Giờ đây, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bị Hạ viện luận tội lần thứ hai, có thể bước tiếp theo của Quốc hội Mỹ sẽ là ngăn không cho ông được giữ chức vụ trong chính quyền một lần nữa.
Toàn bộ đảng viên Dân chủ tại Hạ viện và 10 đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu hôm thứ Tư 13/1 ủng hộ việc luận tội ông Trump vì ông đóng vai trò trong việc kích động cuộc bạo loạn hồi tuần trước tại Điện Capitol, tức trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ.
Về phía Thượng viện, Lãnh đạo khối đa số Mitch McConnell, (đảng Cộng hòa-bang Kentucky), đã nói riêng rằng ông chịu hết nổi ông Trump.
Nhưng chỉ riêng việc luận tội thôi sẽ không ngăn được ông Trump tìm cách nắm quyền trong tương lai. Dưới đây là một số câu hỏi và trả lời về cách Quốc hội có thể cấm ông Trump tìm cách nắm chức vụ trong chính quyền liên bang một lần nữa.
LUẬN TỘI PHẾ TRUẤT CÓ TÁC DỤNG GÌ?
Việc luận tội tại Hạ viện mở ra một phiên xét xử tại Thượng viện, ở đó, phải đạt đa số phiếu là hai phần ba mới đủ để phế truất tổng thống.
Sau khi Hạ viện luận tội ông Trump vào cuối năm 2019 vì ông có chiến dịch gây áp lực lên Ukraine, Thượng viện đã bỏ phiếu tuyên ông vô tội. Chỉ có một đảng viên Cộng hòa, ông Mitt Romney của bang Utah, đã không bỏ phiếu theo đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, lần này có thể khác. Bản thân ông McConnell hôm 13/1 cho biết ông vẫn chưa quyết định. Các đảng viên Cộng hòa khác đang tức giận. Về lý thuyết, ông Trump có lẽ sẽ kết thúc nhiệm kỳ trước khi có bất kỳ cuộc bỏ phiếu nào được thực hiện [ở Thượng viện] về việc có phế truất ông hay không. Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1. Với tương quan lực lượng ở Thượng viện hiện là 50-50, đảng Dân chủ và hai đảng viên độc lập đứng về họ sẽ cần sự ủng hộ của 17 đảng viên Cộng hòa mới đủ để phế truất ông Trump.
ÔNG TRUMP CÓ MẶC NHIÊN BỊ CẤM NẮM CHỨC VỤ NẾU ÔNG BỊ PHẾ TRUẤT?
Không. Nếu Thượng viện phế truất, các nhà lập pháp sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu riêng về việc có cấm ông nắm quyền trong tương lai hay không.
Chưa từng có tổng thống nào bị kết án tại Thượng viện và bị cách chức. Nhưng trong trường hợp các thẩm phán liên bang bị luận tội và cách chức, Thượng viện đã tiến hành cuộc bỏ phiếu thứ hai sau khi kết tội để quyết định có cấm người đó lại được nắm chức vụ liên bang hay không.
Trong cuộc bỏ phiếu thứ hai, chỉ cần có đa số thượng nghị sĩ tán thành là đủ. Nhưng cần lưu ý rằng chuyện này chưa từng xảy ra trước đây đối với một tổng thống, nên có thể sẽ có kiện tụng ra tòa án.
Một vấn đề pháp lý khác: Nhiều khả năng phiên tòa tại Thượng viện xử ông Trump sẽ không thể diễn ra trước ngày 19/1/2021, một ngày trước khi ông mãn nhiệm. Các học giả hiện còn đang tranh cãi về việc liệu một cựu tổng thống vẫn có thể phải đối mặt với một phiên tòa luận tội tại Thượng viện hay không.
CÓ PHẢI ĐÓ LÀ CÁCH DUY NHẤT CẤM ÔNG TRUMP NẮM QUYỀN?
Có lẽ là không. Trong một bài báo đăng trên Washington Post hôm 11/1, giáo sư Bruce Ackerman, trường Luật Yale; và giáo sư luật Gerard Magliocca, Đại học Indiana; cho rằng các nghị sĩ Quốc hội có một cách khác, có lẽ dễ hơn, để cấm ông Trump nắm giữ chức vụ trong chính quyền.
Họ chỉ ra Điều 3 của Tu chính án thứ 14, nhằm ngăn chặn việc nắm giữ chức vụ liên bang đối với những người bị coi là đã “tham gia nổi dậy hoặc nổi loạn” chống lại Hiến pháp.
Hai vị giáo sư viết rằng nếu cả hai viện bỏ phiếu với tỉ lệ đa số tán thành rằng ông Trump tham gia vào một hành động "nổi dậy hoặc nổi loạn", thì ông sẽ bị cấm tranh cử vào Nhà Trắng một lần nữa. Một khi quyết định như vậy được đưa ra, từng viện một của Quốc hội trong tương lai phải bỏ phiếu với tỉ lệ hai phần ba mới có thể thay đổi quyết định đó.
Bản luận tội chỉ có một điều được Hạ viện thông qua hôm 13/1 viện dẫn đúng nội dung đó của Hiến pháp và nói rằng cần phải loại trừ ông Trump khỏi việc nắm chức vụ trong tương lai.
(AP)