Ô nhiễm do công nghiệp gây ra tại những khu vực dân cư là một diễn biến quen thuộc trên toàn thế giới, nhưng ô nhiễm nặng tới độ khiến cho một thị trấn trở thành một thị trấn ma là chuyện hiếm khi xảy ra. Trong câu chuyện nước Mỹ tuần này, xin mời quý thính giả theo dõi việc ô nhiễm nguồn nước đã khiến cho thị trấn Hinkley, bang California, sắp trở thành một thị trấn không người ở. Ngoài ra chúng tôi cũng mời quý thính giả tìm hiểu một loại ô nhiễm khác được gọi là ô nhiễm ánh sáng ảnh hưởng như thế nào đối với con người và các loài chim muông qua bài viết của Thông tín viên Đài VOA Chris Richard và Adam Phillips.
Câu chuyện bắt đầu cách đây 20 năm tại Hinkley, một thị trấn nhỏ nằm trong sa mạc Mojave ở California. Công ty Điện California PG&E đã trả hàng trăm triệu đô la để giải quyết vụ kiện của cư dân vì công ty này đã làm các giếng nước nhiễm độc do đổ rác thải công nghiệp không đúng cách. Tuy nhiên thắng lợi pháp lý có tính chất dấu mốc -- đã được phản ánh trong phim “Erin Brockovich”, không phải là đoạn kết của câu chuyện. Kể từ đó nước ngầm bị nhiễm chất độc hexavalent chromium cũng được gọi là crôm 6, tiếp tục lan rộng. Hiện nay cư dân Hinkley đang rủ nhau rời đi nơi khác và tương lai thị trấn trở nên bất định.
Học sinh lớp một và lớp hai tại trường Hinkley ghép thành từng đôi một để thực tập về ngữ vựng. Dường như mọi chuyện xảy ra như thường ngày, nhưng với việc nhiều gia đình rời khỏi thị trấn, trường học dự trù đóng cửa vĩnh viễn vào tháng 6 tới. Cô Sonja Pellerin một giáo viên ở đây cho biết:
“Chúng tôi biết được mỗi ngày tại những khu vực khác nhau, các em học sinh đang chuyển đi nơi khác và nhiều người đã khóc. Một số người sống tại đây qua nhiều thế hệ, và việc này làm cho các gia đình xáo trộn.”
Vì số học sinh giảm mạnh trong những năm gần đây, các giới chức giáo dục nói không thể nào giữ cho Trường Hinkley tiếp tục mở cửa.
Mỗi tháng một lần, nhà trường mời gia đình ăn trưa với con em. Bà Roberta Walker mới đây đến trường ăn trưa với các cháu của bà. Bà tức giận công ty PG&E, công ty năng lượng đã từ chối yêu cầu của các giới chức trường học muốn họ mua lại trường để trường có thể tiếp tục hoạt động.
“Trường học là một phần lớn nhất của cộng đồng. Và công ty năng lượng từ chối công nhận công ty có lỗi trong việc làm cho số học sinh theo học giảm sút.”
Trong những năm 1990, bà Walker là nguyên đơn chính trong một vụ kiện của hàng trăm cư dân Hinkley chống lại PG&E vì công ty này đã đổ nước dùng làm lạnh từ một nhà máy nén khí đốt nằm ở phía nam thị trấn vào những hồ chứa nước không có những lớp chắn để ngăn không cho nước thấm vào đất. Chất thải chứa đầy chất độc crôm 6, làm ô nhiễm các giếng nước của Hinkley và đơn kiện quy lỗi cho công ty về những chứng bệnh ung thư ngày càng tăng và bệnh tự miễn nhiễm sau đó. Công ty đã giải quyết xong vụ kiện. Với tiền được chia trong vụ kiện, bà Walker xây nhà mới cho bà và các con gái cách vị trí ô nhiễm vài kilômét. Hiện nay nước giếng của bà cũng bị ô nhiễm chất crôm 6. Bà Walker và con gái đang điều đình với công ty PG&E để họ mua lại nhà của bà.
“Vẫn còn có một ít hy vọng là tiểu bang sẽ tiếp tục thúc đẩy việc này, nhưng tôi sẽ làm hay không? Và một khi tôi rời khỏi nơi này, tôi sẽ tiếp tục làm hay không? Không. Tôi mệt rồi. Tôi chán quá rồi.”
PG&E đã đồng ý mua một phần ba nhà của cư dân ở Hinkley. Phát ngôn viên công ty Jeff Smith nhắc đi nhắc lại trong nhiều năm qua là PG&E muốn đảm bảo Hinkley tồn tại. Tuy nhiên việc này phức tạp hơn.
“Chắc chắn chúng tôi vẫn cam kết làm việc với cư dân Hinkley. Nếu họ thích bán nhà của họ và rời khỏi cộng đồng, chúng tôi muốn đảm bảo là chúng tôi cũng có giải pháp này đối với họ.”
Ở tầm vóc quốc gia, Cơ quan Bảo vệ Môi trường EPA trong 5 năm qua đã nghiên cứu những giới hạn mới về chất crôm 6 có trong môi trường. EPA công bố một bản thảo đánh giá vào năm 2010, nhưng cuộc nghiên cứu này vẫn còn trong vòng duyệt xét của các nhà khoa học.
Cơ quan cho biết là sẽ không thích hợp khi duyệt xét lại các tiêu chuẩn của nước uống trên toàn quốc cho đến khi tiến trình này hoàn tất. Ông Renee Sharp làm việc với Tổ chức Hoạt động Môi trường, một tổ chức tư nhân chuyên nghiên cứu và cổ võ cho việc bảo vệ môi trường.
“Hinkley là một ví dụ cụ thể của tình trạng là ngay cả trong trường hợp chúng ta thu hút được rất nhiều sự chú ý, chúng ta vẫn có thể thiếu những tiêu chuẩn bảo vệ người dân, trên một mức độ xã hội rộng lớn.”
Theo lệnh của tiểu bang, công ty PG&E vẫn còn đang nỗ lực dọn sạch ô nhiễm do công ty gây ra. Mỗi năm, công ty bơm hàng triệu lít nước bị ô nhiễm vào những cánh đồng cỏ linh lăng gần đó để những vi khuẩn trong đất triệt tiêu chất độc. Công ty cũng bơm chất ethanol vào lòng đất để tạo nên những phản ứng hóa học nhằm trung hòa chất crôm. Tại một buổi họp công cộng vào tháng 10 năm ngoái, kỹ sư của dự án, ông Kevin Sullivan đưa ra lời trấn an.
“Chúng tôi đạt được nhiều tiến bộ. Chúng tôi đã dọn sạch khoảng 22 hécta. Tôi biết, tôi hiểu là quý vị sẽ hỏi cho đến nay các ông đã làm gì cho chúng tôi? Nhưng 22 hecta là có nhiều tiến bộ.”
Tuy nhiên đây chỉ là một phần của việc thiệt hại về môi trường. Cách đây ba năm, các giới chức lo về chất lượng nước của tiểu bang ước lượng là khu vực bị ô nhiễm dài hơn bốn kilômét một ít. Theo phúc trình mới nhất của tiểu bang, khu vực ô nhiễm có thể trải dài hơn 11 kilômét và ông Lauri Kemper thuộc Ủy ban kiểm soát chất lượng nước cho biết mỗi ngày vùng ô nhiễm lan xa hơn nửa mét.
“Dường như là nếu nghiên cứu kỹ hơn, chúng tôi khám phá ra nhiều điều hơn, và điều này đáng lo ngại đối với người dân.”
Tuy nhiên dù lo ngại về ô nhiễm, bà Patsy Morris, 83 tuổi, đã quyết định ở lại - cho tới gần đây.
Cùng với việc thị trấn Hinkley trống vắng dần, bà quyết định là bà không có lựa chọn nào khác là rời khỏi nơi đây.
“Tất cả mọi chuyện làm chúng tôi cay đắng. Họ sẽ biến nơi đây thành một khu hoang tàn lớn. Đó là những gì tôi có thể nói về Hinkley. Các bạn tôi, bằng cách này hay cách khác, đã rời khỏi đây rồi.”
Công ty PG&E ước tính là phải mất 40 năm để dọn sạch việc ô nhiễm chất crôm 6. Ước tính đó làm người dân Hinkley dở khóc dở cười. Họ tiên đoán là trong vòng 10 năm cộng đồng của họ sẽ là một thị trấn ma.
------------------------------------------------
Những thành phố trên thế giới tiếp tục tăng trưởng, và ánh sáng nhân tạo chiếu sáng các tòa nhà và đường phố và làm cho bóng đêm không ngự trị các đô thị, mỗi năm càng ngày càng sáng hơn. Trên thực tế, ánh sáng nhân tạo sáng đến nỗi đã trở thành một tác nhân ô nhiễm khác của đô thị, xóa nhòa tầm nhìn của chúng ta lên bầu trời đêm, làm cho những viễn vọng kính đặt trên mặt đất bị đui mù và đe dọa sức khỏe nhân loại và hệ sinh thái của hành tinh chúng ta. Thông tín viên Đài VOA Adam Phillips tường trình về những nỗ lực đảo ngược khuynh hướng này và bảo vệ bầu trời đêm của thế giới.
Bầu trời đêm đầy sao mà tổ tiên chúng ta biết đến đang biến mất khỏi tầm mắt của hầu hết dân chúng trên trái đất. "Ô nhiễm ánh sáng” tràn lan ảnh hưởng đến nhiều phần đất trên thế giới là đề tài của phim “The City Dark” (Đêm đen của Thành phố), một phim tài liệu do ông Ian Cheney biên soạn và đạo diễn.
“Phim bắt đầu bằng một câu hỏi đơn giản: Chúng ta mất cái gì khi chúng ta mất đêm và bầu trời đêm đen?”
Đây là một câu hỏi cho cá nhân và cho toàn thế giới của ông Cheney, người đã trải qua thời kỳ trẻ thơ nhìn các vì sao tại nông trại của gia đình thuộc miền quê tiểu bang Maine, vùng đông bắc nước Mỹ, và nhớ đến bầu trời đêm sau khi chuyển đến New York lúc còn là một thanh niên trẻ tuổi. Ông công nhận sự mất mát này có thể khó đánh giá.
“Nhưng theo một cách khác thì đây là một kinh nghiệm của chúng ta và con cái chúng ta. Hầu hết trẻ em trên thế giới hiện lớn lên không được thấy dải Ngân Hà, dải ánh sáng này tượng trưng cho hàng trăm triệu, hàng tỉ những vì sao trong thiên hà của chúng ta trong đó có mặt trời. Và khi con người tiến hóa thì chúng ta sẽ thấy việc này có ý nghĩa như thế nào-dù việc này có nghĩa như thế nào nhưng chúng ta sẽ có ít nhà khoa học hơn, hay ít nhà thơ hơn, hay ít nhà triết học hơn. Nhưng tôi nghĩ chắc chắn là sẽ không có việc chấm dứt những cảm hứng có được khi nhìn bầu trời đêm đẹp đẽ.”
Cùng với cảm hứng, còn có sự hiểu biết về khoa học được thu thập, khi các nhà thiên văn nhìn vào không gian để tìm những manh mối về nguồn gốc của vũ trụ. Tuy nhiên theo như tuyên bố của giáo sư Thiên văn Irvin Robbins trường đại học Staten Island trong phim “The City Dark” thì những quan sát trực tiếp đã trở nên gần như không thực hiện được tại những thành phố lớn vì ánh sáng nẩy lên từ những bụi bặm trên bầu khí quyển và tạo nên một ánh sáng rực rở màu hồng nhạt khuếch tán có thể làm mờ nhạt tất cả các vì sao trừ vài chục ngôi sao sáng nhất.
“Chúng ta bị giới hạn vì không biết chúng ta có thể đi sâu vào không gian như thế nào. Khi nhìn lên bầu trời tôi thấy như có một bức tranh tuyệt đẹp. Nhưng bây giờ tôi xóa tất cả và chỉ để lại một ít điểm. Đó là điều ô nhiễm ánh sáng đang làm.”
Sự yêu thích của nhân loại đối với ánh sáng nhân tạo là một điều dễ hiểu. Trong hàng trăm ngàn năm nay, tất cả những gì chúng ta có là lửa và ánh sáng của đuốc giúp chúng ta di chuyển và cảm thấy an toàn về đêm. Vào đầu những năm 1800, ánh sáng của khí đốt được phát triển để soi sáng những con đường trong thành phố và ngăn chận tội phạm. Vào gần cuối thế kỷ, đèn điện được sử dụng, giúp tạo ra một thế giới thành thị hầu như thường xuyên được chiếu sáng.
Ông Ian Cheney nói hầu hết ánh sáng này là phí phạm.
“Nếu một ánh sáng không chiếu sáng bất cứ vật gì hữu ích, nhưng thay vào đó chiếu sáng vào cửa sổ phòng ngủ của bạn vào ban đêm hay chiếu lên trên trời, thì đây là một sự phí phạm năng lượng khổng lồ. Chúng ta đốt dầu mỏ hay than đá để tạo ra điện năng để rồi sau đó năng lượng này bị phí phạm.”
Ông Cheney nói che chắn ánh sáng bên ngoài để ánh sáng này chỉ chiếu sáng đường phố ở bên dưới, ít xâm nhập vào các nơi khác và hiệu quả hơn. Và trong khi đèn trong thành phố giúp chúng ta thấy được nơi chúng ta đi ban đêm, ánh sáng này làm cho những sinh vật khác không phải là con người mất phương hướng.
Chẳng hạn như các loài chim di trú dường như có bản đồ về các ngôi sao in trong óc giúp chúng di chuyển khi bay về miền bắc vào mùa xuân và bay về miền nam trong mùa thu. Ông David Willard, một nhà động vật học tại viện bảo tàng Field ở Chicago, nói khi chim bay qua các thành phố, chúng thường nhầm lẫn ánh sáng nhân tạo bên dưới với những ngôi sao ở phía trên.
“Và vì ánh sáng chúng đang nhìn phát xuất từ phía sau cửa kính, trong nhiều trường hợp chúng va phải kính và chết vì thương tích. Ước đoán mỗi năm có chừng 1 tỉ con chim đụng phải kính cửa sổ và chết do sự va chạm này.”
Quá nhiều ánh sáng cũng tác động đến quá trình sinh học của con người. Quá trình sinh học này tùy thuộc vào chu kỳ 24 giờ tối và sáng. Nhà dịch tể học Richard Stevens thuộc Trung tâm Y tế trường đại học Connecticut nói có bằng chứng kết nối tỉ lệ ung thư vú gia tăng trong thế giới công nghiệp hóa với con số ngày càng tăng những phụ nữ làm việc ca đêm, dưới ánh sáng nhân tạo.
“Và trên thực tế Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư, nằm trong Tổ chức Y tế Thế giới hiện xếp những ca làm việc có thể là nguyên nhân làm thay đổi quá trình sinh học của con người.”
Các nhà sản xuất đèn điện hiện đang đáp ứng với mức cầu ngày càng tăng của các loại bóng đèn bắt chước ánh sáng thiên nhiên, và những nỗ lực đang được thực hiện trên toàn thế giới để thiết lập việc “bảo tồn bầu trời đen” nơi ô nhiểm ánh sáng được giữ ở mức tối thiểu. Ông Ian Cheney nhà làm phim “The City Dark” hy vọng bầu trời đêm sẽ được cứu. Ông nói “Có điều an ủi và hài lòng về vẻ đẹïp của ánh sáng các thành phố chúng ta. Chúng ta chỉ phải tìm cách vừa có ánh sáng nhân tạo vừa có ánh sáng của các ngôi sao nữa.”