Giáo dục là một đề tài mà tôi luôn quan tâm. Năm ngoái, tôi có dịp đọc cuốn sách của cô giáo Esther Wojcicki với tựa là “Làm thế nào để nuôi dưỡng người thành công: Bài học đơn giản cho kết quả triệt để” (How to Raise Successful People: Simple Lessons for Radical Results). Chính bà đã áp dụng thành công phương pháp này, hai trong ba cô con gái của bà là giám đốc của Youtube và 23andMe, và cô thứ ba là một giáo sư về nhi khoa tại Đại học California.
Có thể nói, đây là cuốn sách tuyệt vời mà mọi phụ huynh, thầy cô giáo và chủ nhân có thể nghiên cứu và áp dụng vào việc giảng dạy con em, học trò và nhân viên của mình. Tôi mong rằng cuốn sách này được dịch sang tiếng Việt để người Việt Nam nghiên cứu và học hỏi.
Bí quyết, thật ra, không có gì phức tạp hay khó hiểu cả.
Cuốn sách của bà Wojcicki tập trung vào 5 giá trị làm cơ sở triết lý cho giáo dục con người, gọi là TRICK; viết tắt cho các chữ Trust, Respect, Independence, Collaboration and Kindness, tức Tin tưởng, Tôn trọng, Tự lập, Phối hợp và Tử tế. Có lẽ đây là những giá trị bất biến và là nền tảng của nhân loại, đã có từ trước thời của Khổng giáo cho đến hôm nay. Chỉ cần có một cách nhìn triệt để, và biết cách áp dụng khéo léo uyển chuyển, thì mọi người sẽ học hỏi tu thân thật tốt. Có thể nói, các giá trị này là khuôn mẫu cho mọi thời đại và mọi xã hội văn hóa. Nhưng để có được hiệu quả, người áp dụng cần có đầu óc phóng khoáng, tư duy phát triển, suy nghĩ phê phán, với tinh thần tự do và độc lập, thay vì cứng ngắc và giáo điều. Quan trọng nữa là, tránh tình trạng không ép buộc hay nhồi nhét như thói quen xưa nay.
Tôi sẽ trở lại những điều rất hay trong cuốn sách này trong một bài khác.
Người bạn tôi, Hannah, có hai con trẻ, Lena 11 tuổi và Kevin 9 tuổi. Chúng tôi thường trao đổi với nhau về đề tài giáo dục, nuôi dạy con cái, và bao nhiêu vấn đề khác. Mới đây, Hannah mới kể cho tôi nghe các mẫu chuyện chung quanh việc theo dõi sự phát triển lớn khôn của con cái, và sự hướng dẫn của cô.
Hannah cho biết cách đây 2 năm, khi Kevin mới 7 tuổi, Lena 9 tuổi, hai chị em lúc đó không hiểu chửi thề là gì. Có lần Hannah và chồng cô đang nói chuyện về đề tài sử dụng ngôn từ thích hợp khi tức giận, đưa đến đề tài văng tục. Hannah hỏi hai bé có biết tiếng chửi nào không và có bao giờ dùng chưa? Bé Kevin hỏi có phải “Stupid” là tiếng chửi thề không, làm cả nhà cười ồ lên. Bé Lena thì nói biết, nhưng không dám nói, chỉ đánh vần bằng mẫu tự. Rồi bé Lena nói con có biết một chữ khác, kết thúc bằng chữ “hol(e)”. Bé Kevin nói cho con vài phút để suy nghĩ nhe, vì con nghĩ con biết chữ này. Hai ba phút sau, Kevin đáp: “
Con biết rồi, có phải là “Alcohol” không?”.
Cả nhà Hannah được một trận cười vì sự ngây ngô của bé Kevin. Sau đó, Hannah cho biết cô chia sẻ với các con của mình rằng dùng ngôn từ nặng nề khi nóng giận, kể cả chửi thề, là điều dễ; nhưng biết kiềm chế cảm xúc khi tức giận, biết dùng ngôn từ lịch thiệp nhưng vẫn nói lên được thông điệp của mình, mới là khó.
Tin tưởng, Tôn trọng, Tự lập, Phối hợp và Tử tế, và bao giá trị quan yếu khác, cũng là triết lý giáo dục trong gia đình của Hannah.
Hai năm qua, Lena và Kevin đã lớn nhiều và ngày càng tự lập. Mới đây, hai chị em nói nhiều chuyện “người lớn” hơn. Lena thì đến tuổi dậy thì nên cơ thể thì phát triển và tính khí thì thay đổi. Hannah hiểu tâm lý phát triển của Lena và từng bước theo dõi hướng dẫn con. Lẽ ra vào thời điểm này Lena sẽ được học về Giáo dục Sinh lý (Sex Education) tại trường. Nhưng vào giữa mùa đại dịch Covid-19, các em đều học ở nhà nên các chương trình như thế chưa được giảng dạy.
Cho nên có nhiều điều Lena không hiểu chính mình. Và vai trò của Hannah, làm mẹ, là vô cùng cần thiết vào lúc này.
Lena tuy chỉ 11 tuổi nhưng rất trưởng thành. Từ nhỏ, Lena đã là người luôn hiếu kỳ, cái gì cũng muốn biết, cái gì cũng đặt câu hỏi. Hai chị em Lena và Kevin thường xem tin tức, nhất là chương trình BTN, tức Behind The News, của đài ABC Australia. Nhiều vấn đề chính trị và thời sự trên thế giới Lena và Kevin đều theo dõi. Lena lại rất yêu thích động vật và hết lòng muốn bảo vệ chúng. Chính vì thế, nên Hannah cũng không ngạc nhiên khi Lena nhiều lần trước đây khẳng định rằng Lena không muốn có con, chỉ muốn sau này nuôi chó, mèo, rùa, thỏ, v.v… và bao nhiêu động vật khác.
Hannah bảo Lena rằng: “Quyết định có con hay không là quyết định của con, mẹ luôn ủng hộ con nếu con hạnh phúc với lựa chọn đó.”
Cách đây mấy hôm, Lena thắc mắc không hiểu làm sao người ta có thể có thai, và có con? Và Lena cũng cho biết rằng Lena hiểu có nhiều cha mẹ giận con mình vì mang thai. Lena nói có những cha mẹ ruồng bỏ con, nên cô bé cảm thấy tội nghiệp. Rồi Lena hỏi mẹ sẽ ruồng bỏ con không? Mẹ sẽ làm gì, nếu con có thai?
Hannah khẳng định sẽ không bao giờ ruồng bỏ cô bé dù với bất cứ lý do nào, ngay cả nếu Lena mang thai.
Hannah chia sẻ thêm về câu đối thoại với con mình như sau: “Nếu con có thai và mẹ ruồng bỏ con, mẹ không những có lỗi với con mà còn với cháu ngoại của mẹ nữa. Nó không có tội tình gì. Con yên tâm, mẹ sẽ thương yêu chăm sóc và bảo vệ con mẹ và cháu mẹ, và đó là bổn phận của mẹ. Nhưng con à, khi có thai mà chưa có chồng, và khi có thai mà còn quá trẻ, con sẽ mất đi quãng đời hồn nhiên, trong sáng, vui tươi và đẹp đẽ của con. Ở trong tình huống đó, con sẽ không thể thưởng thức cuộc đời như bao bạn trẻ khác, được đi học trung học và đại học đến nơi đến chốn, được đi du lịch đây đó để biết đời biết người biết lịch sử và địa lý thiên nhiên. Con sẽ không thực hiện được những điều con mong muốn trong khoảng thời gian đó, mà có thể phải làm về sau này, cho đến khi con có thể. Có thai có con lúc còn quá nhỏ có thể làm cả cuộc đời con gián đoạn và đảo ngược. Con phải lo cho con của con, lúc còn quá bé và thiếu kinh nghiệm. Cho nên mẹ chỉ tiếc và buồn vì con không làm những gì các bạn trẻ khác của con có thể làm, nhất là sống hồn nhiên và hạnh phúc cho đến khi con trưởng thành và sẵn sàng.”
Hannah cũng an ủi con rằng: “Con không cần lo lắng quá, vì những điều này cũng sẽ được dạy trong bộ môn Sex Education.”
Bé Kevin, ngồi nghe mẹ chia sẻ với chị Lena, nghe đến đây cũng lên tiếng “Oh, mẹ vừa mới nói chữ cấm kỵ rồi.” Hannah hỏi: “Ủa, chữ cấm kỵ là chữ nào vậy con?” Kevin trả lời: “Thì chữ Sex đó”. Hannah giải thích: “Nhưng chữ đó thật ra cũng không có gì xấu cả. Căn bản thì nó phân biệt phái tính thôi. Ở tuổi này con không cần biết hơn thế!”. Kevin hỏi thêm: “Còn chữ Sexy cũng là chữ cấm kỵ phải không mẹ?”
Gia đình Hannah dạy con, xây dựng củng cố sự tin tưởng và tự lập, bằng những câu chuyện thực tế như thế, bằng những lời chia sẻ dựa trên đầy đủ thông tin thích hợp của lứa tuổi và bằng sự thảo luận thẳng thắn, thay vì tránh né hay tạo nên lo lắng sợ hãi không cần thiết.