Đường dẫn truy cập

Ông Elie Wiesel, nạn nhân Holocaust và khôi nguyên Nobel Hòa bình, qua đời


Ảnh tư liệu - Ông Elie Wiesel tại văn phòng ở New York, ngày 12 tháng 9 năm 2012.
Ảnh tư liệu - Ông Elie Wiesel tại văn phòng ở New York, ngày 12 tháng 9 năm 2012.

Ông Elie Wiesel, nạn nhân sống sót trong địa ngục trại tử thần Đức Quốc xã, vừa qua đời hôm thứ Bảy, thọ 87 tuổi.

Những lời ca ngợi từ nhiều nơi trên thế giới gửi đến vinh danh nạn nhân Holocaust, tức cuộc đại thảm sát người Do Thái trong Thế chiến thứ II, và là khôi nguyên giải Nobel Hòa bình.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon hôm Chủ nhật nói: “Thế giới mất đi một trong những chứng nhân quan trọng, và một trong những nhà tranh đấu hùng hồn nhất cho sự dung chấp và hòa bình.” Ông nói thêm rằng “Ông Wiesel đã biến nỗi ác mộng thời niên thiếu của ông thành một cuộc vận động cả đời ông cho hòa bình và bình đẳng trên toàn cầu.”

Ông Wiesel là một Sứ giả Hòa bình của Liên hiệp quốc từ năm 1998. Tổng thư ký Ban nói ông Wiesel kêu gọi phải luôn đề cao cảnh giác trong cuộc chiến chống bài trừ người Do Thái và các hình thức thù hận thù khác.

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, bà Samantha Power nói: “Ông Elie Wiesel qua đời, thế giới mất đi một người tài giỏi và vĩ đại; những người đấu tranh chống bất công mất đi một nguồn động viên mỗi ngày…”

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Bảy gọi ông Wiesel là một người bạn thân thiết, “một tiếng nói của phẩm hạnh cao quý nhất trong thời đại của chúng ta.”

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi rằng ông Wiesel “phản ánh chiến thắng của tinh thần nhân loại đánh bại sự tàn ác và quỷ dữ.”

Ông Wiesel, sinh quán Romania, bị đày đến trại diệt chủng khét tiếng Auschwitz năm 1944 cùng với đa số người thân thuộc trong gia đình của ông.

Cha mẹ và chị gái của ông bị sát hại. Ông thoát chết trong sự tàn bạo của Đức Quốc xã, và sau đó hành nghề ký giả.

Một nhà văn Pháp thuyết phục ông kể lại chuyện vụ đại thảm sát Holocaust, và cuốn hồi ký Night của ông được xuất bản năm 1958.

Cuốn hồi ký bán được hàng triệu bản bằng 30 ngôn ngữ và là cuốn sách được nhiều trường học trên thế giới yêu cầu học sinh phải đọc và là tài liệu dành cho bất cứ ai muốn tìm hiều về những năm tháng đen tối nhất trong lịch sử của nhân loại.

Ông Wiesel còn viết thêm những hồi ký khác về Holocaust cùng với các tác phẩm về những chuyện có thực và hư cấu.

Năm 1978, Tổng thống Jimmy Carter mời ông Wiesel làm lãnh đạo Ủy ban của Tổng thống về Holocaust, tổ chức đã đưa đến thành lập Bảo tàng viện Holocaust ở Washington.

Phát ngôn của ông Wiesel được chạm khắc bên ngoài tòa nhà để nêu lên mục đích của bảo tàng viện của hành động vô nhân đạo – “cho những người đã mất và những người đang sống, chúng tôi làm chứng.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG