Đường dẫn truy cập

TT Obama dự cuộc hội thảo về chủng tộc, bạo lực cảnh sát và súng ống


Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay những người tham dự cuộc hội thảo ở Washington, 14/7/2016.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay những người tham dự cuộc hội thảo ở Washington, 14/7/2016.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói đất nước trông đợi quá nhiều vào cảnh sát, kể cả việc giải đáp những vấn đề của xã hội. Ông đưa ra nhận định tối qua tại một cuộc hội thảo tại một nhà hát ở thủ đô để thảo luận về làn sóng căng thẳng mới đây có liên quan đến vấn đề chủng tộc và bạo lực cảnh sát đã trở thành một điểm quyết định trong nhiệm kỳ của ông.

Ông Obama bị đối đầu mãnh liệt về những vấn đề căng thẳng chủng tộc và bạo lực cảnh sát nhiều lần trong cuộc hội thảo.

Từng đóng vai trọng tài bất đắc dĩ về các căng thẳng chủng tộc, vị tổng thống người Mỹ gốc Phi châu đầu tiên của Hoa Kỳ đang bị đẩy vào vị trí này sau những vụ cảnh sát thẳng tay nổ súng tuần trước nhắm vào đàn ông da đen ở Louisiana và Minnesota. Tuần trước còn chứng kiến sự kết thúc bi thảm của một cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát ở Dallas, Texas, khi một người đàn ông da đen trang bị súng bắn tỉa chính xác giết hại 5 cảnh sát viên và làm nhiều người khác bị thương.

Phó thống đốc bang Texas Dan Patrick, một đảng viên Cộng hòa đã gọi những người biểu tình trong phong trào “Black Lives Matter” là “đạo đức giả” sau vụ nổ súng ở Dallas, đã kêu gọi tổng thống có nhiều biện pháp hơn để hỗ trợ cho cảnh sát, kể cả việc thắp sáng Tòa Bạch Ốc bằng những ngọn đèn màu xanh da trời, là màu đồng phục cảnh sát.

Đáp lại, ông Obama nói ông đã “dứt khoát và cương quyết trong việc lên án mọi lập luận nhắm vào các cảnh sát viên, và nói nếu ông Patrick “bỏ sót” những thông điệp đó, thì tổng thống “vui lòng” gửi lại các thông điệp đó cho ông Patrick.

Cuộc họp được truyền hình toàn quốc, với sự có mặt của nhiều người đã bị tác động bởi những vụ đối đầu gây chết chóc với cảnh sát trong tuần trước.

Địa điểm họp cũng mang ý nghĩa đặc biệt. Đó là một rạp hát ở hành lang con đường số 14 của thủ đô, trung tâm của một vụ bạo động vì lý do chủng tộc vào năm 1968, một phản ứng mãnh liệt trước vụ ám sát lãnh tụ dân quyền Martin Luther King.

Gia đình các nạn nhân

Một vụ đối đầu căng thẳng khác đã diễn ra với con gái của ông Eric Garner, cũng bị cảnh sát giết hồi năm ngoái ở New York, nơi người ta nghe thấy ông nói: “Tôi không thở được”, vào lúc cảnh sát đè ông xuống mặt đất. Con gái ông Garner đã la hét vào cuối buổi hội thảo khi không được cho cơ hội đặt câu hỏi với ông Obama, tuy nhiên, sau đó cô đã được gặp riêng tổng thống.

Các diễn giả khác đã nhẹ lời hơn. Người mẹ của cảnh sát viên ở Baltimore nói con trai bà khăng khăng đòi ra và được làm nhiệm vụ của mình bất kể nghi vấn về sự an toàn của mình trong lúc xảy ra những vụ bạo loạn năm ngoái ở Baltimore. Bà hỏi, “Vậy mình phải có cảm giác như thế nào? Dường như không có ai ở đó để bảo vệ cho con tôi.”

Một bà mẹ khác cũng nói: một bà mẹ ở Baltimore đã trở thành “nổi tiếng trên Internet” sau khi một đoạn video cảnh con bà bị kéo ra khỏi các cuộc bạo loạn ở Baltimore thu hút số người xem kỷ lục. Bà Toya Graham, đứng cạnh người con trai đeo nơ ở cổ áo, “Thực khó mà giữ cho chúng tránh được tai họa” trong lúc cố giữ công ăn việc làm và là một bà mẹ độc thân. Tôi phải đi làm… tôi phải làm sao đây?”

Bà Diamond Reynolds, người đã thu đoạn video người bạn trai bị cảnh sát viên ở Minneapolis bắn chết cũng thu hút số người xem kỷ lục, đã xuất hiện trên video truyền từ Minneapolis, sau khi dự đám tang của người bạn trai trước đó trong ngày. Bà nói, “Khi tôi nghĩ đến tương lai con gái của tôi, tôi lấy làm sợ hãi cho nó. Câu hỏi của tôi là, với tư cách một quốc gia, chúng ta làm thế nào đã ngăn chặn những gì đã xảy ra cho gia đình tôi và cho tất cả các nạn nhân khác trên khắp thế giới?”

Ông Obama không đưa ra những câu trả lời cứng nhắc, nhưng ông đã nói về tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tín nhiệm đặt vào lực lượng cảnh sát, sự can dự của cảnh sát trong cộng đồng, và những nguồn lực tốt hơn cho các cộng đồng bị căng thẳng vì các vấn đề nghèo khó, chủng tộc, và tội phạm. Ông cũng kêu gọi sự công bằng trong khi giao dịch với các cảnh sát viên, vì sự hận thù các nhân viên thi hành công lực đã làm khơi ra thêm các vụ bạo động.

Ông Obama nói: “Chúng ta trông đợi cảnh sát giải quyết một loạt các vấn đề xã hội mà chính chúng ta đã lơi là. Chúng ta có những cộng đồng thất nghiệp, với các trường học ở dưới mức tiêu chuẩn, nơi việc mua bán ma túy nhiều khi được coi là cách thức duy nhất để kiếm ra tiền. Các cộng đồng tràn ngập súng ống. Nơi thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần hay các dịch vụ chữa trị ma túy. Thế rồi, chúng ta nói với cảnh sát, hãy đi đối phó với tình trạng đó.”

Ông Obama nói trong những trường hợp như vậy, thì không có gì là lạ cảnh sát cảm thấy thiếu sự hỗ trợ khi bạo động bùng ra. Ông nói về các chương trình cải thiện đời sống cho thanh thiếu niên bị rủi ro – thường là một từ nói nhẹ đi để mô tả thanh niên da đen, mà tuổi tác, chủng tộc và giới tính có thể đóng một vai trò đáng kể trong cách thức họ bị đối xử.

Kinh nghiệm cá nhân

Tổng thống Obama nêu ra rằng, giống như phần lớn thanh niên da đen, ông đã có những thời kỳ lúc niên thiếu mà ông nhận thấy là những người khác coi ông là nguy hiểm. Ông nói ông nhận thấy khi lớn lên là mọi người sẽ khóa cửa xe hơi khi ông băng qua đường.

Ông Obama kể: “Tôi cảm thấy là điều xảy ra cho tôi là đúng so với điều xảy ra cho nhiều thanh niên Mỹ gốc Phi châu: có một giả thuyết lớn hơn về sự nguy hiểm phát xuất từ các quan niệm xã hội và văn hóa đã được cung cấp cho mọi người từ lâu nay.” Ông nói mọi người thuộc mọi chủng tộc phải biết rõ về những điều mình phỏng đoán lẫn nhau. "Điều đó phải phản ánh trong cách thức chúng ta bàn về những vấn đề này về sau."

Ông Obama cũng nêu ra những hậu quả rất thực của việc thuộc về thành phần dân số “có nguy cơ” đối với nam giới trẻ tuổi trong các khối thiểu số. Ông nói: “Một nguyên do chính gây ra cái chết lớn nhất cho thanh niên da đen từ 18 đến 35 tuổi là gây án mạng, và điều đó thật là điên rồ. Ông nói gánh nặng của việc thay đổi tình trạng đó không thể chỉ đặt lên vai một mình cảnh sát.

Ông nói: “Nó sẽ đòi hỏi những đầu tư vào các cộng đồng đó. Nó sẽ đòi hỏi bảo đảm các trường học có hiệu quả, có những chương trình sau lớp học. Và nó sẽ đòi hỏi chúng ta nhìn vào những sự việc như súng ống, và đó là điều gay go.” Ông tiếp tục mô tả việc biết rõ là có súng ống “lan tràn” trong cộng đồng có thể khiến cho cảnh sát thận trọng hơn và có nhiều phần chắc xảy ra đối đầu hơn.

Ông Obama không đề xuất các giải pháp cụ thể, và cũng không đưa ra lời hứa hẹn nào. Nhưng ông nói lên một niềm hy vọng – thực ra, ông bông đùa tự gọi mình là “Ông Hy Vọng.” Ông hô hào mọi người Mỹ hãy trông chờ tham gia vào việc chăm sóc thế hệ người Mỹ sắp tới, bất kể màu da của từng người. Ông nói: “Chúng ta có một nghĩa vụ đối với từng người và tất cả mọi người thuộc thế hệ ấy. Đây là con em của chúng ta và chúng ta muốn một nước Mỹ nơi chúng có thể cảm thấy an toàn.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG