Tuy trọng tâm của cuộc họp tại Phòng Bầu Dục là nỗ lực hòa bình giữa Israel và Palestine, nhưng những biện pháp của cộng đồng quốc tế nhằm tạo sức ép để Iran thay đổi hướng đi của chương trình hạt nhân của họ cũng nằm cao trong nghị trình thảo luận.
Tổng thống Obama cho rằng những biện pháp chế tài của Liên hiệp quốc là những biện pháp cứng rắn nhất từ trước tới nay nhắm vào chính phủ Iran. Ông cũng đề cập tới những biện pháp chế tài đơn phương mới của Hoa Kỳ nhắm vào nhu cầu xăng dầu và khu vực năng lượng của Iran mà ông đã ký thành luật.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ cho biết ông hy vọng rằng các biện pháp vừa kể -- cùng với những hành động tương tự, dự kiến sẽ được thực hiện trong thời gian tới đây, sẽ thuyết phục giới lãnh đạo Iran thay đổi đường lối. Tổng thống Obama nói:
“Các nước khác đang nối gót, và chúng tôi tiếp tục tạo áp lực để Iran tuân hành những nghĩa vụ quốc tế của mình và chấm dứt những hành vi khiêu khích - những hành vi đã khiến Iran trở thành một mối đe dọa cho các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.”
Về phần mình, nhà lãnh đạo Israel mô tả việc Iran có vũ khí hạt nhân là mối đe dọa lớn nhất và hối thúc các nước khác áp dụng những biện pháp chế tài nghiêm khắc nhắm vào khu vực năng lượng của Iran.
Khi được hỏi là những biện pháp chế tài mới của Liên hiệp quốc có làm cho Iran từ bỏ tham vọng hạt nhân hay không, thủ tướng Netanyahu đã trả lời như sau:
“Những biện pháp chế tài mới nhất của Liên hiệp quốc đã làm cho chương trình hạt nhân của Iran trở thành một chương trình bất hợp pháp và đó là một điều quan trọng. Tôi nghĩ rằng các biện pháp chế tài mà Tổng thống Obama đã ký thành luật hồi gần đây là có tác dụng thật sự. Vấn đề chúng ta muốn có tác dụng tới mức nào là vấn đề mà tôi không thể giải đáp vào lúc này. Nhưng nếu các nước khác thực hiện những biện pháp chế tài tương tự thì điều đó sẽ làm gia tăng hiệu quả.”
Một kết quả khác của cuộc hội đàm tại Tòa Bạch Ốc là Hoa Kỳ tái khẳng định sự hậu thuẫn mạnh mẽ cho nhu cầu an ninh của Israel.
Tổng thống Obama cho biết ông và Thủ tướng Netanyahu đã thảo luận về điều mà ông gọi là những vấn đề phát sinh từ một hội nghị quốc tế hồi đầu năm nay để duyệt xét Hiệp định Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.
Phát biểu trước báo giới tại Tòa Bạch Ốc, ông Obama nói rằng ông đã bảo đảm với Thủ tướng Netanyahu là không có sự thay đổi nào trong chính sách của Hoa Kỳ và Washington vẫn duy trì cam kết của mình đối với an ninh của Israel. Nhà lãnh đạo Mỹ nói:
“Vì vấn đề kích thước, lịch sử, vị trí địa dư và những mối đe dọa mà Israel phải đối mặt, nước này có những nhu cầu đặc thù về an ninh. Họ phải có khả năng để ứng phó với những mối đe dọa hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của những mối đe dọa trong khu vực. Và đó chính là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục giữ vững cam kết của mình đối với an ninh của Israel, và nước Mỹ sẽ không bao giờ đòi Israel làm bất cứ điều gì có thể thương tổn tới những lợi ích an ninh của họ.”
Iran lâu nay vẫn nhất mực cho rằng chương trình hạt nhân của họ phục vụ cho những mục tiêu hòa bình và bác bỏ tố cáo cho rằng hoạt động tinh luyện uranium của họ là để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Israel diễn ra trong lúc Iran gởi một văn thư cho Liên hiệp Âu châu, trong đó nói rằng Tehran sẵn lòng mở lại cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của họ vào tháng 9.
Mặc dù vậy, lá thư này cũng lập lại những điều kiện mà Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã đặt ra, bao gồm một đòi hỏi là các nước tham gia đàm phán không được có thái độ thù địch hay đối đầu trong cuộc thương thuyết và phải nói rõ là họ có chống đối kho vũ khí hạt nhân mà nhiều người nghi là Israel đang có hay không.
Hôm qua, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Washington sẵn sàng nhóm họp với Iran, nếu nước này thật sự nghiêm túc về việc thương thuyết với các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Trong cuộc thảo luận về nhiều vấn đề tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ ba, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bàn về điều mà hai ông gọi là mối đe dọa phát sinh từ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân của Iran. Theo tường thuật của thông tín viên Dan Robinson của đài VOA từ Tòa Bạch Ốc, nhà lãnh đạo Israel cho rằng những biện pháp chế tài mới của Liên hiệp quốc làm cho chương trình hạt nhân của Iran trở thành một chương trình bất hợp pháp.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1