. Nhưng đối với tội các đảng viên tham nhũng, lộ bí mật Nhà nước, lại lãnh những mức án hết sức nhẹ nhàng. Ngoài bản án 37 năm tù nặng nề cho 3 nhà bất đồng chính kiến kể trên, còn có trường hợp Nguyễn Văn Khang, xã Mong Thọ, đã lãnh 7 năm tù vì trộm 1 con vịt (2); đang khi Nguyễn Đức Chung, nguyên thiếu tướng công an, nguyên chủ tịch thủ đô Hà Nội, phạm rất nhiều tội trong đó có tội lộ bí mật Nhà nước, chỉ lãnh án 5 năm tù (3). Và còn rất nhiều trường hợp các đảng viên khác chịu những bản án nhẹ hều dù làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng công quỹ Nhà nước.

Lý do cho việc nhẹ tay hoặc nặng tay của đcsVN cũng dễ hiểu. Nhẹ tay với đảng viên vì rằng đấy là công dân hạng nhất, vì rằng “đánh tham nhũng là ta đánh ta”. Anh em đồng chí cùng rút ruột công trình, cùng tham ô của công vốn cha chung không ai khóc, nên đánh nặng làm gì. Mở đường cho đồng chí có cơ hội lui về làm “người tử tế”. Riêng với dân đen, là những công dân hạng hai hạng ba, thứ nhất cần đánh thật mạnh, thật đau để trả thù vì những lời chân thật của chúng đã dám vạch áo cho quốc tế xem lưng xấu xa của đcsVN, dám phê phán nói xấu lãnh đạo, đường lối đảng…

Và thứ hai, quan trọng hơn, khủng bố tinh thần người dân, nhìn vào đấy làm gương, có “đứa dân” nào còn muốn vào tù nữa không? Còn dám đấu tranh để tránh đâu nữa không. Thứ ba, khi tuyên bản án nặng như thế chứng tỏ đấy là những tội hình sự, vi phạm pháp luật VN. Chứ ở VN “không hề có cái gọi là tù nhân lương tâm, hoặc giam cầm người bất đồng chính kiến.” Đấy “bọn nó” tuyên truyền chống phá đảng, Nhà nước nên lãnh án nặng thế là đáng đời.

Và sau bản án được tuyên ấy, chả thấy có ông chánh án nào tỏ lòng xót xa xuống bắt tay các bị cáo. Hoặc bày tỏ tinh thần nhân văn, đồng cảm với hoàn cảnh mất tự do của các anh. Nhìn dáng anh Phạm Chí Dũng đứng thẳng, hai tay hơi nắm lại cho thấy tinh thần bất khuất trước bạo quyền, can đảm chấp nhận con đường đã chọn cho dẫu có đau thương.

Một điều đáng ngạc nhiên là Hiến pháp VN, điều 25 (4) tuyên bố: công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Vậy mà chỉ lập ra Hội Nhà Báo Độc Lập lại bị gán cho tội tuyên truyền chống phá Nhà nước. Ủa hông lẽ Nhà nước cộng sản VN toàn thiện đến mức không cần lắng nghe tiếng nói phản biện, góp ý của người dân? Vậy lời tuyên truyền dân biết, dân bàn, dân kiểm tra và bản Hiến pháp vứt vào đâu, hoặc chỉ là lời nói đãi bôi, lừa gạt dân chúng, nói một đàng làm một nẻo?

Theo luật sư Nguyễn Văn Miếng và Đặng Đình Mạnh bào chữa cho ba anh tường thuật: Trong phiên tòa, cả ba anh đều thừa nhận toàn bộ việc thành lập, tham gia Hội Nhà Báo Độc Lập, việc viết báo mới mục đích cổ súy cho tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, dân chủ và nhân quyền là những quyền theo Hiến pháp quy định. Và các anh không cho rằng những hành vi ấy vi phạm pháp luật Việt Nam.

Như thế, một thế chế độc tài như đcsVN luôn coi dân như kẻ thù cần đề phòng, hơn là đề phòng người đồng chí phương Bắc. Thà mất nước còn hơn mất chế độ, thà mất biển đảo còn hơn mất đảng là thế. Tất cả nhắm dồn ép người dân luôn sống trong tình trạng bị khủng bố tinh thần gắt gao. Khiến lòng dân ngày một tan nát. Một số đông chịu câm lặng chấp nhận số phận, số khác chịu cảnh giam lỏng tại nhà, số khác vẫn bảo vệ quan điểm chính trị của mình, bị kiệt quệ, mỏi mòn trong các trại cải tạo, tuyệt thực cho đến chết như anh Trần Huỳnh Duy Thức đang trải qua, hoặc phải sống tị nạn lưu vong ở nước ngoài.

Tư liệu tham khảo

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/xet-xu-pham-chi-dung-va-dong-pham-chong-nha-nuoc-1325278.html

(2) https://dantri.com.vn/phap-luat/mot-thanh-nien-lanh-7-nam-tu-vi-bat-1-con-vit-ve-nhau-20170317120025005.htm

(3) https://tuoitre.vn/cuu-chu-tich-ha-noi-nguyen-duc-chung-lanh-5-nam-tu-20201211115522512.htm

(4) http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop?categoryId=920&articleId=10053009

XS
SM
MD
LG