Khi ra tranh cử năm 2008, ông Obama đã đi thăm Puerto Rico, một phần đất của Hoa Kỳ mà người dân có một đại diện không có quyền biểu quyết tại Quốc Hội Hoa Kỳ, nhưng vẫn chưa có quyền đi bầu trong một cuộc tổng tuyển cử.
Ông Obama đã hứa sẽ trở lại Puerto Rico nếu được bầu làm tổng thống. Chuyến ghé thăm ngày hôm nay chỉ kéo dài có 5 tiếng đồng hồ, và trong khi thực hiện lời cam kết đó, nó còn mang nhiều ý nghĩa đối với chính sự năm bầu cử 2012 trong khi ông Obama tiếp tục cố gắng tiếp xúc với khối cử tri gốc châu Mỹ Latinh ngày càng lớn mạnh.
Puerto Rico được Tây Ban Nha nhượng lại cho Hoa Kỳ vào năm 1898 sau cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha. Hòn đảo này bầu ra thống đốc riêng và gửi đại biểu đến tất cả các đại hội đề cử ứng viên của các đảng lớn tại Hoa Kỳ. Quy chế tiểu bang vẫn từng là một đề tài chính trị sôi nổi. Một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này dự trù sẽ diễn ra trước cuối năm tới.
Ông Obama sẽ đến Puerto Rico từ Miami, sau khi phát biểu tại các buổi gây quỹ cho đảng Dân chủ ở đó. Ông sẽ đưa ra các nhận định ngắn gọn tại phi trường ở San Juan, rồi đến dinh Thống đốc lịch sử để hội đàm với Thống đốc Luis Fortuno của Puerto Rico.
Trong cuộc phỏng vấn với đài VOA, Thống đốc Fortuno cho rằng thực là điều rất lạ khi không có một vị tổng thống nào của Hoa Kỳ chính thức đến thăm Puerto Rico trong 50 năm. Ông nói chuyến thăm của ông Obama phản ánh một thực tế mới trong chính sự Mỹ – đó là ảnh hưởng của cử tri gốc châu Mỹ Latinh.
Ông Fortuno nói: “Chúng tôi ở gần lục địa Mỹ đến độ nhiều khi lấy làm kinh ngạc hết sức khi muốn tìm ra nguyên do của sự kiện ấy. Vậy tại sao điều đó lại xảy ra vào lúc này? Rõ ràng mọi người đều thấy rằng cộng đồng gốc Tây Ban Nha đã lấn sân, về mặt chính trị cũng như các mặt khác, và tôi rất mừng là sự kiện này xảy ra trong thời gian tôi đang nắm quyền.”
Là một đảng viên Cộng hòa có các ý kiến rất mạnh về quy chế tiểu bang, Thống đốc Fortuno cho rằng chuyến thăm sẽ giúp ông Obama hiểu rõ các vấn đề có liên quan đến người dân Puerto Rico, nhất là sự cần thiết phải tạo công ăn việc làm, và tác động của nạn buôn lậu ma túy ngày càng tệ hại trong vùng Caribê có ảnh hưởng đến hòn đảo này.
Puerto Rico nhận được khoảng 7 tỷ đôla trong chương trình kích hoạt kinh tế của chính quyền Obama. Hòn đảo này có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 16 phần trăm, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình toàn quốc Hoa Kỳ.
Hồi đầu năm nay, ông Obama và Quốc hội Hoa Kỳ đã nhận được một báo cáo của Lực lượng Đặc nhiệm của Tổng thống về Quy chế cho Puerto Rico. Trọng điểm của lực lượng đặc nhiệm này đã được mở rộng theo lệnh của tổng thống bao gồm cả các vấn đề kinh tế, như công ăn việc làm, giáo dục, y tế và năng lượng sạch. Bà Cecilia Munoz là đồng chủ tịch của ủy ban này.
Bà Munoz nói: “Có lý do khiến tổng thống yêu cầu lực lượng đặc nhiệm đặc biệt mở rộng sứ mạng để cứu xét các điều kiện về kinh tế. Điều ấy có nghĩa là yêu cầu mọi cơ quan cấp nội các tập trung chú trọng vào tình hình của Puerto Rico, tình hình dân chúng và tham gia vào công tác có ý nghĩa là thúc đẩy mọi chuyện đi tới.”
Thống đốc Fortuno nói chương trình kích hoạt kinh tế đã có hiệu quả trong một số lãnh vực này nhiều hơn so với các lãnh vực khác, với những tiến bộ về tạo công ăn việc làm và các tiến bộ khác, nhưng phải mất nhiều thời giờ để đi đến mục tiêu.
Trong cuộc phỏng vấn với đài VOA, vị thống đốc này đã bàn về vấn đề tình trạng chính trị và cuộc trưng cầu dân ý dự trù vào năm tới.
Ông Fortuno nói: “Quả bóng đã nằm bên sân của chúng tôi, và trước cuối tháng chạp năm 2012 chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý kiến ở địa phương và giả sử chúng tôi có được một sự ủy nhiệm rõ ràng bằng cách này hay cách khác, chúng tôi sẽ trở về Washington và có cơ hội yêu cầu cả Quốc Hội lẫn Tòa Bạch Oác có quyết định dựa trên sự ủy nhiệm đó.”
Trước khi kết thúc chuyến thăm ngắn ngủi ở Puerto Rico, Tổng thống Obama sẽ dự một buổi họp mặt của đảng Dân chủ. Sự kiện này phản ánh tầm quan trọng mà ông và các cố vấn của ông đặt vào việc duy trì sự ủng hộ ở đó, và trong số những người dân Puerto Rico đang sinh sống ở lục địa Mỹ, và các đóng góp có thể có được cho cuộc vận động tranh cử năm 2012 của ông.
Đối với tổng thống và các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, thu phục cử tri gốc châu Mỹ Latinh đã trở thành quan trọng hơn nữa bởi vì tỷ lệ dân chúng ở Hoa Kỳ gốc Latinh đã gia tăng – nay lên đến hơn 16%, và người gốc châu Mỹ Latinh thực thi quyền hạn ngày càng nhiều để xác định những người thắng trong các cuộc bầu cử cấp địa phương, cấp tiểu bang và toàn quốc.
Tổng thống Barack Obama đến khối thịnh vượng chung Puerto Rico hôm nay, thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên của một đương kim tổng thống Hoa Kỳ đến đây kể từ khi tổng thống John F. Kennedy đến đó vào năm 1961. Tuy ngắn ngủi, chuyến thăm đến lãnh địa này có ý nghĩa quan trọng đối với dân chúng Puerto Rico, và đối với các ngụ ý chính trị của cuộc tranh cử tổng thống năm 2012. Thông tín viên VOA Dan Robinson tại Tòa Bạch Ốc ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1