Hôm 27/5, trong một bài phát biểu tại một hội nghị về dầu hỏa ở North Dakota, ông Donald Trump cam kết sẽ bãi bỏ hiệp định về khí hậu đã ký ở Paris và ráo riết theo đuổi việc phát triển năng lượng hóa thạch của Hoa Kỳ.
Ông Trump công kích các lập trường về chính sách năng lượng của người dẫn đầu cuộc chạy đua bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, và phác họa những tương phản gay gắt giữa hai bên về một vấn đề có thể là một yếu tố trong cuộc tổng tuyển cử.
Ông Trump đã đưa ra các nhận định tại một tiểu bang nơi sản lượng dầu và khí đốt đã tăng vọt gấp 10 lần trong thập niên vừa qua, góp phần làm cho Hoa Kỳ trở thành nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch đứng đầu thế giới.
Theo ông Trump, sự chuyển biến đã diễn ra bất chấp “những rào cản to lớn mới về chính trị và quan liêu”. Ông nói Tổng thống Barack Obama đã “làm cho cuộc sống ở bang North Dakota, vì những luật lệ tốn kém gây khó khăn ngày càng nhiều để kiếm lời”. Và ông nói dưới chính quyền của bà Clinton, “mọi sự lại còn trở nên tệ hại hơn nữa”.
Ông Trump tuyên bố trong 100 ngày đầu tại chức, ông sẽ đảo ngược những luật lệ về khoan dầu, “bãi bỏ hiệp định Paris về khí hậu và ngưng chi trả cho mọi chương trình của Liên Hiệp Quốc về tăng nhiệt toàn cầu”.
Các nhà bảo vệ môi trường lên án bài phát biểu. Phát ngôn viên của tổ chức Cử tri thuộc Liên minh Bảo toàn Seth Stein nói: "Cơ bản ông ta nói bất cứ điều gì mà những người trong công nghiệp dầu khí muốn nghe” trong khi bất kể tác động đối với không khí, nước và khí hậu".
Theo ông Oren Cass, một học giả kỳ cựu tại Viện Manhattan và là cố vấn cho ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2012, ông Trump “thậm chí không nắm được chút nào về nội dung hiệp định Paris thực sự là gì”. Ông ủng hộ trọng điểm ông Trump đặt vào vấn đề năng lượng trong nước và giảm bớt các luật lệ, nhưng nói rằng ông Trump đã chứng tỏ một sự thất bại đáng ngại là không nắm được “các sự kiện và cách thức những việc này thực sự tác động ra sao”.
Các nhận định của ông Trump được đưa ra vào ngày ông hội đủ số phiếu đại biểu để được đảng Cộng hòa đề cử ra làm ứng viên tổng thống. Và qua việc tập trung vào chính sách năng lượng, ông Trump nhấn mạnh đến một đề tài đã không thu hút được nhiều sự chú ý trong các cuộc tranh đua sơ bộ nhưng có thể quan trọng trong cuộc tổng tuyển cử.
Ông nói: “Nếu quý vị nghĩ về một cuộc chạy đua giữa Trump và Clinton hay chắc chắn một cuộc chạy đua giữa Trump và Sanders, thì đây sẽ là một lãnh vực bất đồng nổi bật, cả trong những chi tiết về chính sách lẫn về quan điểm thế giới rộng lớn hơn và phương pháp quản trị. Đó là một yếu tố rất nhạy cảm trong một cuộc xoay trục qua tổng tuyển cử”.
Bà Clinton gọi hiệp định về khí hậu của Liên Hiệp Quốc thương nghị ở Paris hồi tháng 12 năm ngoái là một “bước tiến tới lịch sử”, và là “một bằng chứng cho khả năng lãnh đạo thế giới của nước Mỹ”. Bà đã ủng hộ một sự chuyển tiếp tách rời khỏi nhiên liệu hóa thạch hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn để có thể chống lại với tình trạng biến đổi khí hậu.
Trái hẳn với ông Trump, người đã mô tả biến đổi khí hậu là một sự “lường gạt”, bà Clinton nói tình trạng này “rõ ràng là do con người gây ra và làm cho trầm trọng thêm”.
Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy cử tri Hoa Kỳ đã thay đổi ý kiến về quan điểm của bà Clinton.
Ông Stein nói: “Có những khối đa số đồng ý rằng đây là một điều đang diễn ra và đây là một vấn đề họ muốn có biện pháp giải quyết”.
Một cuộc thăm dò mới đây của viện Gallup cho thấy 64% người dân Mỹ lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu, và một tỷ lệ kỷ lục 65% nói rằng con người chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Những người bảo thủ theo đảng Cộng hòa có ít phần chắc nhất tin rằng tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra, theo một cuộc thăm dò của hai trường đại học Yale và George Mason. Nhưng ngay cả nhóm này cũng đang thay đổi ý kiến. Những người tin vào điều này vẫn chiếm thiểu số là 47%. Nhưng con số này cao hơn 19% so với 2 năm vừa qua.
Và mặc dầu biến đổi khí hậu không phải là vấn đề hàng đầu gây quan tâm trong giới cử tri, cuộc thăm dò nhận thấy rằng chủ trương chống lại biện pháp về khí hậu không thắng được phiếu. 45% người trả lời thăm dò nói họ sẽ có ít phần chắc hơn bỏ phiếu cho một ứng viên cực lực phản đối các biện pháp giảm thiểu tăng nhiệt toàn cầu. Chỉ có 11% nói họ sẽ có nhiều phần chắc ủng hộ hơn.
Cử tri cũng đang quay ra chống lại những kỹ thuật đã khiến Hoa Kỳ trở thành nước sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới. Đó là công nghệ ép vỉa thủy lực để khai thác dầu đá phiến. Viện Gallup nhận thấy trên một nửa số người trả lời thăm dò chống đối phương pháp này, so với tỷ lệ 40% hồi năm ngoái.
Giới bảo vệ môi trường chỉ trích kỹ thuật ép vỉa thủy lực này vì nó gây ra ô nhiễm nước, rò rỉ khí mê-tan và động đất.
Nhưng các chuyên gia cho rằng sự bột phát khí đốt thiên nhiên góp phần giúp cắt giảm lượng khí thải có hiệu ứng nhà kính. Khí đốt thiên nhiên sạch hơn là than đá. Nay nó lại còn rẻ hơn than đá nữa.
Về vấn đề phá đá khai mỏ, bà Clinton đối mặt với sự chỉ trích từ cả hai phía. Trong tư cách ngoại trưởng, bà đã ủng hộ việc khai thác khí đốt thiên nhiên như một loại “nhiên liệu bắc cầu” giữa than đá và năng lượng có thể tái tạo. Nhưng bà đã rút lại sự ủng hộ cho phương pháp ấy ở Hoa Kỳ, trước sự đả kích của ông Bernie Sanders, người phản đối kỹ thuật này.
Chuyên gia Oren Cass của Viện Manhattan nói: “Vấn đề phá đá khai mỏ sẽ là một vấn đề lý thú trong cuộc tổng tuyển cử bởi vì bà Clinton đã bị ông Sanders đẩy đi khá xa về phía tả. Bà đã cố gắng tìm cách thay đổi lập trường… nhưng theo tôi sự tương phản sẽ thể hiện rất rõ ràng”.