Đường dẫn truy cập

Pakistan “thấy khó hiểu” về việc Mỹ tăng cường chỉ trích về nỗ lực chống khủng bố


Tư liệu - Một thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ (bên trái) bắt tay với một thành viên của phái đoàn Pakistan trước cuộc họp ở thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 18 tháng 1 năm 2016.
Tư liệu - Một thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ (bên trái) bắt tay với một thành viên của phái đoàn Pakistan trước cuộc họp ở thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 18 tháng 1 năm 2016.

Các nhà hoạch định chính sách và lập pháp Pakistan "thấy khó hiểu" về cách nước Mỹ tiến hành quan hệ với Islamabad trong thời gian gần đây và "quan điểm cực kỳ chống đối" xuất phát từ trong Quốc hội Hoa Kỳ về hoạt đống chống khủng bố của Pakistan cũng như những nỗ lực để thúc đẩy hòa bình ở Afghanistan.

Pakistan và Mỹ từ lâu đã có mối quan hệ không êm ả. Quan hệ gần đây đã trở nên căng thẳng vì những cáo buộc rằng các hoạt động chống khủng bố của Pakistan chỉ tập trung vào các chiến binh liên quan đến lực lượng Taliban ở Pakistan chống lại nhà nước, trong khi không động đến các khu vực liên quan đến phiến quân Afghanistan, kể cả nhóm khủng bố Haqqani.

Gần đây, Quốc hội Mỹ đã chặn việc chính quyền của ông Obama trợ cấp cho việc bán 8 chiến đấu cơ F-16 cho Pakistan, với lý do thiếu sự hợp tác trong cuộc chiến các chống mạng lưới khủng bố.

Các quan chức Pakistan đặc biệt tức giận với một phiên điều trần của Quốc hội hồi tuần trước tại Washington với chủ đề "Pakistan: bạn hay thù".

Một số nhà lập pháp và các nhân chứng trong quá trình điều trần của một tiểu ban thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đã yêu cầu Washington cắt viện trợ tài chính và quân sự cho Islamabad, cáo buộc quân đội Pakistan duy trì quan hệ với các chiến binh Taliban và Haqqani chống chính phủ Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn.

Họ thậm chí còn đề nghị phải cô lập quốc tế đối với Pakistan và tuyên bố nước này là một nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.

Tuy nhiên, các quan chức Pakistan cao cấp đã xem nhẹ cuộc điều trần của Quốc hội và nói những lời lẽ chống Pakistan là "những quan ngại vô căn cứ" của một bộ phận các nhà lập pháp Mỹ.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mohammad Nafees Zakaria khẳng định: "Cuộc điều trần được nhắc đến không mang tính chính thức và có ít người tham dự. Chính ông Ted Poe, người đứng sau ý tưởng thực hiện buổi điều trần, đã không tham dự. Ông ấy có tiếng là định kiến tiêu cực về Pakistan, vì vậy không thể trông đợi là có điều gì tích cực".

Người phát ngôn nói thêm từ góc nhìn chung của Pakistan và Mỹ hai nước là "những đối tác và các đồng minh lâu năm trong mục tiêu chung là đánh bại chủ nghĩa khủng bố" và vẫn đã hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG