Tháng trước một đảng nhỏ trong quốc hội có tên là Jamiat Ulema-e-Islam đã loan báo là họ gia nhập phe đối lập trong quốc hội và đòi Thủ tướng Yusuf Raza Gilani từ nhiệm.
Nhưng một thiệt hại chính trị lớn đã xảy ra hôm Chủ nhật khi đảng lớn thứ nhì trong liên minh cầm quyền, đảng Muttahida Quami Movement, gọi tắt là MQM, loan báo là họ cũng chấm dứt liên hiệp với chính phủ. Hành động này đã biến chính phủ của thủ tướng Gilani thành một liên minh thiểu số trong quốc hội.
Lãnh tụ đảng MQM, ông Faisal Sabzwari giải thích về quyết định ly khai với chính phủ để tham gia phe đối lập:
"Ý kiến của chúng tôi không được tin tưởng trong nhiều quyết định, cho dù là kinh tế, chính trị hay các quyết định của chính phủ, và đó là lý do tại sao chúng tôi rút ra khỏi nội các liên bang. Và giờ đây chúng tôi loan báo tham gia phe đối lập vì vụ tăng giá hàng hóa và giá dầu mới đây. "
Thủ tướng Gilani đã bác bỏ những gợi ý cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất này sẽ khiến chính phủ của ông sụp đổ. Ông đã họp với lãnh tụ của hai đảng đối lập lớn, trong đó có đảng Liên minh Hồi giáo Pakistan của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif.
Lên tiếng với các nhà báo sau các cuộc họp, thủ tướng nói rằng có sự đồng thuận giữa các chính đảng rằng hệ thống dân chủ hiện nay phải được duy trì.
Các chuyên gia pháp lý nói rằng chính quyền của Thủ tướng Gilani không gặp mấy đe doa mặc dù đã bị mất thế đa số, trừ phi các đảng đối lập áp đặt chuyện bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Cựu thẩm phán tối cao pháp viện Tariq Chaudhry nói rằng sự chia rẽ sâu đậm giữa các chính đảng đối lập có phần chắc sẽ làm nản lòng những nỗ lực muốn loại trừ thủ tướng:
"Nếu muốn loại trừ thủ tướng đương nhiệm thì họ cần phải đề nghị một vị thủ tướng khác, và tôi tin rằng điều này không thể thực hiện được vì các chính đảng đối lập rất chia rẽ, họ không thể nhất trí về một thủ tướng mà họ muốn đề cử để thay thế thủ tướng Gilani."
Paksitan phải chịu đựng cơn rối loạn chính trị trong lúc nước này phải vất vả chống đỡ với nền kinh tế èo uột và mối đe dọa khủng bố từ các nhóm tranh đấu bạo động do al-Qaida dẫn dắt.
Liên minh cầm quyền do đảng Nhân Dân Pakistan lãnh đạo trong những tuần lễ gần đây đã phải vất vả chống đỡ để giữ các đồng minh ở lại trong chính phủ liên hiệp giữa lúc ngày càng có nhiều chỉ trích về sự thất bại của chính phủ không cải thiện được các điều kiện kinh tế, không chặn được nạn tham nhũng và không ngăn được lạm phát.
Một số những người chỉ trích nói rằng các đảng ly khai có thể sử dụng cuộc khủng hoảng chính trị để chính phủ phải nhượng bộ, tuy nhiên các đại biểu đã bác những gợi ý đó.
Thời hạn tổ chức cuộc tuyển cử kế tiếp là năm 2013, và nhiều phe nhóm chính trị không ủng hộ mở bầu cử sớm giữa lúc phe tranh đấu bạo động gia tăng những vụ tấn công.
Một số các nhà phân tích chính trị và an ninh lý luận rằng không một chính đảng nào hay một liên minh nào muốn thay thế chính phủ đương quyền tại Pakistan vì những khó khăn kinh tế trầm trọng khiến quốc gia này phải lệ thuộc vào khoản cho vay 11 tỉ đô la của Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế.
Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế muốn Pakistan phải cải tổ sâu rộng nền kinh tế để tiếp tục được hưởng chương trình cho vay này.
Cũng có những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng chính trị có thể khiến Pakistan không tập trung vào nỗ lực chống khủng bố được, những nỗ lực mà Hoa Kỳ cho rằng có tính cách sinh tử cho chiến dịch quân sự của quốc tế chống các phần tử Taliban cực đoan ở nước láng giềng Afghanistan. Nhưng các chuyên gia an ninh tại Pakistan nói rằng cuộc chiến này đang do một quân đội hùng mạnh đảm nhiệm chưa bị ảnh hưởng của những diễn biến chính trị trong nước.
Đảng đương quyền tại Pakistan đang phải vất vả để giữ lấy quyền lực một ngày sau khi chính đảng lớn trong chính phủ liên hiệp ly khai, khiến cho chính phủ không còn giữ được đa số trong quốc hội. Từ Islamabad, thông tín viên Ayaz Gul tường trình rằng thủ tướng đã họp với các chính trị gia đối lập để mưu tìm phương cách để chặn trước một vụ bỏ phiếu bất tín nhiệm.