Đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương vừa đề nghị Mỹ tăng cường tuần tra ở vùng biển của họ sau một số lần tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của họ, Tổng thống Surangel Whipps (con) nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Whipps (con) cho biết ông cũng sẽ hoan nghênh sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ ở nước ông, theo đó, các binh sĩ đồn trú cùng với các đội công tác dân sự và cảnh sát biển hiện có, giữa lúc Washington và Bắc Kinh tranh giành ảnh hưởng trong khu vực có tầm chiến lược.
“Cho dù thế nào, chúng tôi sẽ ở đúng tâm điểm của bất cứ điều gì sẽ xảy ra, vì vậy điều quan trọng là chúng tôi được bảo vệ”, ông Whipps (con) nói trong chuyến thăm Tokyo hôm thứ Tư 14/6, đồng thời nói thêm rằng “để có hòa bình, ta phải thể hiện sức mạnh".
Hôm 15/6, khi được hỏi về các vụ xâm nhập, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin (Uông Văn Bân) cho hay các tàu của Trung Quốc đã tránh thời tiết xấu ở vùng biển được nêu và không tiến hành bất kỳ cuộc khảo sát hay thăm dò nào. "Hợp tác an ninh giữa các quốc gia không nên nhắm mục tiêu vào bên thứ ba", ông nói thêm.
Palau, một quần đảo xa xôi gồm các đảo san hô và đảo do núi lửa tạo thành ở phía tây Thái Bình Dương và chỉ có hơn 20.000 người sinh sống, có hiệp ước trong hàng thập kỷ qua với Washington, theo đó, Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo vệ quốc gia này và trợ giúp kinh tế - một di sản có nguồn gốc từ Thế Chiến II.
Hoa Kỳ cũng có những hiệp ước như vậy với các đảo quốc Micronesia và Quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, và đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Papua New Guinea vào tháng 5.
Trung Quốc cũng đang tìm cách tăng cường sự hiện diện an ninh ở Thái Bình Dương, và năm ngoái đã ký một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon khiến Mỹ, Úc và New Zealand thấy báo động.
Palau đã xác định danh tính các tàu Trung Quốc trong vùng biển của họ hồi tháng trước, khi một con tàu dường như đang khảo sát một khu vực gần cáp quang có tầm quan trọng sống còn đối với thông tin liên lạc của đất nước, ông Whipps (con) nói.
Ông cho biết ông sẽ nêu vấn đề các vụ xâm nhập tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương cấp khu vực vào tháng 11. Nhóm này trước đây đã nói rằng họ sẽ có một quan điểm thống nhất trong việc đối phó với các cường quốc, và năm ngoái họ đã từ chối khi Trung Quốc thúc đẩy để ký kết một thỏa thuận an ninh và thương mại với 10 trong số 18 thành viên của nhóm.
Palau trước đây đã làm chủ nhà cho các cuộc tập trận quân sự của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ có kế hoạch lắp đặt hệ thống radar theo dõi bên kia đường chân trời ở đảo quốc vào năm 2026.
(Reuters)
Diễn đàn