Tổ chức nhân quyền Oxfam cho biết tài sản của 85 người giàu nhất thế giới bằng tài sản của phân nửa số người kém giàu hơn trong số 7 tỉ người trên thế giới.
Oxfam công bố nghiên cứu về bất bình đẳng toàn cầu hôm thứ Hai trước cuộc họp tuần này của chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.
Một đồng tác giả của báo cáo, ông Nick Galasso, cho đài VOA biết rằng tầng lớp thượng lưu giàu có dùng quyền lực chính trị của họ để có được mức thuế suất thấp hơn, che giấu tài sản ở ngoài nước, và hoặc phục vụ cho lợi ích của riêng mình.
Ông Galasso nói mức độ cao của sự bất bình đẳng gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế, làm cho việc giảm nghèo túng cùng cực thêm phần khó khăn, và dẫn đến nhiều vấn nạn xã hội như tội phạm và bệnh tật.
Oxfam nói rằng "ở một mức độ nào đó, của cải của những tỉ phú hiện chưa lúc nào trong lịch sử sánh bằng." Năm ngoái, tạp chí Forbes tính toán tài sản gộp lại của 85 người giàu nhất ở mức gần 1,7 ngàn tỉ USD.
Báo cáo không nêu danh tính của 85 cá nhân giàu nhất thế giới, nhưng trích dẫn danh sách được ngân hàng Credit Suisse và Forbes lập ra.
Oxfam cho biết chỉ riêng thu nhập bắt nguồn từ tài sản 73 tỉ USD của người giàu nhất thế giới, ông trùm viễn thông Mexico Carlos Slim, là có thể trả lương hàng năm cho 440.000 người Mexico.
Báo cáo nêu việc bỏ bớt quy định tài chính, những nơi trốn thuế và sự mập mờ về thuế, cũng như sự suy giảm dịch vụ công cộng là những ví dụ về thủ đoạn chính trị của những người giàu có. Oxfam nói tác động của những thay đổi chính sách không chỉ để tập trung của cải và ảnh hưởng chính trị vào nhóm thu nhập cao hơn mà còn để đảm bảo điều này vẫn tồn tại cho thế hệ sau.
Oxfam cho biết trong thập kỷ qua, số lượng tỉ phú ở Ấn Độ đã tăng lên mười lần trong khi ở châu Âu, những biện pháp thắt lưng buộc bụng chủ yếu ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu và tầng lớp thấp hơn. Báo cáo nói ở châu Phi, những tập đoàn toàn cầu lợi dụng ảnh hưởng chính trị của họ để tránh thuế, giảm nguồn lực của chính phủ để chống nghèo .
Oxfam đang kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các đại biểu chính phủ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới hỗ trợ các chương trình của chính phủ nhằm giúp tầng lớp thu nhập trung bình và thấp không được phục vụ đúng mức, hỗ trợ sự phát triển hệ thống tiền lương công bằng, trấn áp nạn trốn thuế và sự mập mờ về tài chính.
Ông Galasso thừa nhận giảm bất bình đẳng sẽ không là điều dễ dàng.