Đường dẫn truy cập

Pakistan xác nhận hai con tin Trung Quốc đã bị IS giết


Hãng tin Amaq của IS hôm 8/6 loan báo họ đã hành quyết hai con tin ở Mastung, một khu vực cách Quetta khoảng 50 km về hướng Nam.
Hãng tin Amaq của IS hôm 8/6 loan báo họ đã hành quyết hai con tin ở Mastung, một khu vực cách Quetta khoảng 50 km về hướng Nam.

Nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi giáo (IS) đã phát tán một băng video cho thấy xác nhuộm máu của một công dân Trung Quốc bị bắt làm con tin trước đây, và cho biết IS đã giết anh cùng người bạn gái.

Một giới chức chính quyền tỉnh xác nhận với VOA rằng người đàn ông hình như đang trút những hơi thở cuối cùng trong băng video, là một trong hai người Trung Quốc bị bắt làm con tin ở Quetta, thủ phủ tỉnh Baluchistan, hồi tháng trước.

Giới chức Pakistan đòi giấu tên vì nhà chức trách chưa tìm thấy xác chết của hai công dân Trung Quốc bị sát hại, nói ông muốn tránh đưa ra một tuyên bố chính thức về số phận của hai công dân nước ngoài.

Trong cuộc họp báo thường lệ hôm thứ Sáu, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết Bắc Kinh đã được Islamabad thông báo rằng hai con tin Trung Quốc có lẽ đã chết.

Bà Hoa Xuân Oánh:

“Giới thẩm quyền Pakistan đã cung cấp một số thông tin nói rằng hai công dân Trung Quốc bị bắt làm con tin có nhiều phần chắc đã bị sát hại. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về vụ này.”

Bà Hoa cho biết Bắc Kinh đang liên lạc với phía Pakistan để tìm hiểu thêm và kiểm chứng tình hình bằng tất cả mọi phương tiện có được.

Hãng tin Amaq của IS hôm 8/6 loan báo họ đã hành quyết hai con tin ở Mastung, một khu vực cách Quetta khoảng 50 km về hướng Nam.

Nhóm khủng bố có căn cứ chính ở Syria tung tin này vài giờ sau khi chính quyền Pakistan loan tin một chiến dịch quân sự quy mô đã phá hủy một địa điểm có thể trở thành bản doanh của IS trong vùng núi non gần Mastung.

Chiến dịch càn quét tại đó đã tiêu diệt 12 phần tử chủ chiến cực đoan, một người phát ngôn của quân đội Pakistan cho biết có 5 nhân viên an ninh bị thương trong vụ đụng độ này.

Ông cho biết thêm rằng địa điểm này, một hệ thống đường hầm trải dài 10 km, trước đây là sào huyệt của nhóm Lashkar-e-Jhangvi al-Alami, một tổ chức cực đoan Hồi giáo Sunni khét tiếng về các vụ tấn công đẫm máu nhắm vào nhóm thiểu số Hồi giáo Shia ở Pakistan.

Nhóm Lashkar-e-Jhangvi al-Alami trước đây trung thành với al-Qaida, nhưng các giới chức Pakistan tin rằng mới đây nhóm này đã hợp tác để giúp Nhà Nước Hồi giáo lập căn cứ ở Pakistan.

Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, gọi tắt là CPEC, gồm một hệ thống đường xá, tuyến xe lửa và nhà máy điện. Một khi hoàn tất, hành lang này sẽ nối kết vùng Tân Cương ở phía Tây Trung Quốc với Gwadar, giúp Bắc Kinh tiếp cận tuyến giao thương ngắn nhất tới Trung Đông, Châu Âu và Châu Á.

Nhưng trong khi các dự án liên quan tới CPEC được đẩy mạnh, tỉnh lỵ của Pakistan phải đối đầu với sự gia tăng các hoạt động chủ chiến và bạo lực liên quan tới phong trào ly khai.

Các giới chức Pakistan thừa nhận cái chết ghê rợn của hai công dân Trung Quốc sẽ có “tác động tâm lý” đối với các hoạt động kinh tế song phương, tuy nhiên họ khẳng định Pakistan và Trung Quốc quyết tâm tiến hành với dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, và sẽ không khuất phục trước các hành động khủng bố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG