Nước Pháp đã có những biện pháp chống dịch rất cương quyết nhưng cũng có những giải pháp sáng tạo và điều đó nhờ vào các lãnh đạo đất nước ‘rất bình tĩnh’ và ‘có bản lĩnh’, một nhà báo tự do gốc Việt sống ở thủ đô Paris nói với VOA.
Trong bài diễn văn trước quốc dân vào tối ngày 13/4, tức rạng sáng ngày 14/4 giờ Việt Nam, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 11/5, tức là phong tỏa thêm gần một tháng nữa.
Cho đến ngày 13/4, nước Pháp đã báo cáo gần 15.000 người tử vong vì Covid-19, trong đó gần 2/3, tức khoảng 9.500 người, chết ở các bệnh viện trong khi trên 5.000 ca tử vong được ghi nhận ở các nhà dưỡng lão, theo số liệu của tờ Le Monde.
Với tổng số gần 137.000 người nhiễm virus corona, nước Pháp hiện là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới và thứ 3 châu Âu, sau Mỹ, Ý và Tây Ban Nha, đồng thời cũng là nước có số tử vong nhiều thứ 4 trên thế giới.
Trong vòng 24 giờ qua, Pháp tăng thêm trên 4.000 ca nhiễm và 574 ca tử vong, theo số liệu của trang thống kê theo thời gian thực Worldometers. Đây là con số tử vong thấp nhất ở Pháp trong nhiều ngày qua, trong đó có 335 ca tử vong ở bệnh viện. Con số bệnh nhân đang điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt cũng giảm ngày thứ 5 liên tục.
‘Tình trạng chiến tranh’
Mặc dù dịch bệnh ở Pháp đang diễn biến theo chiều hướng khả quan, ông Macron vẫn không nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Theo tuyên bố của ông thì đến ngày 11/5 các trường học ở Pháp sẽ ‘tuần tự mở cửa trở lại’ trong khi các nhà hàng, quán bar, quán cà phê, rạp hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, khách sạn vẫn tiếp tục đóng cửa. Ông cũng tuyên bố nước Pháp sẽ giúp đỡ châu Phi chống dịch bằng cách ‘hủy nợ’ cho các nước này.
Trước đó, hôm 17/3, Tổng thống Macron đã ra lệnh phong tỏa đất nước trong vòng một tháng. Trong bài diễn văn trên truyền hình, ông đã lặp đi lặp từ ‘chiến tranh’ đến 7 lần.
Trao đổi với VOA, ông Phạm Cao Phong, một nhà báo tự do ở Paris, cho biết trong tuần đầu tiên sau khi có lệnh phong tỏa hôm 17/3, người dân Pháp ‘chấp hành không tốt’.
“Thói quen của người Pháp là không chịu ở trong nhà. Họ thích sự tự do, nhất là vào những ngày cuối tuần,” ông giải thích. “Trước ngày phong tỏa thì đã có khoảng 10% người dân Paris chạy về thôn quê để nghỉ ngơi trong các nhà nghỉ cuối tuần.”
“Tuần đầu tiên mọi người vẫn còn nhởn nhơ lắm. Họ thấy trời nắng ấm lại ra công viên đi dạo, chạy bộ,” ông nói và cho biết điều này đã khiến Tổng thống Macron ‘không giữ nổi bình tĩnh’ và sau đó quyết định làm mạnh tay hơn.
Theo đó, những ai ra đường không có lý do rõ ràng sẽ bị phạt 135 euro cho lần đầu, nếu tái phạm bị phạt 300 euro, còn nếu vẫn ngoan cố cho đến lần thứ 3 ‘sẽ bị phạt 1.500 euro cộng với bị tống giam 6 tháng tù’, ông Phong cho biết.
Theo nhận định của nhà báo sống ở Pháp lâu năm này thì ‘có sự khác biệt trong thái độ chấp hành giữa người giàu và người nghèo’. “Những người giàu được giáo dục tốt và có điều kiện cách ly tốt hơn thì họ chấp hành lệnh phong tỏa tương đối nghiêm chỉnh và con số tử vong của họ cũng ít hơn,” ông nói.
Theo lời ký giả này, những ngày này khi ông đi ra đường (ông Phong là nhà báo nên được phép đi ra đường) thì ông thấy những địa điểm thường tụ tập đông người như Tháp Eiffel, Quảng trường Concorde, Khải Hoàn Môn, Champs Élysée ‘hoàn toàn không có người’.
“Cứ cách khoảng 100, 200 mét là có chốt chặn kiểm tra của cảnh sát. Hoàn toàn không có taxi. Cánh phóng viên chúng tôi còn nhiều hơn người đi đường,” ông cho biết.
Khi được hỏi những biện pháp hà khắc này có bị người dân Pháp lên án là xâm phạm quyền tự do của họ không, ông Phong nói: “Pháp đã tuyên bố đây là tình trạng chiến tranh, tức là chưa bao giờ có kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Sau các cuộc khủng bố hồi năm 2015 thì các biện pháp hạn chế quyền tự do của công dân là đương nhiên phải có.”
“Không thể nào áp dụng lối sống hòa bình trong điều kiện có chiến tranh,” ông nói.
Y tế đảm đương nổi?
Về con số tử vong ở Pháp cao, ông Phong cho biết đó là do Pháp đã gộp chung số người chết ở các nhà dưỡng lão trong khi nhiều nước chỉ tính con số tử vong của các bệnh nhân đã được xác nhận nhiễm virus ở các bệnh viện.
Theo lý giải của ông thì ở các nhà dưỡng lão ‘có đội ngũ y tế riêng nhưng họ không được trang bị những máy móc chuyên dụng như máy trợ thở’.
“Điều kiện chăm sóc người già là rất tốt. Mỗi người được một phòng riêng,” ông nói. Tuy nhiên, ‘do môi trường khép kín giống như du thuyền Diamond Princess nên virus lây lan nhanh trong viện dưỡng lão’.
Theo lời ông thì ngay từ đầu chính phủ Pháp ‘đã có những biện pháp gia cố những nơi yếu nhất như viện dưỡng lão’. “Nhưng chỉ một khâu rất nhỏ là đưa thực phẩm vào mà bùng phát thành ra như thế khiến chính quyền trở tay không kịp,” ông giải thích.
Ông nói mặc dù nằm giữa Ý và Tây Ban Nha, hai nước nhất nhì châu Âu về số ca nhiễm và tử vong, Pháp ‘đã có những thành công nhất định trong kiềm chế dịch bệnh’ và dẫn chứng là Pháp cho đến nay số ca y bác sỹ nhiễm bệnh ở Pháp ít hơn nhiều so với Tây Ban Nha.
Khi được hỏi tại sao Pháp không thiết lập bệnh viện dã chiến để chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 như ở Trung Quốc, Mỹ hay Anh, ông Phong nói Pháp có ‘hệ thống y tế rộng lớn khắp các vùng và khu vực’ cộng với việc họ chuyển các toa tàu điện cao tốc TGV thành giường bệnh nên ‘hiện giờ Pháp không thiếu giường bệnh’ và ‘trong thời gian ngắn Pháp đã bổ sung thêm 10.000 giường bệnh’.
“Bệnh viện ở gần nhà tôi quả thật tôi không thấy sự hỗn loạn như ở Ý và Tây Ban Nha là phải chọn lựa bệnh nhân để cứu,” ông nói.
Ngoài ra, nhà báo cho biết hiện tại nước này ‘đang thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19’ và ‘cho kết quả khả quan’ với 700 người sử dụng thuốc đã được chữa khỏi và chỉ có 2 người tử vong.
“Tổng thống Macron đã đến tận bệnh viện ở Marseille để tiếp xúc với bác sỹ đã triển khai thử nghiệm thuốc điều trị,” ông nói.
Do đó, ông Phong cho rằng ‘Pháp đã kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh’.
“Nước Pháp đã bình tĩnh, có bản lĩnh trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù vô hình này.”
Giải pháp sáng tạo
Ông Phạm Cao Phong cũng đề cao việc nước Pháp đã có những ‘cách làm sáng tạo’ trong chống dịch.
Ngoài việc chuyển tàu TGV thành bệnh viện để cách ly bệnh nhân, ông còn chỉ ra việc Pháp sử dụng các máy bay trực thăng để vận chuyển bệnh nhân sang các khu vực khác hoặc thậm chí sang Đức khi các bệnh viện trong vùng đã trở nên quá tải.
“Chính phủ đã trưng dụng các khách sạn để cho đội ngũ y tế, các bác sỹ cách ly (với gia đình sau giờ làm việc). Việc đi lại, ăn uống không phải trả tiền,” ông cho biết.
Các bệnh viện cũng dùng hệ thống radio để những người bệnh được nghe người thân của họ hỏi thăm và thể hiện lòng yêu thương giúp bệnh nhân có thêm nghị lực chống chọi với bệnh tật, cũng theo lời nhà báo này.
“Chính phủ đang tìm cách làm thế nào để có thể áp dụng các biện pháp phong tỏa mà vẫn đảm bảo được quyền tự do, nhân quyền của người dân,” ông nói và cho biết chính quyền ‘ý thức được việc bị buộc ở trong nhà dài ngày đã gây ra những bức bối cho người dân và tình trạng bạo lực gia đình gia tăng’.
“Làm sao định vị được những ai buộc phải cách ly chặt chẽ hơn và ở những vùng ít ca nhiễm hơn thì việc cách ly cũng không quá cứng nhắc,” ông giải thích và cho biết chính quyền đang thảo luận với người dân về những biện pháp này.
Để giúp nền kinh tế khởi động trở lại sau khi qua dịch, ông Phong cho biết khoảng 20 triệu người phải ở nhà và không thể làm việc ở nhà ở Pháp ‘vẫn được trả 84% lương’ trong suốt khoảng thời gian bị cách ly, trong khi ‘phần còn lại tùy thuộc vào thỏa thuận với công đoàn hay bảo hiểm chi trả’.
Theo lời ông thì số lương này chủ thuê mướn lao động sẽ ứng trước và sau này sẽ được chính phủ hoàn trả lại.
“Bằng cách này thì khi hết dịch, họ có thể đi làm lại ngay mà không phải chờ đợi. Khi đó cỗ máy kinh tế sẽ được khởi động lại,” ông giải thích.
Học hỏi kinh nghiệm
Về vật tư y tế, ông Phong cho biết với cơ sở công nghiệp tốt, nước Pháp đã thành lập được các ‘consortium’, tức tổ hợp, để sản xuất máy thở ở trong nước.
“Pháp đã rút ra bài học là không nên quá phụ thuộc vào vật tư y tế của Trung Quốc, từ máy thở, khẩu trang cho đến quạt thông gió. Chính phủ đã quyết định trong tương lai nước Pháp phải tự chủ trên các phương diện y tế,” ông nói.
“Nhưng sản xuất cái gì cũng phải cần thời gian,” ông nói thêm và cho biết vào lúc này Pháp vẫn phải nhập khẩu trang của Trung Quốc, Việt Nam.
Theo lời ông, hiện giờ nước Pháp đang ‘vận dụng đạo luật thời chiến để trưng thu hàng hóa thiết yếu cung cấp cho những chỗ cần thiết’. Ông dẫn chứng mới đây chính quyền đã tịch thu một lượng lớn khẩu trang do các bang hội của Hoa kiều tích trữ để phân phát cho cộng đồng người Hoa ở Pháp và phân phát các khẩu trang đó cho các bác sỹ, cảnh sát, hiến binh và những người đảm bảo cho guồng máy xã hội hoạt động, bất chấp sự phản đối của Đại sứ quán Trung Quốc.
Ông Phong cũng đánh giá cao cách điều hành của Tổng thống Emmanuel Macron và chính quyền của ông trước dịch bệnh.
“Các lãnh đạo đất nước từ Tổng thống, Thủ tướng cho đến Bộ trưởng Y tế đều lăn xả vào việc. Tổng thống Macron lên phát biểu trên truyền hình 3, 4 lần trong vòng một tháng và ông nói chuyện rất thuyết phục, có tình có lý,” ông Phong nhận xét và cho biết việc tổng thống phát biểu trên truyền hình liên tục như vậy là 'chưa từng có kể từ Đệ nhị Thế chiến'.
“Sự năng nổ của dàn lãnh đạo trẻ của đất nước đã củng cố lòng tin cho người dân,” ông nói thêm và cho rằng sự phản ứng trước dịch bệnh lần này đã ‘củng cố uy tín của Tổng thống Macron đối với người dân’.
“Tổng thống Macron đã thể hiện vai trò của mình rất chững chạc, đàng hoàng. Ông đã học hỏi mô hình của Nam Hàn, tham khảo kinh nghiệm của Việt Nam và rút ra những điều gì cần thiết phù hợp với tâm lý, trạng thái xã hội và mô hình văn hóa của người Pháp,” ông phân tích.
Nhà báo này cho biết khi dịch bệnh bắt đầu lây lan ở Ý và Tây Ban Nha thì ‘Pháp đã có dự phòng’. “Tổng thống đã tập hợp các đội ngũ y tế để bàn cách chống dịch,” ông Phong nói.
Theo lời ông thì phía Đài Loan đã cảnh báo cho Pháp khi có một bệnh nhân Đài Loan (bệnh nhân số 4 của Đài Loan) bị nhiễm được chữa trị ở Pháp từ ngày 23/1 mà lúc đó ở Pháp không biết là bệnh nhân này nhiễm virus corona.
“So với Đài Loan thì Pháp không cảnh giác bằng. Đài Loan cảnh giác vì họ đã trả giá trong dịch SARS, cũng như Việt Nam đã học được sự cảnh giác với Trung Quốc, trong khi Pháp thì không,” ông giải thích.