Đường dẫn truy cập

OAS họp về khủng hoảng ở Venezuela


Đại biểu các nước OAS họp ở Washington, Mỹ, về khủng hoảng ở Venezuela, 31/5/2017
Đại biểu các nước OAS họp ở Washington, Mỹ, về khủng hoảng ở Venezuela, 31/5/2017

Bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ đã tổ chức phiên họp đặc biệt tại Washington hôm 31/5 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Venezuela, sau khi lại diễn ra một ngày có những cuộc biểu tình bạo lực tại Caracas.

Ít nhất 60 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính phủ xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Nicolas Maduro và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng xăng dầu, thuốc men và các loại thực phẩm cơ bản.

Các nhà ngoại giao chia làm hai phe – một bên nói can thiệp của quốc tế và khu vực là cách duy nhất để chấm dứt bạo lực, và một bên cho rằng không ai có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.

Maria Angela Holguin, Bộ trưởng Ngoại giao Colombia, nói: "Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi chính phủ Venezuela ngừng đàn áp nhân dân đang phản đối trên đường phố, hãy bảo vệ mạng sống của những người biểu tình và trả tự do cho những tù nhân chính trị. Chúng tôi cũng nhắc lại lời kêu gọi không cấp vũ khí cho dân chúng. Trao cho người ta vũ khí không dẫn đến gì khác ngoài những cuộc đối đầu dữ dội mà Venezuela đáng phải nhận".

Luis Exequiel Alvarado Ramirez, Đại sứ Nicaragua, Đại diện tại OAS, nói: "Chúng tôi nhấn mạnh rằng Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ này không thể tiếp tục bị lợi dụng bởi một quốc gia hoặc một nhóm các quốc gia để gây ảnh hưởng đến chủ quyền, sự tự quyết và quyền của một quốc gia thành viên. Chúng tôi yêu cầu chấm dứt các hành động thù địch và trừng phạt chính trị quốc tế chống chính phủ của Cộng hòa Bolivar Venezuela".

Ông Maduro đã đe dọa rút khỏi OAS để phản đối điều mà ông cho là một chiến dịch do Hoa Kỳ chỉ đạo nhằm phá hoại chủ quyền của Venezuela.

Ông hiện kêu gọi sửa đổi hiến pháp đất nước, nói rằng điều đó cần thiết để mang lại hòa bình và ngăn chặn các đối thủ của ông làm đảo chính lật đổ.

Những người chỉ trích lo rằng hiến pháp mới có thể ngăn chặn bầu cử và các nỗ lực khác để khôi phục dân chủ.

Venezuela giàu dầu mỏ giờ đang trên bờ vực sụp đổ về kinh tế lẫn chính trị, một phần do giá dầu thế giới giảm mạnh và do chính phủ quản lý yếu kém.

Các cuộc biểu tình hàng ngày đòi hỏi có các cuộc bầu cử mới, trả tự do cho các tù nhân chính trị và viện trợ nhân đạo đã trở nên bạo lực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG