Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm 15/9 đã thị sát một nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu của Nga vốn đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây trong khuôn khổ chuyến thăm mà Washington và các đồng minh lo ngại có thể tăng cường sức mạnh quân đội Nga ở Ukraine và củng cố chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Kim đã thảo luận về các vấn đề quân sự, cuộc chiến ở Ukraine và tăng cường hợp tác khi họ họp thượng đỉnh hôm 13/9.
Hàn Quốc và Mỹ hôm 15/9 cho biết hợp tác quân sự giữa Bắc Triều Tiên và Nga là vi phạm các biện pháp chế tài của Liên Hiệp Quốc đối với Bình Nhưỡng, và hai nước đồng minh đảm bảo họ sẽ phải trả giá.
Ông Putin nói với các phóng viên rằng Nga ‘không vi phạm điều gì’, nhưng sẽ tiếp tục phát triển quan hệ với Triều Tiên. Phát ngôn nhân của ông cho biết không có thỏa thuận nào được ký kết trong chuyến thăm của ông Kim về các vấn đề quân sự hoặc bất kỳ chủ đề nào khác.
Ông Kim, 39 tuổi, hôm 15/9 đã đến thăm các cơ sở hàng không ở thành phố Komsomolsk-on-Amur ở vùng viễn đông, nhà máy hàng không Yuri Gagarin và nhà máy Yakovlev, vốn đều trực thuộc Tập đoàn máy máy bay Thống nhất đang bị phương Tây trừng phạt.
Tại nhà máy Gagarin, vốn cũng bị Mỹ trừng phạt, ông Kim đã thị sát các xưởng lắp ráp, nơi chiến đấu cơ đa năng Sukhoi Su-35 và máy bay chiến đấu Su-57 được sản xuất. Ông Kim được phó Thủ tướng Nga Denis Manturov hộ tống, chính phủ Nga cho biết.
Hình ảnh ông Kim, vận com-lê và đi cùng với các quan chức quân đội Triều Tiên mặc quân phục, được chiếu trên truyền hình nhà nước Nga cho thấy ông kiểm tra buồng lái một chiến đấu cơ trong khi các quan chức Nga giải thích năng lực của nó thông qua phiên dịch viên.
Sau đó, ông đã thị sát các xưởng sản xuất khoang thân và cụm cánh của chiến đấu cơ Sukhoi Superjet 100 trước khi xem Su-35 bay trình diễn. Ông gật đầu tán thành khi máy bay biểu diễn.
Nga đã phá lệ của họ để đưa tin rộng rãi về chuyến thăm và liên tục gợi ý về triển vọng hợp tác quân sự với Triều Tiên, quốc gia được thành lập vào năm 1948 với sự hậu thuẫn của Liên Xô khi đó.
Đối với ông Putin, vốn nói rằng Nga đang trong một cuộc chiến sống còn với phương Tây về Ukraine, việc ve vãn ông Kim Jong-un cho phép ông gây tổn thương cho Washington và các đồng minh châu Á của Mỹ trong khi đảm bảo nguồn cung cấp pháo binh dồi dào cho cuộc chiến ở Ukraine.
Washington cáo buộc Triều Tiên cấp vũ khí cho Nga, quốc gia có kho đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới, nhưng không rõ liệu có lô vũ khí nào đã được chuyển giao hay không.
Mỹ và Hàn Quốc dường như lo lắng trước sự trỗi dậy của tình hữu nghị giữa Moscow và Bình Nhưỡng, vốn họ lo ngại có thể cho phép Kim tiếp cận với một số tên lửa nhạy cảm và các công nghệ khác của Nga.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc kêu gọi Moscow thể hiện trách nhiệm với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi nhất trí làm việc cùng nhau để đảm bảo họ sẽ phải trả giá do vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an,” Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chang Ho-jin phát biểu trong một cuộc họp báo ở Seoul.
Bonnie Jenkins, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, đang ở thăm Seoul, cho biết Mỹ lên án hợp tác quốc phòng và chính trị giữa Bình Nhưỡng và Moscow leo thang.
“Rõ ràng các tin tức gần đây về khả năng bán vũ khí giữa Triều Tiên và Nga là đáng lo ngại. Bất kỳ việc chuyển giao vũ khí nào như vậy sẽ là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,” bà nói.
Diễn đàn