Đường dẫn truy cập

Người Mỹ thấm mệt sau 10 năm chiến tranh Afghanistan


Tổng Thống Obama đã loan báo về cuộc triệt thoái 33.000 binh sĩ ra khỏi Afghanistan
Tổng Thống Obama đã loan báo về cuộc triệt thoái 33.000 binh sĩ ra khỏi Afghanistan

Ngày 7 tháng 10 tuần này là kỷ niệm 10 năm ngày chiến tranh Afghanistan khởi sự, bắt nguồn từ các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ do al-Qaida thực hiện vào ngày 11 tháng 9, năm 2001. Tổng Thống Obama đã thừa kế cuộc chiến giờ được mô tả là chiến tranh dài nhất của Hoa Kỳ, so với những năm chủ yếu quân đội Mỹ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam.

10 năm sau khi chiến tranh Afghanistan khởi sự, nhân vật giật dây các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, là Osama bin Laden, không còn nữa. Bin Laden đã bị các lực lượng đặc biệt của Mỹ hạ sát ở Pakistan hồi đầu năm nay.

Thế nhưng chiến tranh vẫn tiếp diễn, với gần 1.800 binh sĩ Mỹ tử trận tính cho tới nay. Hoa Kỳ và NATO đang trong tiến trình chuyển giao trách nhiệm gìn giữ an ninh lại cho các lực lượng Afghanistan trước năm 2014.

Tuần trước, Tổng Thống Obama loan báo khởi điểm của một cuộc triệt thoái, rút khỏi Afghanistan 33.000 quân, là lực lượng đã được triển khai trong đợt tăng quân hồi năm 2009.

Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói: “Chúng ta sẽ tuần tự giảm quân số lực lượng này một cách có trách nhiệm, như thế nào để Afghanistan có thể tự bảo vệ lấy mình, và cho phép chúng ta có khả năng hành động để tiếp tục tăng sức ép với al-Qaida cho tới khi nào mạng lưới khủng bố này hoàn toàn bị đánh bại.”

Cách đây 10 năm, người Mỹ mạnh mẽ ủng hộ hành động quân sự tại Afghanistan. Nhưng dân Mỹ còn phải trải qua chiến tranh Iraq, cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của gần 4.500 người Mỹ.

Các cuộc thăm dò cho thấy những người tỏ thái độ bi quan nhất về các mục tiêu của Mỹ tại Afghanistan, là thành phần ủng hộ một cuộc rút quân nhanh chóng hơn.

Một cuộc nghiên cứu do chương trình tin tức của đài CBS thực hiện mới đây thấy rằng phân nửa người Mỹ được hỏi ý kiến không coi cuộc chiến tranh tại Afghanistan là thành công.

Ông Peter Brown, một nhà thăm dò ý kiến công chúng làm việc cho Viện Thăm dò của Đại học Quinnipiac ở Connecticut, nhận định:

“Rõ rệt nước Mỹ đã mỏi mệt vì chiến tranh và điều lý thú là thái độ này không chỉ có ở một chính đảng. Theo truyền thống, người thuộc Đảng Cộng hòa thường ủng hộ các cuộc chiến như thế, tuy nhiên, mức độ ủng hộ nơi thành phần này cũng đã suy giảm.”

Ông Brian Becker là Phối hợp viên liên bang của liên minh Answer, nhóm sẽ tổ chức các cuộc biểu tình ở thủ đô Washington và các thành phố khác để đánh dấu kỷ niệm 10 năm chiến tranh.

Ông Becker nói rằng chiến tranh Afghanistan không còn có thể kéo dài được nữa:

“Cuộc chiến đó không chỉ là những hy sinh bằng máu của các quân nhân Afghanistan và Hoa Kỳ, nó còn làm kiệt quệ nền kinh tế Mỹ vào một thời điểm chúng ta phải áp dụng các biện pháp cắt giảm ngân sách nghiêm trọng, và các chương trình xã hội thiết yếu đang phải đóng cửa.”

Tổng Thống Obama phải đối mặt với những lời kêu gọi trong đảng Dân chủ của chính ông, như lời kêu gọi của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, đại diện bang Vermont, kêu gọi ông Obama tái xét chiến lược tổng quan của ông.

Thượng nghị sĩ Leahy nói: “Tôi tin rằng chúng ta phải xác định những mục tiêu có thể thực hiện được ở Afghanistan, tôi tin rằng chúng ta phải giảm bớt sự hiện diện của chúng ta tại đó.”

Thượng nghị sĩ Jim Webb thì đưa ra nhận xét sau đây với Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta và Chủ tịch Ủy ban Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ sắp từ nhiệm, Đô đốc Mike Mullen:

“Nếu chúng ta, hay chính các ông muốn đất nước kiên nhẫn để tiếp tục chiến đấu trong một cuộc chiến kéo dài, thì điều quan trọng hơn là phải xác định một cách thật rõ rệt đâu là quyền lợi quốc gia thiết yếu, liên quan tới các chiến dịch chúng ta đang tiến hành ở Afghanistan.”

Các ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Cộng hòa khẳng định rằng chiến lược rút quân khỏi Afghanistan của Tổng Thống Obama bị ảnh hưởng bởi các vấn đề chính trị. Nhưng ông Mitt Romney và các ứng cử viên khác đồng ý rằng người Afghanistan phải gánh bớt gánh nặng gìn giữ an ninh cho chính họ.

Ông nói: “Họ sẽ phải tự mình phấn đấu để giành lấy và duy trì nền tự do đó.”

Ông Michael O'Hanlon thuộc Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, nói rằng người Mỹ chưa quên rằng Afghanistan là điểm xuất phát kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9. Ông cho rằng Tổng Thống Obama sẽ tìm được một điểm trung dung, đứng về mặt công luận.

“Về một khía cạnh nào đó, người Mỹ khá khôn lanh, có thể họ quyết định rằng họ không thích chiến tranh, thế nhưng họ thừa nhận có một mức độ quan trọng về việc nên tuần tự rút quân, và làm như thế một cách có trách nhiệm.”

Chưa đầy 2 tháng sau khi các lực lượng Hoa Kỳ hạ sát thủ lãnh khủng bố Osama bin Laden tại Pakistan, Tổng Thống Obama nói với người Mỹ rằng “làn sóng chiến tranh đang thoái lui.”

Tuy nhiên trong một phúc trình gửi đến Quốc hội Mỹ tuần trước, Tổng Thống Obama nói hiện vẫn còn “nhiều thách thức to lớn”, ông nói thêm rằng “đây chỉ là khởi điểm chứ không phải điểm kết thúc” của các nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc tranh chấp.

Chi phí của chiến tranh Afghanistan tính từ năm 2001 tới nay, được ước lượng là vượt quá 400 tỉ đôla.

Các diễn biến tại Afghanistan 10 năm sau khi chiến tranh khởi sự

Ngày 7 tháng 10 năm 2001: Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush ra lệnh bắt đầu các cuộc không kích tại Afghanistan, lúc đó do Taliban cầm quyền, để đáp ứng việc chế độ Taliban chứa chấp thủ lãnh al-Qaida Osama bin Laden. Bin Laden là kẻ chủ chốt trong các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 vào New York, thủ đô Washington và Pennsylvania.

Ngày 13 tháng 11 năm 2001: Liên minh miền Bắc chống Taliban chiếm thủ đô Kabul từ tay các lực lượng Taliban.

Ngày 5 tháng 12 năm 2001: Các phe phái Afghanistan ký thỏa thuận tại Bonn, Đức để thành lập chính phủ lâm thời do ông Hamid karzai, thủ lãnh bộ tộc Pashtun, cầm đầu.

Tháng 6 năm 2002: Afghanistan triệu tập đại hội đồng các thủ lãnh bộ tộc Loya Jirga, ông Karzai được hội đồng chọn làm Tổng thống chính phủ lâm thời.

Ngày 9 tháng 10 năm 2004: Afghanistan tổ chức bầu cử Tổng thống, bầu chọn ông Karzai làm nhà lãnh đạo đầu tiên được bầu một cách dân chủ. Ngày 5 tháng 10 năm 2006: Lực lượng hỗ trợ An ninh Quốc tế của NATO (ISAF) đảm nhận trách nhiệm gìn giữ an ninh trên toàn cõi Afghanistan.

Ngày 12 tháng 6 năm 2008: Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế tại Paris hứa viện trợ 20 tỉ đô la cho Afghanistan. nhưng nói Kabul phải quyết tâm hơn chống tham nhũng.

Ngày 17 tháng 2 năm 2009: Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh tăng quân, đưa thêm 17.000 binh sĩ Mỹ sang Afghanistan để chiến đấu chống cuộc nổi dậy đang leo thang do phe Taliban phát động.

Ngày 27 tháng 3 năm 2009: Tổng thống Obama loan báo kế hoạch điều động thêm 4.000 quân để huấn luyện các lực lượng an ninh Afghanistan.

Ngày 20 tháng 8 năm 2009: Afghanistan tổ chức bầu cử Tổng thống, các giới chức nói ông Karzai đoạt được hơn 50% số phiếu bầu.

Tháng 10 năm 2009: Một cuộc điều tra do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu về cáo buộc có gian lận bầu cử kết luận ông Karzai đoạt được chưa tới 50% số phiếu bầu, có nghĩa là ông phải đối đầu với ứng cử viên Abdullah Abdullah trong cuộc bầu cử vòng hai.

Tháng 11 năm 2009: Ông Abdullah bỏ cuộc, không tham gia bầu cử vòng hai, nói rằng chính phủ không đáp ứng những đòi hỏi của ông. Ông Karzai được tuyên bố tái đắc cử.

Ngày 1 tháng 12 năm 2009: Tổng thống Obama ra lệnh triển khai thêm 30.000 quân sang Afghanistan để chống quân Taliban, nâng quân số của lực lượng Mỹ tại Afghanistan lên gần 100.000 người.

Ngày 20 tháng 11 năm 2010: Tổng thống Obama đặt mục tiêu sẽ chấm dứt các cuộc hành quân của Mỹ tại Afghanistan trước cuối năm 2014, và giảm mạnh quân số Mỹ trước thời điểm đó.

Ngày 2 tháng 5 năm 2011: Lực lượng đặc biệt Mỹ hạ sát bin Laden trong một cuộc đột kích mật, càn quét một ngôi nhà tại Abbottabad, Pakistan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG