Thông tin được công bố trên báo chí Việt Nam mới đây liên quan đến quản trị và hành chính công của Việt Nam có chi tiết rất đáng lưu ý, đó là “khi được hỏi có phải đưa lót tay để xin vào cơ quan nhà nước, hơn 50% số người được hỏi trả lời “có”. Hà Nội và Sài Gòn thuộc nhóm điểm thấp nhất về “kiểm soát tham nhũng”.
Những con số ‘biết nói’
Cụ thể, nếu tính theo chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở VN (PAPI) năm 2015, do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và các đối tác công bố tại Hà Nội ngày 12-4, thì Hà Nội và Sài Gòn nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất về việc kiểm soát tham nhũng. PAPI 2015 được hoàn thành bằng cách khảo sát ngẫu nhiên gần 14.000 người dân tại 63 tỉnh thành, tập trung vào 6 lĩnh vực chính gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Theo báo chí Việt Nam cũng như mục tiêu của chương trình này thì PAPI được xem là công cụ phản ánh tiếng nói và nguyện vọng của người dân, đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền Việt Nam.
Phải thừa nhận những mặt tích cực mà PAPI 2015 phản ánh. Trong 6 chỉ số được khảo sát, mục “cung ứng dịch vụ công” có sự cải thiện. Tuy nhiên, đó lại là mục duy nhất có sự cải thiện mang tính đáng khuyến khích, trong khi cả năm chỉ số còn lại đều giảm điểm. Điển hình phải nhìn vào chỉ số “công khai, minh bạch” bởi đây là chỉ số rất quan trọng đối với lòng tin và sự đồng thuận của người dân, nhưng lại giảm mạnh nhất (cụ thể là giảm 7% điểm). Theo sau đó là sự suy giảm của chỉ số cũng quan trọng không kém, đó là “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” (cụ thể giảm 3%).
Chính Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, tại buổi công bố các chỉ số đã cho biết trong các tỉnh thành được khảo sát về tham nhũng, Hà Nội và Sài Gòn nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất, riêng Hà Nội nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất “ổn định” trong vòng năm năm qua. Điều thú vị chính là khi được hỏi có phải đưa lót tay để xin vào cơ quan nhà nước, hơn 50% số người được hỏi trả lời “có”. Không những thế, có đến hơn 44% số người được khảo sát cho biết phải lót tay để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng mạnh so với tỉ lệ 24% trong năm 2014. Ngoài ra, kết quả khảo sát lần này còn cho thấy tình trạng lót tay, chung chi, bồi dưỡng ngoài quy định của Nhà nước cũng xảy ra khi người dân đi khám chữa bệnh, xin giấy phép xây dựng và cho con vào học ở trường công.
Trong một xu hướng xám màu các chỉ số minh bạch, tham nhũng thì báo cáo này còn cho thấy rằng dường như người dân Việt Nam đang lâm vào tình trạng chấp nhận tham nhũng nhiều hơn, với các mức chung chi cao hơn. Nếu nhìn lại khảo sát của những năm trước đây, nhiều người được hỏi cho biết sẽ lên tiếng nếu bị đòi lót tay 3-5 triệu đồng, nhưng con số này của năm 2015 đã lên đến mức 25 triệu đồng trở lên, khiến chính ông Giang cũng thốt lên rằng sự phát triển này rất đáng ngại, bởi lẽ người dân có thái độ sống chung với tham nhũng với mức chịu đựng của người dân tăng dần đều. Thậm chí báo cáo còn cho thấy người dân dường như có xu hướng không còn tin tưởng nhiều vào quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương, khi chỉ có vỏn vẹn 37% số người được hỏi không cho rằng chính quyền thật sự nghiêm túc xử lý vụ việc tham nhũng xảy ra ở các địa phương.
Vui ít, buồn nhiều
Quả thật những con số lần này được công bố trên báo chí chính thống của Việt Nam khiến người ta vui buồn lẫn lộn, nhưng vui ít, buồn nhiều. Các chỉ số minh bạch, tham nhũng tại Việt Nam trước đây và thời gian qua được thể hiện không mấy lạc quan trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, báo chí nước ngoài, dù rằng ít được phổ biến rộng rãi qua các kênh chính thức như truyền hình, báo chính thống của Việt Nam. Thậm chí có không ít những vụ tham nhũng, hối lộ hay quỹ đen dính líu đến Việt Nam làm minh họa cho môi trường có vấn đề cần phải giải quyết về minh bạch. Việc công khai các chỉ số này phần nào cho thấy xã hội đang vận động tịnh tiến đến các điểm sáng, cũng cho thấy những mặt tích cực của quá trình chống tham nhũng và tăng cường minh bạch của chính quyền. Đó là điều đáng mừng. Nhưng…
Các khẩu hiệu chống tham nhũng, tăng cường minh bạch đã và đang được loan truyền khắp nơi, từ cửa miệng của không ít quan chức cao cấp, đến các văn bản xuống tận làng xã, thôn xóm. Chống tham nhũng và tăng cường minh bạch còn đi vào các khẩu hiệu trong các cơ quan, ban ngành mà ngày ngày không ít người đọc đi, đọc lại đến mức thuộc lòng. Thế nhưng chẳng biết nói nhiều vậy, làm bao nhiêu mà chỉ số điều tra ngày càng tệ. Tôi phải nhấn mạnh rằng, chỉ số khảo sát người dân không phản ánh toàn bộ tình trạng tham nhũng, nhưng điều quan trọng là nó phản ánh phần nào thực trạng tham nhũng và thiếu minh bạch; cũng quan trọng hơn nữa là tinh thần, cảm giác an toàn về mặt quản trị xã hội của đất nước đang suy giảm.
Một điều cũng đáng buồn hơn là năm ngoái, các báo cáo của Sài Gòn, đặc biệt là Hà Nội, được công bố cho thấy hai cái “húp” rất nóng về tham nhũng này lại tuyên bố không phát hiện được những trường hợp tham nhũng đáng kể. Vậy mà năm nay các khảo sát của người dân cho thấy đây lại là hai điểm “đen nhất” cả nước về minh bạch và tham nhũng. Vậy ai có thể giải thích về sự lệch cán cân giữa báo cáo điều tra của cơ quan nhà nước và quan sát, cảm nhận và trải nghiệm của người dân, những người đóng thuế và trực tiếp sống dưới nền hành chính, quản trị công của Việt Nam?
Không mấy liên quan, nhưng tôi lại bật cười khi thầm nghĩ về Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khi ông phát biểu “Đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”. Không biết có vị nào còn đăng đàn như ông Phát (sau đó đã xin lỗi người dân) rằng “đa số quan chức là thanh liêm, minh bạch nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là thiếu minh bạch và tham nhũng nhiều” hay không? Nếu xem xét một cách máy móc báo cáo của chính quyền và so sánh chỉ số PAPI thì phát ngôn như vậy chắc không phải là lạ!
Trước các chỉ số hiện tại, nhà nước nhất thiết phải có những chính sách làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa “quan chức nói” và “nhân dân nói”. Muốn thế, đánh giá từ phía nhà nước về quan chức và môi trường hành chính công phải sát sườn hơn về minh bạch, tham nhũng. Kèm theo đó là những công cụ sắt bén hơn để không chỉ thật sự tăng minh bạch, giảm tham nhũng mà người dân còn cảm nhận được sự an toàn ấy trong môi trường họ đang sống.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.