Hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Obama đã đi thăm một số nước châu Á trong chuyến đi 10 ngày, trong đó có Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới, Indonesia, một trong các nền dân chủ lớn nhất đang nổi lên ở châu Á. Ông cũng đã ghé qua Nam Triều Tiên và Nhật Bản.
Vào lúc ông rời Washington, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ quân nhân Miến Điện sẽ chấm dứt lệnh quản thúc tại gia đối với bà Aung San Suu Kyi, người lãnh đạo Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử cách đây 2 thập niên.
Quả nhiên, các vị tướng lãnh cầm quyền ở Miến Điện đã phóng thích khôi nguyên giải Nobel Hòa bình này.
Đang ở Nhật Bản vào lúc đó, ông Obama đã công bố một thông cáo gọi bà là một người anh hùng của ông, và ông kêu gọi giới quân nhân Miến Điện hãy phóng thích khoảng 2.000 tù nhân chính trị mà nước này đang giam giữ, đồng thời có thêm các hành động hướng tới một cuộc đối thoại vô điều kiện với phe đối lập.
Ông Obama cũng đã lên tiếng về Miến Điện tại các trạm dừng khác trong chuyến đi, kể cả trong một bài phát biểu trước Quốc Hội Ấn Độ và ở Indonesia, nơi ông gọi Miến Điện là một trong các thách thức mà Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, và thế giới phải đối phó.
Chuyển nhanh qua một năm sau, tới chuyến đi châu Á Thái Bình Dương kỳ này, nhắm mục đích giúp thúc đẩy xuất khẩu của Hoa Kỳ và khuyến khích mậu dịch tự do, và bài diễn văn của ông tại Canberra, đề ra viễn ảnh của một sự hiện diện kinh tế và an ninh vững chắc và thường trực của Hoa Kỳ.
Đứng trước Quốc Hội Australia, tổng thống Hoa Kỳ cũng vạch ra một mối liên hệ giữa sự thịnh vượng và tôn trọng các quyền cơ bản của con người trong một khu vực mà ông coi là đầu máy kinh tế của thế giới.
Ông Obama quay sang Miến Điện, là nơi mà ông cho là sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho các các quyền cơ bản “đã hướng dẫn” đường lối của Washington trong việc sử dụng giao tiếp và chế tài để đem lại sự thay đổi.
Theo ông, mặc dầu đã có tiến bộ, còn nhiều việc phải làm và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nói rõ với chính phủ Miến Điện những biện pháp phải tiến hành là gì.
Ông nói: “Hôm nay, bà Aung San Suu Kyi đã thoát khỏi tình trạng quản thúc tại gia. Một số tù nhân chính trị đã được phóng thích. Chính phủ đã bắt đầu một cuộc đối thoại. Tuy nhiên các vụ vi phạm nhân quyền vẫn còn tiếp diễn. Vì thế chúng tôi sẽ tiếp tục nói rõ về những biện pháp cần phải được xúc tiến để chính phủ Miến Điện có thể có một mối bang giao tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ.”
Sau khi đắc cử năm 2008, ông Obama đã ra lệnh xét duyệt lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Miến Điện. Theo quan điểm của những người trong các cộng đồng đối lập Miến Điện trên khắp thế giới đang đòi Hoa Kỳ tăng thêm áp lực, thì cuộc duyệt xét đó kéo dài quá lâu.
Rút cuộc, chính quyền đã quyết định chọn một đường lối giao tiếp mà họ vẫn theo đuổi. Quân đội Miến Điện chưa phóng thích tất cả các tù nhân chính trị, mặc dầu dự kiến sẽ có thêm những người được phóng thích, và chính quyền đang theo dõi sát các dấu hiệu có thêm các thay đổi tích cực.
Phát biểu tại Australia, ông Obama cũng đề cập đến Indonesia, nước đang giữ chức chủ tịch ASEAN và chủ trì hội nghị Đông Á ở Bali.
Ông Obama nói các nền dân chủ lớn cần phải hợp tác với các nền dân chủ vừa nổi lên như Indonesia, để giúp “củng cố các cơ chế mà sự quản trị tốt lệ thuộc vào.”
Các chuyên gia phân tích cho rằng việc Miến Điện dự kiến sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN với 10 thành viên - đang chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á mà Tổng thống Obama sẽ đến dự vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy tuần này, có thể đem lại thêm áp lực đối với chính phủ Miến Điện phải tăng tốc các cải cách.
Tổng thống Miến Điện Thein Sein, được coi là đã thúc đẩy cải cách trong nước, hiện đang có mặt tại Bali. Chính phủ Miến Điện đã kêu gọi Hoa Kỳ bãi bỏ các biện pháp chế tài đã áp dụng từ năm 1997, một lời kêu gọi được sự ủng hộ của các thành viên khác trong khối ASEAN.
Một lần nữa nhân chuyến đi quan trọng đến châu Á, Tổng thống Barack Obama đã hối thúc chính phủ Miến Điện hướng tới nhiều cải cách nhanh chóng hơn. Các nhận định kêu gọi nhiều tiến bộ cụ thể hơn tại Miến Điện được ông Obama đưa ra trong một bài phát biểu tại Australia về an ninh khu vực, về tiến bộ kinh tế và chính trị trong vùng.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1