Nhân ngày Quốc tế tưởng niệm nạn nhân của các hành vi bạo hành vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng (22/8), các phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ và 6 nước phương Tây tại Việt Nam ra tuyên bố chung bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân, tôn vinh họ vì “đã phải gánh chịu những hành vi bạo lực đó chỉ vì họ đã thực thi cũng như bảo vệ quyền con người”. Trong khi đó, các nhà hoạt động độc lập cho tự do tôn giáo cho VOA biết chính quyền Việt Nam ở vài địa phương đã sách nhiễu và cản trở việc họ tổ chức ngày lễ tưởng niệm này.
Tuyên bố chung
“Chúng tôi cực lực lên án các hành vi bạo lực đang tiếp tục diễn ra nhắm vào các cá nhân vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng, bao gồm cả những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số”, tuyên bố chung của các phái đoàn ngoại giao của Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây tại Hà Nội viết.
Tuyên bố nhắc lại rằng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng được ghi trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền.
“Tôn trọng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa bài ngoại, hẹp hòi và phân biệt đối xử, cũng như thúc đẩy xã hội phát triển hòa bình và bao trùm”, tuyên bố chung viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh có đoạn.
Tuyên bố chung của 7 phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam bao gồm Đại sứ quán Áo, Canada, Hà Lan, Na Uy, Thụy Sĩ, Anh và Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Vào ngày quan trọng này, chúng tôi muốn bày tỏ sự ủng hộ đối với các nạn nhân của các hành vi bạo lực vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng, cũng như gia đình và những người thân yêu của họ. Hôm nay, chúng tôi tôn vinh những người đã phải gánh chịu những hành vi bạo lực đó chỉ vì họ đã thực thi cũng như bảo vệ quyền con người”.
Cũng hôm 22/8, trong một tuyên bố riêng, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken viết: “Chúng tôi tôn vinh sự hy sinh và cái giá phải trả của quá nhiều người để làm theo lương tâm của họ hoặc ủng hộ những người khác làm điều tương tự, và chúng tôi đứng về phía những người bị bức hại và công nhận tính nhân đạo chung và cam kết tập thể của chúng tôi đối với quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”.
Tương tự, trang Facebook chính thức của Liên hiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam dẫn một tuyên bố của ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về ngoại giao và chính sách an ninh của EU cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp những hỗ trợ khẩn cấp cho những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, đặc biệt những người bảo vệ tự do tôn giáo và tín ngưỡng, bao gồm cả việc thông qua cơ chế ProtectDefenders.eu của Liên minh châu Âu”.
Tưởng niệm trong im lặng
Vào tối ngày 17/8, các tín hữu công giáo ở Vườn rau Lộc Hưng - nơi xảy ra vụ chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cưỡng chế hơn 500 hộ dân vào cuối năm 2019 - đã đốt nến và cầu nguyện nhân ngày tưởng niệm các nạn nhân của hành vi bạo lực vì lý do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.
Ông Hà Cao Trực, một tín hữu ở Vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, nói với VOA hôm 22/8:
“Tôi cũng như các bà con ở Vườn rau Lộc Hưng vào tháng 12/2019 đã bị bạo hành vì tự do tôn giáo. Sự việc xảy ra cách đây hơn 3 năm và nhiều người cũng đã biết và sự việc vẫn còn nằm trong ký ức của chúng tôi…
“Chúng tôi là các nạn nhân của việc bạo hành tôn giáo cho nên chúng tôi hưởng ứng ngày này và tôi hy vọng rằng Việt Nam cũng phải khắc phục chuyện này khi Việt Nam bang giao với các nước phương Tây”.
Công an sách nhiễu
Vào ngày 20/8, các tín đồ Cao Đài chơn truyền tại hương đạo Bình Khánh ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang có tổ chức lễ tưởng niệm ngày 22/8 tại tư gia của một tín đồ, nhưng công an địa phương đến sách nhiễu và tìm cách ngăn cản họ trong 8 giờ liền, tín đồ Nguyễn Trọng Tiếng cho VOA biết.
Ông Tiếng nói:
“Bữa đó bên công an có 4 người, bao gồm một công an khu vực, một công an an ninh phụ trách tôn giáo và hai người bảo vệ dân phố đến lập biên bản không cho làm lễ tưởng niệm … Họ bắt cam kết không cho làm lễ tưởng niệm đó, nói rằng cái đó “không nên làm” vì làm như vậy “là mang tính chất phản động”.
“Theo tôi, công an làm như vậy là không cho có quyền tự do và không được quyền bày tỏ ý nghĩ của mình về vấn đề tôn giáo. Tôi rất buồn và bức xúc”.
VOA đã liên lạc chính quyền địa phương và tỉnh An Giang để tìm hiểu về cáo buộc này nhưng chưa được phản hồi.
Chính quyền Việt Nam và truyền thông trong nước không đưa tin về Ngày Quốc tế tưởng niệm nạn nhân của các hành vi bạo hành vì tôn giáo hoặc tín ngưỡng.
Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam bác bỏ các hành vi nhà nước sách nhiễu tự do tôn giáo, cho rằng các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của mọi người dân “luôn được đảm bảo”.
Từ năm 2019, ngày 22/8 hàng năm được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc chỉ định là Ngày Quốc tế Tưởng niệm các Nạn nhân của Hành vi Bạo lực vì lí do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng.
Diễn đàn