Đường dẫn truy cập

Phản ứng ở Pakistan trước phúc trình của LHQ về vụ ám sát bà Bhutto


Các giới chức Đảng Nhân Dân Pakistan nói bản phúc trình hậu thuẫn cho tin tưởng của họ rằng chính phủ Musharraf có trách nhiệm về cái chết của cựu Thủ Tướng Bhutto
Các giới chức Đảng Nhân Dân Pakistan nói bản phúc trình hậu thuẫn cho tin tưởng của họ rằng chính phủ Musharraf có trách nhiệm về cái chết của cựu Thủ Tướng Bhutto

Một phúc trình của Liên Hiệp Quốc mà người ta có thể đoán trước kết quả, đã quy trách nhiệm cho nhà chức trách Pakistan về những sai sót trong việc bảo vệ an ninh khiến xảy ra vụ ám sát cựu Thủ Tướng Benazir Bhutto. Thông tín viên đài VOA, Sean Maroney, từ Islamabad tường thuật về đáp ứng của dân chúng trước bản phúc trình này.

Phản ứng của người Pakistan tại Islamabad không đồng nhất sau khi Ủy Ban Điều Tra của Liên Hiệp Quốc đưa ra bản phúc trình liên quan tới vụ ám sát cựu Thủ Tướng Benazir Bhutto hơn hai năm trước đây.

Bản phúc trình vừa chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Pakistan dưới thời Tổng Thống Pervez Musharraf, cũng như chính quyền tỉnh Punjab và cảnh sát địa phương về những sai sót trong công tác an ninh mà ủy ban cho là đã dẫn tới cái chết của bà Bhutto.

Hôm Thứ Sáu, các giới chức thuộc Đảng Nhân Dân Pakistan của bà Bhutto đã ca ngợi những phát hiện trong bản phúc trình này, và nói rằng những phát hiện đó hậu thuẫn cho tin tưởng của họ rằng chính phủ Musharraf có trách nhiệm đối với cái chết của cựu Thủ Tướng Bhutto.

Phát ngôn viên của Tổng Thống Pakistan, ông Farhatullah Babar cũng nói với đài VOA rằng ông tin là phúc trình của Liên Hiệp Quốc cuối cùng đã giải quyết xong những cáo buộc rằng gia đình bà Bhutto, cụ thể là phu quân của bà, tức đương kim Tổng Thống Asif Ali Zardari có dính líu đến vụ ám sát bà.

Ông Babar nói: “Phúc trình của Liên Hiệp Quốc nói rằng, không có bằng chứng nào cả. Chỉ có những lời đồn, và những lời đồn lan truyền rộng rãi bởi vì chính quyền lúc đó đã có những nỗ lực, những toan tính, ém nhẹm các cuộc điều tra về vụ này.”

Nhưng lên tiếng trước báo chí địa phương, cựu phát ngôn viên của Tổng thống Pervez Musharraf trước đây, ông Rashid Qureshi, nói rằng không thể quy trách nhiệm cho ông Musharraf về vấn đề an ninh của bà Bhutto.

Ông cũng khẳng định rằng vào thời điểm ấy có vẻ như cả bà Bhutto lẫn những người chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho bà đều hài lòng trước điều kiện an ninh.

Ông Qureshi nói rằng, cuối cùng thì trách nhiệm là ở chính nơi người đã khuất:

“Thật hết sức không may, nhưng phải chi mà bà Bhutto không đứng lên trong chiếc xe hơi đó, thì bà đã được bảo vệ, và có lẽ giờ đây mọi chuyện đã khác.”

Ông Ishtiaq Ahmad, một Phó giáo sư khoa Quan Hệ Quốc Tế tại Trường Đại Học Quaid-i-Azam ở Islamabad nói rằng nhiệm quyền của ủy ban điều tra Liên Hiệp Quốc rất hạn hẹp với sự kiện là họ chỉ có thể xác định những tình huống trong đó bà Bhutto thiệt mạng.

Ông Ahmad nói có chăng ủy ban này chỉ có thể nêu lên câu hỏi nhiều hơn là câu trả lời:

“Ủy ban này nói rằng, thật sự thì chế độ Musharraf đã chủ ý nhúng tay để thao tác tiến trình điều tra, bằng cách nói với thế giới về nguyên nhân gây ra cái chết và thủ phạm của vụ này trong vòng 24 giờ đồng hồ. Căn bản là chế độ đó đã làm dư luận ngờ vực rằng chính họ đã nhúng tay vào sự cố vừa kể.

Theo thỏa thuận giữa Liên Hiệp Quốc và chính phủ Pakistan, nhà chức trách Pakistan có nhiệm vụ điều tra về trách nhiệm hình sự.

Cho tới nay, chính phủ chưa cho biết nhiều về những gì họ dự kiến sẽ làm với những phát hiện trong bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG