Bất chấp lời kêu gọi xuống đường biểu tình của cựu Tổng thống Donald Trump để ‘cứu nước Mỹ’, đa số những ủng hộ viên của ông, trong đó có cử tri gốc Việt, tỏ thái độ dè dặt, thậm chí thờ ơ và cũng có những người thể hiện sự tức giận, theo tìm hiểu của VOA.
Hôm 18/3, ông Trump đã viết trên Truth Social rằng ông đã được báo tin về việc ông sẽ bị truy tố vào ngày 21/3 – vốn không xảy ra – và kêu gọi những người ủng hộ ông xuống đường phản đối để ‘lấy lại đất nước chúng ta’.
Khả năng ông Trump bị truy tố là từ công tố viên liên bang ở New York – nơi mà đại bồi thẩm đoàn đã nghe trình bày các bằng chứng trong nhiều tuần để quyết định có truy tố ông Trump hay không về việc ông đã trả 130.000 đô la cho cô đào khiêu dâm Stormy Daniels để đổi lấy sự im lặng của cô về quan hệ với ông trong lúc ông đang tranh cử tổng thống vào năm 2016.
Lo sợ bị bắt?
Theo quan sát của hãng tin Mỹ AP thì đến nay, các cử tri của ông Donald Trump ‘chủ yếu im lặng’ trước lời kêu gọi biểu tình của ông. Thậm chí những cử tri trung thành nhất của ông cũng bác bỏ việc xuống đường và xem đây là việc lãng phí thời gian hoặc một cái bẫy của cơ quan chấp pháp.
Phản ứng này đặt ra câu hỏi về việc liệu ông Trump, dù là ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua tổng thống năm 2024 và vẫn giữ được lượng cử tri hết lòng, vẫn còn có khả năng huy động những cử tri cực hữu như ông đã làm được hơn hai năm trước trong cuộc bạo loạn ngày 6/1 năm 2021 tại Điện Capitol hay không.
Câu lạc bộ Đảng viên Cộng hòa Trẻ New York đã tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ ở Hạ Manhattan, hôm 20/3. Tuy nhiên, số lượng phóng viên và người xuống đường phản đối ông Trump đông hơn người biểu tình ủng hộ Trump, theo ghi nhận của báo giới.
Một quan chức hàng đầu của đảng Cộng hòa tại New York nói ông không nghĩ sẽ có các cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ Trump.
“Sẽ có vài chục người điên rồ quen mặt, thế thôi,” vị quan chức này nói với Politico với điều kiện giấu tên để được nói thoải mái về những việc trong nội bộ đảng. “Có lẽ sẽ có nhiều người phản đối biểu tình xuống đường hơn là người biểu tình.” ông cho biết.
Trên các nền tảng mạng xã hội phi chính thống đã xuất hiện các bài đăng kích động riêng lẻ kêu gọi cầm vũ khí đối đầu với lực lượng chấp pháp tại dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida nếu họ tiến vào bắt ông Trump.
Chẳng hạn như trên trang Patriots.win, vốn trước đây là TheDonald.win và đã đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các cuộc xuống đường ngày 6/1, đã có những lời kêu gọi ‘những người yêu nước’ đình công trên toàn quốc và ‘làm xã hội ngưng lại’, tờ Politico cho biết.
Tuy nhiên, Ali Alexander, người tổ chức phong trào ‘Stop the Steal’ vốn đứng sau nhiều cuộc biểu tình thúc đẩy những tuyên bố vô căn cứ của ông Trump rằng Tổng thống Joe Biden đã ‘đánh cắp chiến thắng’ của ông, cảnh báo những ủng hộ viên ông Trump rằng họ sẽ bị ‘bỏ tù hoặc tệ hơn’ nếu họ đi biểu tình ở New York.
Alex Jones, người chuyên tung thuyết âm mưu để khuếch đại các tuyên bố gian lận bầu cử trong chương trình Infowars của ông cũng đã nói với Ali Alexander rằng cả hai sẽ không xuống đường biểu tình lần này.
“Chúng tôi ta đều có quá đủ chuyện khổ sở với chính quyền,” Alexander viết. “Không có tỷ phú nào đứng ra trả tiền cho các chi phí pháp lý của chúng tôi.”
Roger Stone, cố vấn lâu năm của ông Trump từng đã phát biểu tại các cuộc mít tinh trước cuộc bạo loạn ngày 6/1, cũng khuyên nên thận trọng.
“Nếu quý vị muốn biểu tình công khai, điều hết sức quan trọng là quý vị phải biểu tình cho ôn hòa, dân sự, trật tự và hoàn toàn hợp pháp,” ông được AP dẫn lời nói hôm 20/3 và cáo buộc một số người cánh tả muốn kích động bạo lực để đổ lỗi cho ông Trump.
“Đừng rơi vào bẫy trong bất kỳ trường hợp nào,” ông Stone nói.”
Kể từ ngày 6/1 năm 2021, khoảng 1.000 người tham gia bạo loạn đã bị bắt, nhiều người trong số đó phải dốc sạch tài sản để tranh đấu pháp lý. Họ bày tỏ hối hận và ăn năn trước tòa về hành động của mình và đã than thở về việc bị ông Trump bỏ rơi.
Thay vì biểu tình, những người ủng hộ Trump hàng đầu trên mạng đang thúc đẩy một thuyết âm mưu rằng bất kỳ việc xuống đường nào cũng có thể là ‘cái bẫy’ do cơ quan thực thi pháp luật đặt ra và việc tham gia sẽ phản tác dụng và có thể sẽ dẫn đến bị bắt bớ và bị ngồi tù.
Một kênh ủng hộ Trump trên Telegram chuyên truyền bá thuyết âm mưu QAnon, đã hỏi 212.000 thành viên rằng liệu họ có biểu tình nếu Trump bị bắt hay không. Các câu trả lời là ‘không’ áp đảo.
‘Không nên bạo loạn’
Từ bang Arizona, ông Nhất Trần, một kỹ sư về hưu từng là người ủng hộ nhiệt thành của ông Donald Trump, nói với VOA rằng ‘giờ ông không quan tâm đến những lời nói hay kêu gọi của ông Trump nữa’.
“Kêu gọi xuống đường biểu tình giống như kiểu nổi loạn vào ngày 6/1 theo tôi thấy là không nên làm vì nó làm cho xã hội Mỹ hỗn loạn hơn và kẻ thù nước ngoài sẽ cười vào mặt nước Mỹ,” ông Trần, vốn từng tự mình làm những băng rôn, biểu ngữ, cờ quạt để xuống đường ủng hộ ông Trump những năm trước, nói về lời kêu gọi của ông Trump.
Ông cho rằng lý do ông Trump đưa ra là để ‘cứu nước Mỹ’ là ‘sai hoàn toàn’.
“Cứu nước Mỹ hiện giờ là làm sao để nước Mỹ chiến thắng Nga ở Ukraine, làm sao chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, làm cho cả thế giới thán phục, ngưỡng mộ nước Mỹ chứ không phải gây ra hỗn loạn cho nước Mỹ,” ông lập luận.
Ông Nhất nói kể từ mấy năm qua khi chứng kiến những lời nói, hành động của ông Trump, ông đã ‘không còn ủng hộ ông Trump nữa’ và những rắc rối pháp lý xảy ra với ông Trump ‘không có gì bất ngờ đối’ với ông.
“Chính quyền có bắt ông ấy cũng được, không bắt cũng không sao,” ông Nhất nói. “Ông Trump phạm nhiều tội lắm chứ không phải một tội đâu.”
Theo nhận định của ông sở dĩ cho đến nay ông Trump chưa bị luật pháp sờ gáy là vì ‘chẳng lẽ một cựu tổng thống mà bị còng tay nên có một số sự miễn trừ nào đó’.
“Nếu làm thẳng thừng thì FBI sẽ cho người đến nhà ông Trump đọc trát tòa, còng tay, dẫn đi, lấy dấu vân tay, chụp hình… Ông Trump có thể kích động những người ủng hộ ông gây hỗn loạn nên chính quyền được nhiệm phải hành xử thận trọng,” ông giải thích.
Ông nói giống như cuộc bạo loạn 6/1 khi mà nhiều ủng hộ viên gốc Việt của Trump hưởng ứng lời kêu gọi của ông cầm cờ vàng xuống đường biểu tình và thậm chí tràn vào Điện Capitol, lần này nếu có xuống đường thì ‘cũng chỉ là a dua theo những người thuộc phong trào MAGA (Làm cho Nước Mỹ Vĩ đại Trở lại) mà thôi’.
Chiêu trò chơi trội?
Từ bang Virginia, một ủng hộ viên nhiệt thành khác của ông Trump là ông Tommy Lưu, một viên chức Nhà nước, nói ông ‘không tin’ vào tuyên bố của ông Trump rằng ông sẽ bị bắt và cho đây chỉ là ‘chiêu trò’ của ông Trump ‘để làm cho mọi người chú ý đến ông’.
Theo lý giải của ông thì theo lệnh bắt của công tố viên liên bang ở New York thì cảnh sát ở bang này không thể xuống bang Florida, nơi ông Trump đang cư trú, để thực thi trừ phi có lệnh bắt của Bộ Tư pháp đưa ra cho FBI.
“Ông Trump nói vậy chắc có ẩn ý gì trong đó,” ông Tommy nói với VOA. “Ông phải làm cái gì đó để thu hút sự chú ý, để làm mình nổi đình nổi đám lên thôi.”
Ông cho rằng tất cả những cáo buộc và các cuộc điều tra nhằm vào ông Trump đều là ‘do phe Dân chủ dựng lên để triệt hạ ông Trump’ và nếu ông Trump thật sự bị truy tố, bản thân ông sẽ xuống đường phản đối.
Ông nói hành động phản đối đó của ông là ‘cứu nước Mỹ’ đúng như lời kêu gọi của ông Trump. “Nước Mỹ đang bị Đảng Dân chủ kiểm soát, đang bị đe dọa và trở nên quá khủng hoảng. Họ đem bao nhiêu tỷ tiền thuế của người dân đi cứu Ukraine chứ có xây dựng nước Mỹ cái gì đâu,” ông than phiền.
Cuộc điều tra ‘trả tiền bịt miệng’ ở New York chỉ là một trong số những vụ rắc rối pháp lý mà cựu tổng thống phải đối mặt. Ngoài ra, ông còn đang bị điều tra về việc cất giữ phi pháp các tài liệu tối mật của Chính phủ ở dinh thự riêng sau khi đã rời Nhà Trắng, về vai trò trong việc kích động bạo loạn ngày 6/1, nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 và nỗ lực can thiệp nhằm sửa đổi kết quả bầu cử ở bang Georgia.
Diễn đàn