Pakistan cấm truyền thông tường thuật về Jamaat-ud-Dawa (JuD) một tổ chức từ thiện Hồi Giáo bị cáo buộc vạch kế hoạch gây nên 3 ngày khủng bố tại Mumbai thủ đô tài chánh của Ấn Độ vào năm 2008 và bị Liên hiệp quốc liệt vào danh sách những tổ chức khủng bố.
Chiều hôm qua, Thẩm quyền Điều hành Truyền thông Điện tử Pakistan (PERMA) đã đưa ra một thông cáo cấm tất cả các đài truyền hình trong nước và các đài phát thanh sóng trung bình tường thuật về 60 tổ chức đã bị chính phủ cấm hoạt động, cùng với 12 tổ chức khác được Liên hiệp quốc liệt kê vào danh sách những thực thể ủng hộ Al-Qaida và những mạng lưới khủng bố khác.
Thông báo này đặc biệt nhấn mạnh đến JuD và các chi nhánh của tổ chức, Quỹ Falah-i-Insaniat (FIF) cũng như tổ chức Lashkar-e-Taiba (LeT) đã bị cấm, và nghiêm khắc chỉ thị cho giới truyền thông không được tường thuật bất cứ sinh hoạt nào có liên hệ đến những tổ chức này, vi phạm những nghĩa vụ của các nghị quyết Liên hiệp quốc.
Thông cáo cảnh báo là “bất cứ việc quảng cáo quyên tiền nào của tổ chức bị cấm trên truyền thông điện tử cũng vi phạm các nghĩa vụ này.”
Thông cáo cho biết thêm quyết định được đưa ra theo Kế hoạch Hành động Quốc gia (NAP) để dẹp tan những tổ chức bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.
Liên hiệp quốc liệt kê Jamaat-ud-Dawa, một danh xưng khác của Lashkar-e-Tiaba là tổ chức Ấn Độ và Hoa Kỳ qui trách nhiệm cho việc lập kế hoạch tấn công Mumbai làm 166 người thiệt mạng.
Liên hiệp quốc cũng liệt kê Haliz Saeed, người đứng đầu tổ chức khủng bố LeT vào danh sách này.
Hoa Kỳ treo giải thưởng 10 triệu đô la cho những ai giết được Saeed.
Nhà cầm quyền Ấn Độ từ lâu đổ lỗi cho những chiến binh LeT hỗ trợ cho một cuộc nổi dậy của người Hồi Giáo tại vùng Kashmir đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.
Vài giờ trước thông cáo cấm truyền thông tường thuật, ông Saeed tổ chức một cuộc họp báo tại Islamabad đưa ra chi tiết về những hoạt động cứu trợ Jud đang thực hiện tại miền bắc và tây bắc Pakistan bị động đất mạnh trong tuần qua.
Ông Saeed nói với các phóng viên sau khi điều động một đoàn xe tải chở đầy phẩm vật cứu trợ và thuốc men với bích chương của tổ chức FIF “Hàng ngàn nhân viên của chúng tôi đang thực hiện các công tác cứu trợ và có đến 25 toán bác sĩ của chúng tôi đang chữa trị cho các nạn nhân trong những bệnh viện được dựng lên tạm thời tại những vùng bị động đất như Chitral, Dir và Bajaur.”
Một ngày sau trận động đất, chính phủ Pakistan loan báo là “không tổ chức bị cấm hay bị đặt ra ngoài vòng pháp luật nào được phép hoạt động cứu trợ” trong vùng bị tàn phá.
Nhưng ông Saeed khẳng định là người Pakistan đang hợp tác đầy đủ với tổ chức từ thiện của ông trong việc trao tặng hàng tỉ đô la rupee và số tiền này đang được dùng để đáp ứng với nhu cầu của những người đang cần đến tại những phần đất chưa phát triển ở Pakistan.
Từ lâu Ấn Độ đã yêu cầu Pakistan bắt ông Saeed và không cho ông có những hoạt động công cộng.
Tuy nhiên nhà cầm quyền ở Islamabad cho rằng không có chứng cứ giáo sĩ này có liên hệ đến vụ tàn sát Mumbai dù một vài thành viên của LeT đang bị xét xử tại Pakistan vì bị cáo buộc có vai trò trong vụ tấn công khủng bố.
Loan báo ngày thứ Hai được đưa ra hơn một tuần lễ sau khi Thủ tướng Nawaz Sharif đi thăm chính thức nước Mỹ và trong những cuộc họp với Tổng thống Barack Obama, vấn đề chống khủng bố và những phần tử cực đoan được đưa ra thảo luận.
Sau cuộc họp giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Sharif, một thông cáo chung được công bố cho biết “Trong bối cảnh này, Thủ tướng cam kết với Tổng thống về quyết tâm của Pakistan hoạt động một cách hữu hiệu chống lại các cá nhân và thực thể được Liên hiệp quốc liệt kê trong danh sách khủng bố, trong đó có Lashka-e-Tayyiba và các chi nhánh của tổ chức này, theo đúng những cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Pakistan.”