Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố trong khi ông bước vào 2 năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống và trong tình hình kinh tế vững mạnh hơn so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi ông lên nhậm chức năm 2009, ông có khả năng tập trung vào điều ông gọi là “các dự án dài hạn về các vấn đề quốc nội và đối ngoại”. Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh công cộng toàn quốc, ông Obama cũng nói ông không loại trừ khả năng cải thiện bang giao với Iran, và viện dẫn Myanmar và Tunisia là các ví dụ điền hình trong đó dân chủ có cơ hội thăng tiến. Thông tín viên Victor Beattie ghi nhận thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Trong các nhận định đưa ra cho đài phát thanh công cộng NPR hôm qua, ông Obama nói các quyết định hành pháp của ông trong những tuần lễ vừa qua về di trú và Cuba là kết quả của nhiều năm làm việc. Ông nói ông đã dự báo năm 2014 là một năm khai thông và, sau 6 năm tại chức và một nền kinh tế đang cải thiện, cuối cùng ông đã có cơ hội đối phó với một số vấn đề gai góc.
“Song, đến cuối năm 2014, tôi có thể nhìn lại và nói rằng chúng ta ở vị thế tốt hôm nay như chúng ta đã có hồi gần đây về mặt kinh tế, rằng giới lãnh đạo Mỹ được cần đến nhiều hơn bao giờ hết trên khắp thế giới và Mỹ đang giải phóng trong ý ngh4ia là rất nhiều việc chúng ta đã làm nay bắt đầu đem lại kết quả. Và nói đem lại cho tôi một cơ hội để bắt đầu tập trung vào một số thách thức khó khăn khác mà tôi đã không có thời giờ hay khả năng để tính tới vào thời gian đầu nhiệm kỳ của tôi.”
Ông Obama nói nay ông muốn tập trung vào các “dự án dài hạn,” như bảo đảm rằng mọi người dân Mỹ đều được hưởng lợi ích của một nền kinh tế tốt hơn, và trên mặt trận quốc tế…
“…Ngay cả trong khi chúng ta xử lý ISIL và tìm cách đẩy lui và cuối cùng đánh bại bọn chúng, ngay trong khi chúng ta đã tiến hành việc rút bớt quân số ở Afghanistan một cách có trách nhiệm, những quyết định như sáng kiến ngoại giao Cuba là những quyết định tôi muốn đoan chắc tôi tiếp tục theo đuổi một phần bởi vì, nói thẳng ra, công việc dễ dàng hơn vào lúc một tổng thống ở cuối nhiệm kỳ thay vì mới bước vào nhiệm kỳ.”
Khi được hỏi liệu ông có dự kiến mở một đại sứ quán ở Tehran trong khi phục hồi quan hệ ngoại giao với Cuba hay không, ông Obama nói hai nước khác nhau. Theo ông, sau 50 năm theo đuổi cùng một chính sách, đã đến lúc thay đổi đối với một nước nhỏ xíu không đề ra một mối đe doạ đáng kể. Ông gọi Iran là một nước lớn, phức tạp với một lịch sử là quốc gia bảo trợ cho khủng bố thù nghịch với Israel và tìm cách khai triển một vũ khí hạt nhân.
Ông nói cải thiện quan hệ với Tehran sẽ dựa vào một thoả thuận hạt nhân có thể kiểm chứng được. Ông nói với thời gian, các biện pháp chế tài có thể được bãi bỏ, Iran có thể hoà nhập với cộng đồng quốc tế và sẽ có tác dụng là cơ sở cho việc cải thiện bang giao.
Hoa Kỳ đã không có quan hệ ngoại giao với Iran từ năm 1980, sau khi các nhà hoạt động của Iran chiếm đại sứ quán Hoa Kỳ và bắt nhân viên làm con tin. Hoa Kỳ và 5 quốc gia khác là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức đã thương nghị về một chương trình hạt nhân dân dụng, hòa bình của Iran. Iran lâu nay vẫn phủ nhận rằng chương trình của họ có mục đích quân sự.
Bất chấp một thỏa thuận tạm thời hồi tháng 11 năm 2013, hai bên đã không đạt được một thoả thuận toàn diện và đã gia hạn các cuộc đàm phán qua tới sang năm với một kỳ hạn mới định là cuối tháng 6.
Về việc thăng tiến dân chủ, nhân quyền, quản trị tốt và pháp trị, ông Obama nêu ra trường hợp Myanmar, tức Miến Điện, và Tunisia nơi các cuộc chuyển biến dường như đang diễn ra. Ông nói đây là những nước mà Hoa Kỳ có thể vận dụng cơ hội và làm mọi thứ để giúp đỡ.
Nhưng khi nói về việc xây dựng quốc gia ở Libya, Syria và Iraq, ông Obama gọi đó là “các dự án thế hệ” mà Hoa Kỳ có thể trợ giúp, nhưng không thể làm thay cho họ.
Về vấn đề Nga và các hành động của nước này ở Ukraine, Tổng thống Hoa Kỳ nói áp lực của các biện pháp chế tài liên tục đang làm cho nền kinh tế của Nga đủ yếu thế và ngày càng khó xử lý hơn.
Tổng thống Obama cũng nói sau những vụ xung đột gây tốn kém nhiều ở Afghanistan và Iraq, ông muốn tập trung các nguồn lực của Hoa Kỳ trong nước để tái thiết các trường học, đường sá, khoa học và nghiên cứu cơ bản.