Đường dẫn truy cập

Oxfam: LHQ không bảo vệ được thường dân Syria


Cảnh tàn phá sau một vụ tấn công bằng bom thùng của lực lượng chính phủ Syria ở thành phố Aleppo
Cảnh tàn phá sau một vụ tấn công bằng bom thùng của lực lượng chính phủ Syria ở thành phố Aleppo

Hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) được thông qua năm ngoái đã không cải thiện được tình hình nhân quyền ở Syria, bảo vệ thường dân tốt hơn trước bạo lực hay đạt được tiến bộ nào hướng tới một giải pháp chính trị cho vụ khủng hoảng trong nước, theo một bản phúc trình của các cơ quan cứu trợ quốc tế công bố ngày thứ năm.

Ông Daniel Gorevan, người đứng đầu cuộc vận động nhân quyền của Oxfam International, một trong những tổ chức tham dự vào bản thẩm định vừa kể, nói: “Qua từng chỉ dấu một mà chúng tôi cứu xét, tình hình đã trở nên tồi tệ hơn.”

Các nghị quyết tập trung vào việc hối thúc tất cả các bên bảo vệ thường dân, chấm dứt những vụ tấn công bừa bải và cho phép cứu trợ nhân đạo đến được với những người cần giúp. Nhưng nhóm hơn 20 cơ quan cứu trợ này nói các biện pháp đã bị làm lơ hay gây tổn hại, để dân chúng Syria phải chịu đựng “sự tàn phá, đau khổ và chết chóc ngày càng nhiều.”

Bản phúc trình nói, “Trong khi UNSC có quyền hợp pháp yêu cầu những thay đổi này, các thành viên và đồng minh của hội đồng có thế lực chính trị ngoại giao và tài chính, và khả năng, bảo đảm những thay đổi này thực sự diễn ra, nếu không có hành động của từng chính phủ một, thì các đòi hỏi trong các nghị quyết này không có tác dụng gì hơn là những lời nói suông trên giấy tờ. Chúng không thể bị làm ngơ nữa.”

Ông Gorevan nói với đài VOA rằng không những các nghị quyết này không mang lại hiệu quả, mà các thành viên hội đồng cũng góp phần gây thiệt hại ở Syria.

Ông nói, “Các thành viên của Hội đồng Bảo an, qua một số cách nào đó, thậm chí còn gây phương hại cho chính các nghị quyết của họ. Vì thế, 90% số vũ khí đang được sử dụng ở Syria được chế tạo tại các quốc gia là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhất là Nga, là nước tiếp tục cung cấp vũ khí đạn dược cho chính phủ Syria. Ngoài ra, Hoa Kỳ, cũng gia tăng việc cung ứng vũ khí cho phe đối lập.”

Trong khi bạo động tiếp diễn, đẩy số tử vong lên tới hơn 220.000 người, lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc đóng góp để giúp 12,2 triệu người Syria cần cứu trợ khẩn cấp vẫn không được đáp ứng. Năm ngoái, Liên Hiệp Quốc cho hay chỉ nhận được 57% tài trợ cần thiết.

Trong năm 2015, cơ quan này yêu cầu 8,4 tỷ đôla trong lời kêu gọi nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay để giúp khối người tỵ nạn to lớn đã bỏ trốn khỏi Syria và những người buộc rời bỏ nhà cửa ngay trong nước. Cho đến nay, các nước thành viên mới đóng góp được 230 triệu.

Cơ quan nhân đạo Liên Hiệp Quốc cho biết hy vọng một hội nghị các nước cấp viên ở Kuwait City vào cuối tháng này sẽ đem lại những cam kết viện trợ đáng kể.

Cao uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc Antonio Gutteres nói, “Chúng tôi chỉ có một cơ hội hạn hẹp để can thiệp vào lúc này trong khi thế hệ hậu chiến đầy tiềm năng này phải đối mặt với tương lai. Bỏ rơi người tỵ nạn trong cảnh vô vọng chỉ phơi bày họ ra trước sự đau khổ, bị lạm dụng và nguy hiểm nhiều hơn nữa.”

Ngoài việc đáp ứng các nhu cầu tài trợ, bản phúc trình của các cơ quan cứu trợ còn kêu gọi thế giới, nhất là các nước giàu có, gia tăng con số người Syria tỵ nạn mà họ tái định cư.

Bản phúc trình cũng nêu bật sự thất bại không đưa ra được một sự kết thúc chính trị được thương nghị cho cuộc chiến, bất kể 2 vòng hoà đàm do Liên Hiệp Quốc đứng ra làm trung gian. Bản phúc trình nói tất cả các bên phải bắt đầu những cuộc đàm phán đầy đủ và có ý nghĩa, và cộng đồng quốc tế cần phải nhấn mạnh đến tiến trình hoà bình.

Ông Gorevan nói, “Lập luận của chúng tôi là những cá nhân chính phủ này phải dồn áp lực vào những người đang giao tranh để ngưng các vụ vi phạm, ngăn chặn các vụ đánh bom, sát hại, để cho viện trợ nhân đạo có thể đến với những người cần được sự giúp đỡ cứu vớt tính mạng.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG