Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ FBI đã tham gia một cuộc điều tra vào vụ tấn công mạng nhắm vào hãng phim Sony Pictures Entertainment. Vụ tấn công ngày 24 tháng 11 xảy ra chỉ vài tuần trước khi Sony sẵn sàng cho ra mắt một cuốn phim hài về âm mưu ám sát lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Câu hỏi trong đầu nhiều người là: Phải chăng Bắc Triều Tiên có thể là người giật dây vụ hacking này?
“Các giới chức Bắc Triều Tiên đã gán cho cuốn phim The Interview của hãng Sony là “khủng bố trá hình.”
Các tài tử Seth Rogen và James Franco đóng vai các ký giả được CIA tuyển mộ để giết lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên.
Trong một trích đoạn phim, Rogen đặt câu hỏi và nữ diễn viên Lizzy Caplan đóng vai nhân viên CIA đã xác nhận trước sự kinh ngạc của Rogen là anh được giao công tác là giết lãnh tụ Bắc Triều Tiên.
Do đó sau khi hãng Sony bị ‘hack’ tuần trước, tin nói rằng công ty đã tìm hiểu xem liệu Bắc Triều Tiên có thể dính líu đến vụ này không phải là chuyện lạ.
Bắc Triều Tiên vốn đã than phiền với Liên Hiệp Quốc và Toà Bạch Ốc về cuốn phim này, nhưng liệu họ có mở một cuộc chiến trên mạng vì vụ này?
Ông Frank Cilluffo đứng đầu Viện Chính sách An ninh Nội địa tại trường Đại học George Washington trả lời “có” cho câu hỏi này: “Chắc chắn họ vừa có động cơ vừa có khả năng để làm như vậy. họ đã tỏ ý định rất rõ và công khai khi Bộ Ngoại giao đe doạ sẽ không nương tay triệt hạ bất cứ ai dám xúc phạm đến lãnh tụ tối cao. Và họ cũng có khả năng làm như thế, bởi vì họ đã đầu tư rất nhiều vào các phương tiện thiếu quân bình về chiến tranh và kỹ thuật, nói chung và tấn công mạng lưới điện toán, và cụ thể là khả năng mạng.”
Ông Cilluffo nói với đài VOA rằng có phần chắc Bắc Triều Tiên đầu tư một phần lớn tiền bạc của họ vào việc xây dựng khả năng tấn công mạng của họ so với bất cứ nước nào khác.
“Điều chúng ta thiếu ở giai đoạn này là việc quy trách bảo đảm. Nói cách khác, chúng ta không có được một bàn phím bốc khói chứng tỏ họ thực sự là chủ mưu, và liệu những tay sai hay các cảm tình viên của lý tưởng Bắc Triều Tiên có đứng đằng sau vụ tấn công hay không, hoặc có ai khác hoàn toàn là đứng phía sau.”
Nhưng ngay bản thân chính phủ Bắc Triều Tiên cũng không phủ nhận các liên hệ với vụ ‘hacking’ này. Được hỏi liệu Bình Nhưỡng có can dự hay không, một người phát ngôn của chính phủ Bắc Triều Tiên nói: “Hãy chờ xem.”
Vụ hacking đã làm tê liệt hộp thư điện tử của công ty Sony, cắt mạch hoàn toàn các hệ thống nội bộ khác. Sony sau đó đã phục hồi một số hệ thống bị tác động, vận dụng các chuyên gia pháp y về an ninh mạng để sửa chữa thiệt hại.
Nhưng một số thiệt hại có thể khó vô hiệu hoá hơn.
Các bản sao của 5 cuốn phim của hãng Sony, trong đó có một bản làm lại phim Annie, đã bị tiết lộ trên mạng sau vụ ‘hacking’ và có tin nói rằng các tay ‘hacker’ đã ăn cắp các dữ liệu cá nhân, kể cả thông tin về sức khoẻ và lương bổng, của tới cả chục ngàn nhân viên.
Ông Cilluffo nói khả năng các cuộc tấn công mạng của Bắc Triều Tiên chỉ sẵn sàng gia tăng. Khác với Nga và Trung Quốc, hai nước mà ông nói là đề ra nguy cơ lớn nhất về chiến tranh mạng, Bắc Triều Tiên không có nhiều thứ để mất.