Đường dẫn truy cập

Ông Nhưỡng bị bắt do khinh thường công an hay coi thường pháp luật?


Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng, một quan chức thuộc quốc hội Việt Nam, hôm 15/11/2023.
Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng, một quan chức thuộc quốc hội Việt Nam, hôm 15/11/2023.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, 60 tuổi, không phải là nhân vật xa lạ với dân chúng Việt Nam.

Tin ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì là đồng phạm trong vụ án “cưỡng đoạt tài sản” xảy ra ở Thái Bình đang làm dư luận rúng động. Theo tờ Công an nhân dân (CAND) thì việc bắt ông Nhưỡng là “kết quả điều tra mở rộng” vụ án có liên quan đến Phạm Minh Cường, 37 tuổi, có biệt danh là “Cường Quắt” – một người từng có ba tiền án.

Dựa trên “tài liệu điều tra”, tờ CAND tóm tắt: Sau khi biết một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp giấy phép khai thác cát tại mỏ cát ở xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, “Cường Quắt” và đồng bọn đã tự ý xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp phải trả tiền cho nhóm của “Cường Quắt” theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại một phần cho “Cường Quắt” với giá rẻ hơn giá thị trường. Từ năm 2020 đến năm 2022, “Cường Quắt” và đồng bọn đã chiếm đoạt của các doanh nghiệp hàng tỉ đồng. Vụ án này được xác định là “đặc biệt nghiêm trọng” vì chiếm đoạt số tiền lớn, gây bức xúc trong nhân dân, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Năm ngoái, trước khi bị khởi tố vì “cưỡng đoạt tài sản” như vừa kể, “Cường Quắt” đã bị tạm giam vìcố ý gây thương tích” và “gây rối trật tự công cộng”.

Cứ như tường thuật của tờ CAND thì: Công an tỉnh Thái Bình đã tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, đặc biệt tập trung làm rõ việc tiếp tay, giúp sức cho các bị can thực hiện hành vi phạm tội để xử lý triệt để theo quy định của pháp luật (1) song có một điểm bất thường là dù thông tin khá cặn kẽ về “Cường Quắt” và các vụ án liên quan đến hoạt động phạm tội của nhân vật này nhưng tờ CAND không hề cho biết “kết quả điều tra mở rộng” đã xác định ông Nhưỡng từng làm những gì để trở thành “đồng phạm”?

***

Ông Lưu Bình Nhưỡng, 60 tuổi, không phải là nhân vật xa lạ với dân chúng Việt Nam. Ngoài chuyện chỉ xác định ông Nhưỡng là “đồng phạm” trong vụ án “cưỡng đoạt tài sản”, tờ CAND đã tóm tắt lai lịch của ông Nhưỡng: Một Tiến sĩ Luật, từng là Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật kinh tế Đại học Luật Hà Nội, có 22 năm là Giảng viên của Đại học Luật Hà Nội. Sau đó chuyển qua làm Chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự của Bộ Tư pháp, cố vấn cho Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.

Ông Nhưỡng là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14 (2016 – 2021). Năm 2018, ông Nhưỡng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm làm Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Nhưỡng “nổi tiếng vì thường đưa ra những chất vấn thẳng thắn, không ngại va chạm với lãnh đạo các bộ, các ngành, các địa phương về những vấn đề nóng của đất nước, được cử tri ủng hộ (2) nhưng không được giới thiệu tái cử ĐBQH khóa này (2021 – 2026) vì... quá tuổi.

Liệu một người với các đặc điểm như ông Nhưỡng có thể “tiếp tay, giúp sức” cho một nhân vật kiểu như “Cường Quắt”? Còn một điểm nữa cần ngẫm nghĩ là ông Nhưỡng bị bắt vì “coi thường pháp luật” hay “khinh thường công an”. Sở dĩ phải thắc mắc như thế vì ông Nhưỡng là một trong số rất ít người công khai chỉ trích công an. Có một điểm cần lưu ý là gần như không bao giờ các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam chỉ trích trực diện một ĐBQH bởi về lý thuyết ĐBQH là người “đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân”. Tuy nhiên hồi tháng 11/2018, tờ CAND đã phá lệ, công kích ông Nhưỡng với lời lẽ vốn chỉ dành cho “các phần tử thù địch, phản động”. Xin mời tham khảo bài “Tiếng nói đại biểu - sự cẩn trọng cần thiết” để tự nhận định:

Bên cạnh đại đa số các đại biểu tâm huyết, trách nhiệm và đưa ra nội dung chất vấn mang tính thuyết phục với tinh thần, thái độ xây dựng thì vẫn có những đại biểu đưa ra những nội dung không đúng sự thật, đôi khi mang tính kích động...

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo đồng bào, cử tri cả nước. Có thể thấy, qua các kỳ họp, chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng được nâng cao; bám sát các các vấn đề thực tiễn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri; cung cấp nhiều thông tin bổ ích, giải trình và chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, đồng thời đưa ra các biện pháp, giải pháp giải quyết, khắc phục…, từ đó góp phần tích cực trong phát triển đất nước, được cử tri và dư luận đồng tình, tin tưởng.

Tuy vậy, bên cạnh đại đa số các đại biểu tâm huyết, trách nhiệm và đưa ra nội dung chất vấn mang tính thuyết phục với tinh thần, thái độ xây dựng thì vẫn có những đại biểu đưa ra những nội dung không đúng sự thật, đôi khi mang tính kích động.

Điển hình là đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. Trong nhiều phát biểu, đại biểu này thường đi “quá đà”, gây “sốc” không chỉ ở nội dung chất vấn mà cả thái độ chất vấn, thậm chí nhiều phát ngôn mang tính chỉ trích thiếu căn cứ.

Tại kỳ họp Quốc hội trước, khi đề cập đến việc giải quyết vấn đề phức tạp ở Đồng Tâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã phát biểu: “Một đại đội Công an tấn công vào dân Đồng Tâm”, làm nhiều đại biểu và cử tri ngỡ ngàng, không hiểu đại biểu này nhận thức và đứng trên quan điểm nào mà tuyên bố như vậy!?.

Ngay sau đó, một đại biểu Quốc hội đã yêu cầu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phải rút lại câu nói đó, vì phát biểu của đại biểu Nhưỡng là không chính xác, phản ánh sai lệch bản chất sự việc; ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của lực lượng CAND và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Khi nói về xử lý đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã đề xuất hình thức xử lý loại tội phạm này bằng hình thức “thiến”. Một tiến sĩ luật, một đại biểu đang hoạt động ở cơ quan lập pháp lại phát biểu trái với qui định của Hiến pháp.

Quyền con người là thiêng liêng, đã được qui định trong Hiến pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tội phạm phải được xử lý theo các qui định của pháp luật hiện hành, không ai có quyền đứng trên Hiến pháp và pháp luật để xử lý tội phạm theo kiểu mọi rợ.

Dù là “thiến hóa học”- theo cách nói của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng không thể chấp nhận được vì bản chất của nó là vi phạm quyền con người, đi ngược lại với các giá trị văn minh pháp lý mà nhà nước ta đang xây dựng... Điều này cho phép người ta nghi ngờ về trình độ khoa học pháp lý của đại biểu này.

Trong một diễn đàn của Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã cho rằng tội phạm tham nhũng “đang nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật”. Chúng ta đều biết, tham nhũng là căn bệnh của quyền lực; là loại tội phạm nguy hiểm, làm mọt ruỗng bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; làm giảm sút lòng tin của nhân dân với chế độ. Đây là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị lớn, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Những kết quả đấu tranh với loại tội phạm này trong thời gian qua là không thể phủ nhận, bước đầu đã lấy lại niềm tin của nhân dân. Hệ thống tư pháp nước ta mỗi năm phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ án, trong đó có nhiều án kinh tế, tham nhũng. Điều này cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật không phải bất lực, vô tác dụng để cho tội phạm “nhảy múa”...

Ngôn ngữ, văn phong của đại biểu trình bày trên diễn đàn Quốc hội – cơ quan lập pháp, cần phải có sự chuẩn mực và nghiêm cẩn, không phải chỗ để “chơi chữ”. Sự qui chụp này, e rằng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã đi quá đà.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn mới đây, dư luận “dậy sóng” về chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khi nói các cơ quan điều tra của lực lượng Công an đã sai phạm “khủng khiếp”. Chúng tôi không bàn về những con số đó đúng hay sai, tiếp cận theo cách thức nào, bởi sự thật đã quá rõ ràng – nhất là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội – cơ quan có thẩm quyền cao nhất thẩm định các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp, đã gián tiếp bác bỏ những thông tin và nội dung của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

Vấn đề ở đây là, với những con số và cách lập luận của đại biểu này thì ngành Công an đã vi phạm pháp luật “rất nghiêm trọng” (lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng). Đây là lời chỉ trích nặng nề, trực diện với lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ lực lượng CAND. Hàng chục ngàn vụ án kinh tế, tham nhũng, hình sự, ma túy, môi trường… được điều tra, khám phá, xử lý trong năm qua là kết quả của sự mưu trí, lòng dũng cảm, vượt qua bao gian nan, khó khăn, thử thách, hi sinh công sức và cả máu xương của biết bao cán bộ, chiến sĩ vì sự bình yên của đất nước và hạnh phúc nhân dân không ai có thể phủ nhận. Điều này chẳng lẽ một đại biểu Quốc hội không hiểu?

Với phát biểu công khai của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trên diễn đàn Quốc hội được phát trực tiếp trên phương tiện truyền thông đại chúng đã làm dư luận có sự hiểu sai lệch; khơi mào cho nhiều người thiếu thông tin đầy đủ, những người bất mãn, cơ hội chính trị, những phần tử thù địch trong và ngoài nước lợi dụng bình luận, xuyên tạc, bóp méo sự việc để đả phá lực lượng Công an, chống phá nhà nước và xã hội.

Và, thật đáng buồn, thay vì bình tĩnh nhìn nhận sự việc để điều chỉnh hành vi, mới đây đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lại viết lá thư ngỏ rất dài đăng đàn trên mạng xã hội để tiếp tục tô vẽ bản thân, để bảo vệ cho những phát biểu thiếu thận trọng của mình, dạy dỗ thiên hạ và đem “nhân dân” ra để “mị”.

Tại đây, đại biểu này tiếp tục đưa câu chuyện một số sĩ quan cao cấp trong ngành Công an vi phạm pháp luật, phạm tội bị xử lý ra như một cái cớ lý giải về sự mất lòng tin của nhân dân với lực lượng CAND. Với những ai có tư duy lành mạnh và với cương vị cũng như danh xưng của mình, lẽ ra đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cần hiểu đơn giản rằng: cái xấu, cái ác có thể xuất hiện ở bất cứ ở đâu và bất cứ nơi nào.

Trong bất kỳ một tổ chức, lực lượng nào, trong đó có lực lượng Công an cũng khó tránh khỏi có những người vi phạm pháp luật, hư hỏng, vi phạm kỷ luật cần phải đấu tranh, xử lý nghiêm minh, nhưng không phải vì thế mà phê phán một chiều như một sự chi phối, sự sai khiến của cảm xúc, đố kỵ. Việc có nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp từ Trung ương, đại biểu Quốc hội, trong các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bị bắt giữ, truy tố, đưa ra xét xử trước pháp luật đã thể hiện việc đấu tranh chống tham nhũng và tội phạm là nghiêm minh, “không có vùng cấm”.

Đó cũng là thể hiện rõ ràng nhất tinh thần tấn công tội phạm đến cùng; kiên quyết làm trong sạch bộ máy; là sự dũng cảm và trong sáng. Chính điều đó mới càng làm nhân dân tin tưởng, không phải như lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng kích động.

Điều đúng đắn là không nên sử dụng quyền đại biểu và diễn đàn Quốc hội hoặc mạng xã hội để làm “ngôi sao nghị trường”; đại biểu cần nắm chắc các vấn đề dư luận quan tâm để chất vấn, tham mưu, tư vấn những giải pháp mang lại hiệu quả mà không nên “ăn theo dư luận” để nổi tiếng.

Người viết cho rằng, với thái độ cầu thị, khiêm tốn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nên có lời xin lỗi, hoặc hình thức nhận lỗi với lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ lực lượng CAND nói riêng, với đồng bào, cử tri cả nước nói chung; đồng thời mong muốn lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu cải tiến để các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng đạt hiệu quả cao, hạn chế những ý kiến gây bất ổn xã hội, qua đó đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của đồng bào, cử tri cả nước (3).

***

Cần nói thêm là dù bị ngành công an chỉ trích kịch liệt, thậm chí dọa dẫm vì có dấu hiệu tiết lộ bí mật, không những không xin lỗi, qua báo giới, ông Nhưỡng còn nhấn mạnh: Cách nhìn nhận vấn đề của tôi và ngành công an là khác nhau nên không thể lấy lý giải của Bộ Công an mà nói rằng tôi đã nghĩ sai, rồi có phát biểu sai về vấn đề này được.

Khi được hỏi về phản ứng của viên đại tá vừa là Giám đốc Công an Nghệ An, vừa là ĐBQH tại điễn đàn quốc hội đối với nhận định của ông, ông Nhưỡng nói thêm: Hôm đó tôi là người đưa ra chất vấn với các bộ trưởng, trưởng ngành nhưng không nhận được thông tin phản hồi. Đây là điều rất đáng tiếc. Việc chất vấn là quyền của đại biểu, các chủ thể phải có trách nhiệm trả lời, thậm chí là yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin để làm cho rõ. Đây không phải là tranh luận của đại biểu này với đại biểu khác, đây không phải là một phiên thảo luận. Đặc biệt là đại biểu này không được chất vấn đại biểu khác, nếu chất vấn thì chúng ta chưa hiểu về vấn đề chất vấn, các quy trình chất vấn. Tranh luận thì các đại biểu có quyền tranh luận với nhau. Còn việc chất vấn mà đại biểu lại đi trả lời thay thủ trưởng của mình, chiếm quyền của trưởng ngành thì sao? Đặc biệt, tôi đã cảnh báo, nếu là tài liệu mật thì không được phép công bố và khi nêu nội dung đó thì tôi cũng không công bố (4).

Chú thích

(1) https://cand.com.vn/Ban-tin-113/doi-tuong-lien-quan-trong-vu-ong-luu-binh-nhuong-tung-pham-toi-nhu-the-nao--i713847/

(2) https://vietnamfinance.vn/cuu-dbqh-luu-binh-nhuong-trai-long-ve-5-nam-tham-gia-chinh-truong-20180504224256067.htm

(3) https://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Tieng-noi-dai-bieu-su-can-trong-can-thiet-i498110/

(4) https://tuoitre.vn/dai-bieu-luu-binh-nhuong-so-lieu-ve-cong-an-khong-phai-toi-bia-ra-2018110610572095.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG