Đường dẫn truy cập

TT Obama: Iran phải đóng băng hoạt động hạt nhân ít nhất 10 năm


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters tại Washington, ngày 2/3/2015. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Iran phải đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân trong vòng ít nhất là 10 năm thì một hiệp định thành công mới có thể đạt được.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters tại Washington, ngày 2/3/2015. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Iran phải đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân trong vòng ít nhất là 10 năm thì một hiệp định thành công mới có thể đạt được.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng Iran phải đóng băng hoạt động hạt nhân nhạy cảm trong vòng ít nhất là một thập niên để có được một hiệp định thành công. Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Reuters, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cũng thừa nhận là cơ hội để đạt được một thỏa thuận như vậy chưa tới 50%. Thông tín viên VOA Aru Pande tường trình từ Tòa Bạch Ốc.

Tổng thống Obama đề cập tới cuộc thương thuyết nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran, một ngày trước khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trình bày những nhận định của ông về vấn đề này trước Quốc hội Mỹ.

Hôm thứ hai, Tổng thống Obama nói với hãng tin Reuters rằng cách tốt nhất để đoan chắc Iran không thủ đắc vũ khí hạt nhân không phải là áp đặt thêm những biện pháp chế tài hay sử dụng sức mạnh quân sự – mà là thông qua những hoạt động ngoại giao.

"Những gì mà chúng tôi đã nói ngay từ lúc khởi đầu là qua việc tổ chức một chế độ chế tài mạnh mẽ, những gì mà chúng tôi có thể làm để đưa Iran tới bàn thương nghị. Và qua việc đưa Iran tới bàn thương nghị, buộc họ phải có một cuộc điều đình nghiêm túc trong đó chúng ta có thể nhìn thấy một cách chính xác những gì đang xảy ra bên trong Iran."

Theo các chuyên gia, một năm là khoảng thời gian mà Iran cần có để chế tạo một quả bom hạt nhân, nếu họ quyết định làm như vậy.

Tổng thống Obama nói rằng khoảng thời gian một năm này sẽ giúp cho các giám sát viên quốc tế có cơ hội để phát giác những sự vi phạm và có thể ngăn chận Iran thông qua hành động quân sự.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Iran phải đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân trong vòng ít nhất là 10 năm thì một hiệp định thành công mới có thể đạt được.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, theo dự liệu, sẽ nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng thỏa hiệp hạt nhân với Iran sẽ đe dọa tới sự sống còn của Israel.

Việc ông Netanyahu quyết định phát biểu trước Quốc hội Mỹ đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội của nhiều người, trong đó có các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ. Những người này nghĩ rằng nhà lãnh đạo Israel đang đi sau lưng Tổng thống Obama để gây phương hại cho cuộc đàm phán đang tiếp diễn.

Hôm thứ hai, Tổng thống Obama tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của sự xích mích có thể có với ông Netanyahu. Ông nêu lên sự kiện là chính phủ do ông lãnh đạo đã dành cho Israel sự hỗ trợ quân sự ở mức cao chưa từng có từ trước tới nay.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama cũng nói rằng ông Netanyahu đã sai khi quyết định phát biểu trước Quốc hội Mỹ chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử ở Israel. Ông cho rằng việc này chính trị hóa mối quan hệ Mỹ-Israel, và tuy không gây ra những thiệt hại lâu dài, việc này làm giảm đi sự chú tâm đối với mục tiêu là ngăn không cho Iran có vũ khí hạt nhân.

"Khi chúng tôi lần đầu tiên loan báo thỏa thuận tạm thời này, Thủ tướng Netanyahu đã đưa ra đủ thứ nhận định. Nào là đây là một thỏa hiệp vô cùng tệ hại. Nào là thỏa hiệp này giúp cho Iran có những lợi ích kinh tế trị giá 50 tỉ đô la. Nào là Iran sẽ không tuân thủ hiệp định. Tất cả những thứ đó đều không đúng. Và thực tế là trong khoảng thời gian này chúng ta không thấy Iran có được tiến bộ nào trong chương trình của họ. Trong nhiều cách thức khác nhau, họ đã giảm thiểu các thành phần trong chương trình của họ."

Về phần mình, ông Netanyahu nói rằng quan hệ Mỹ-Israel sẽ vượt qua sự bất đồng hiện nay và sẽ trở nên vững mạnh hơn nữa. Ông phát biểu như sau hôm thứ hai tại hội nghị ở Washington của AIPAC, một tổ chức vận động hành lang thân Israel.

"Diễn văn của tôi không nhắm tới việc bày tỏ sự bất kính đối với Tổng thống Obama hay chức vụ cao quí mà ông ấy đang nắm giữ. Tôi vô cùng quí trọng cả hai. Tôi cảm kích sâu sắc về tất cả những gì mà Tổng thống Obama đã làm cho Israel, hợp tác an ninh, chia sẻ tình báo, hậu thuẫn tại Liên hiệp quốc và nhiều thứ khác nữa."

Các nhà phân tích cho rằng sự bất đồng này không mang tính chất cá nhân hay xu hướng chính trị đảng phái, mà phát xuất từ vấn đề chính sách. Họ nói rằng Tổng thống Obama và Thủ tướng Netanyahu có những sự khác biệt có tính chất cơ bản về vấn đề điều gì là tốt nhất cho an ninh quốc gia của nước mình, và trong trường hợp này, cách nào là cách tốt nhất để ngăn không cho Iran có vũ khí hạt nhân.

VOA Express

XS
SM
MD
LG