Trong những tuần lễ gần đây, sau khi đổ đầy một bình xăng, những người lái xe sẽ thấy giá tiền tăng hơn trước nhiều, và đó cũng là lúc mà giới tiêu thụ bình thường cảm nhận được ảnh hưởng của giá dầu thô tăng.
Hầu hết mọi người đều không vui trước tình hình này.
Một cô sinh viên đại học than phiền rằng cô phải lái xe 45 phút mới đến trường, nên giá xăng leo thang quả là tai hại cho cô.
Nhiều người đang cố gắng thích ứng bằng cách ít lái xe hơn hoặc lái những chiếc xe tiêu thụ ít xăng nếu họ có thể chọn lựa được như thế.
Một ông phải lái xe đi làm cho biết: ”Tôi làm khá xa nhà, vì vậy tôi lái chiếc xe nhỏ để đi làm, chiếc Ford Fusion, nên ít tốn xăng hơn.”
Hầu hết dân chúng Mỹ phản ứng bình tĩnh trước tình hình giá xăng dầu tăng cao, một phần vì nó chưa đến như mức tăng như năm 2008, khi dầu lên đến 147 đô la một thùng.
Ngay cả khi giá dầu tăng cao hơn nữa thì nó cũng không có mấy ảnh hưởng đến mức tiêu thụ năng lượng của người Mỹ.
Theo ý kiến của ông Mahmoid El-Gamal, trưởng phân khoa Kinh Tế của đại học Rice. thì "phải mất một thời gian thật lâu sau khi xăng tăng giá rồi mọi người mới thay đổi lối sống, và để cho các thành phố thiết kế cơ cấu sao cho thích hợp với những lối sống mới đó."
Cái khó là hầu hết các thành phố ở nước Mỹ, như Houston chẳng hạn, trải rộng khắp một khu vực mênh mông và cư dân từ những khu ngoại ô rất xa lái xe vào thành phố làm việc hay đến trường.
Trưởng khoa kinh tế của đại học Rice cho biết tiếp:
”Chúng tôi đang nhận thấy khuynh hướng sống tập trung về nơi đô thị đang lên, đảo ngược lại chiều hướng dọn ra ngoại ô sinh sống có từ mấy chục năm qua. Nhưng chuyện này diễn ra rất chậm."
Cái nguyên nhân trước mắt làm giá dầu tăng vọt là do tình hình bất ổn tại Libya và các quốc gia khác sản xuất dầu tại Trung Đông.
Cũng theo giáo sư El-Gamal, bất cứ sự gián đoạn nào, ở bất cứ đâu, cũg có ảnh hưởng đến giá dầu trên khắp thế giới. Ông giải thích:
“Thực sự Hoa Kỳ không nhập khẩu nhiều dầu từ Trung Đông; hầu hết Hoa Kỳ nhập khẩu từ Canada. Nhưng dù vậy, vì nó là một thị trường toàn cầu, nên tổng số mức cung cầu sẽ quyết định giá cả."
Điều khiến giáo sư El-Gamal lo ngại nhất không phải là tình hình bất ổn hiện nay tại Libya, mà là tranh chấp tại Bahrain, tọa lạc ngay gần những hải lộ chở dầu của vùng vịnh Ba Tư. Ông giải thích tiếp:
"Nếu lượng dầu cung cấp từ vùng vịnh Ba Tư bị gián đoạn thì thật là một thảm họa. Lúc đó thì giá dầu không phải là 120 đô la nữa mà là 300 đô la một thùng."
Mặc dù những bang như Texas vẫn sản xuất dầu, lượng dầu sản xuất nội địa chẳng thấm gì với nhu cầu. Hoa Kỳ vẫn phải nhập khẩu đến 2/3 lượng dầu tiêu thụ.
Điều này có nghĩa là cái giá mà chúng ta phải trả khi đi bơm xăng vào xe phản ánh những chuyện như đồng đô la xuống giá (vì đô la là đơn vị tiền tệ được dùng để định gia dầu), mức tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ, và nó còn là một dấu hiệu nhẹ về sự gián đoạn nguồn cung cấp từ một khu vực nhiều dầu nhất trên thế giới.
Những biến động tại Trung Đông và Bắc Phi trong mấy tháng qua đã đẩy giá dầu trên thị trường thế giới lên trên 100 đô la một thùng, khiến giá dầu ở Mỹ tăng mạnh, gây khó khăn cho ngân quĩ gia đình và công việc doanh thương. Nhưng theo thông tín viên Greg Flakus từ Houston, bang Texas, tường trình thì dân chúng tại đây, vào lúc này, đang bình tĩnh khắc phục.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1